Xã hội

Lợi dụng chính sách mới trục lợi BHYT

27/05/2016, 08:40

Sau hơn 4 tháng thực hiện Luật BHYT sửa đổi, lợi dụng sự thông thoáng đã có nhiều hình thức trục lợi.

11

Cả các cơ sở y tế cũng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để trục lợi BHYT (ảnh minh họa)

Một tháng khám tới 8 lần

Dư luận vẫn chưa quên câu chuyện phòng khám Đa khoa Phương Nam (phường 4, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thực hiện chương trình khuyến mãi “đến khám bệnh nhận quà tặng”. Đáng chú ý là không chỉ người dân Cà Mau, mà người dân ở tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu cũng đến thăm khám và cho dù không có bệnh vẫn được chỉ định làm xét nghiệm và được nhận quà khiến số lượng bệnh nhân đến khám tăng vọt. Hầu hết bệnh nhân đến đây đều được các bác sỹ tại phòng khám chỉ định làm cận lâm sàng như nội soi tai mũi họng, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng, tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser… Không chỉ lạm dụng cận lâm sàng, các bác sĩ nơi đây còn kê đơn thuốc vô tội vạ cho bệnh nhân.

Theo báo cáo mới nhất của BHXH tỉnh Cà Mau, chỉ trong tháng 1/2016, phòng khám Phương Nam đã khám, chữa bệnh cho 37.000 lượt bệnh nhân dưới 6 tuổi, trong đó có hơn 11.000 lượt trẻ đến khám bệnh từ 4 - 9 lần. Điển hình có trường hợp bệnh nhi T.T.G.B. (3 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) trong một tháng đã tới khám 9 lần tại đây và tổng số chi phí mà BHYT phải trả gần 5 triệu đồng. Hay trường hợp bệnh nhi H.T.T. (SN 2010, ngụ TP Cà Mau), số chi phí mà BHYT phải trả lên đến 12 triệu đồng...

Tính đến hết tháng 4/2016, cả nước có gần 71 triệu người tham gia BHYT chiếm khoảng 76,5%. Giải quyết chế độ BHYT cho trên 44 triệu lượt khám chữa bệnh, tăng 2,8 triệu lượt. Chi gần 20 nghìn tỷ đồng cho việc chi trả chế độ khám chữa bệnh thẻ BHYT.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin định kỳ về BHYT quý II/2016 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hôm qua (26/5), ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Những con số trên cho thấy sự bất thường trong việc quản lý, chi trả BHYT. Hiện, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh Cà Mau tạm dừng thanh toán, tạm ứng cho phòng khám Đa khoa Phương Nam, đồng thời lấy toàn bộ dữ liệu liên quan đến phòng khám này để đánh giá có hay không việc chiếm dụng quỹ BHYT.

Không những vậy, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, những con thống kê chung trong 4 tháng đầu năm cũng cho thấy dấu hiệu “bất thường”. Ví như, số người tham gia BHYT tăng 1,2% nhưng số lượt khám chữa bệnh lại tăng 5%; hay ngày điều trị bình quân năm 2015 là 5,6 ngày/giường/bệnh nhân thì trong 4 tháng đầu năm 2016 lại tăng lên 6,3/ngày/giường/bệnh nhân (tiền giường nằm điều trị tăng theo giá mới)… “Dù chưa thể khẳng định ngày có hay không việc trục lợi BHYT nhưng chắc chắn đó là những số không bình thường”, ông Thảo khẳng định.

Sẽ áp mã định danh để kiểm soát trục lợi BHYT

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Lương Sơn cho biết, không phải bây giờ mới có các hoạt động trục lợi BHYT. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc người dân có thẻ BHYT hay thậm chí cả các cơ sở y tế đã lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để trục lợi BHYT. Đáng lưu ý với hai điểm mới nhất trong triển khai Luật BHYT sửa đổi là thông tuyến cấp huyện trên 1 tỉnh và áp giá y tế mới tính đúng, tính đủ… cũng đã bị lạm dụng để trục lợi.

Ông Sơn lý giải, khi được thông tuyến, người dân có quyền được đến khám bất kỳ ở phòng khám hay bệnh viện nào (từ tuyến huyện trở xuống). Với chính sách này, nhiều người đã lạm dụng để khám nhiều lượt tại nhiều bệnh viện trong ngày để lấy thuốc và thụ hưởng dịch vụ y tế. Hay lợi dụng thông tuyến để dễ dàng xin giấy chuyển tuyến...

Việc lạm dụng này liên quan đến cả cơ sở khám chữa bệnh. Với giá dịch vụ mới tạo nguồn lực cho cơ sở khám chữa bệnh, tuy nhiên nếu không quản lý tốt có thể phát sinh trục lợi. “Như cơ cấu giá dịch vụ giá giường nằm đã bao gồm điều hòa nhưng cơ sở y tế không dùng đến khi bệnh nhân dùng lại bắt đóng thêm…”, ông Sơn nêu ví dụ.

Để giải quyết vấn đề này, ông Sơn cho biết: “Ngành Bảo hiểm đã phối hợp với ngành Y tế quyết liệt xây dựng hệ thống thông tin giám định BHYT. Có hệ thống này, hoàn toàn có thể truy được lịch sử khám chữa bệnh, có thể xác định thời điểm khám, chi phí đến việc sử dụng thuốc ra sao… qua đó phát hiện được gì bất thường. Dự kiến, hệ thống này sẽ vận hành trước 30/6/2016, như vậy sẽ kiểm soát được tình hình trục lợi này”.

Cùng quan điểm, ông Thảo cũng cho rằng, sắp tới mỗi cá nhân tham gia BHYT cũng sẽ có một mã định danh. Mã định danh này sẽ vừa giúp cơ quan quản lý tốt hoạt động quỹ, đồng thời, giúp người bệnh luôn lắm rõ quá trình điều trị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.