Điều tra

Lợi dụng mua gỗ đấu giá để phá rừng Cao Bằng (Kỳ cuối)?

25/02/2016, 07:43

Để chấm dứt triệt để nạn phá rừng ở Triệu Nguyên là nhiệm vụ bất khả thi, có quá nhiều khó khăn, trở ngại.

4

Gỗ được xẻ ngay trong rừng

Rừng nghiến ở Triệu Nguyên vẫn liên tục “chảy máu” trong hàng chục năm qua. Đại diện lực lượng Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho rằng, để chấm dứt triệt để nạn phá rừng ở địa phương này là nhiệm vụ bất khả thi vì có quá nhiều khó khăn, trở ngại.

Chính quyền chưa từng bắt vụ phá rừng nào

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho biết, khu vực rừng nghiến ở xã Triệu Nguyên từ lâu vẫn là một điểm “nóng” về vấn nạn phá rừng. “Rừng bị phá từ những năm 1990 vẫn dai dẳng đến tận bây giờ. Đã có lúc nạn phá rừng ở đấy tạm thời lắng xuống vì có sự can thiệp quyết liệt của các lực lượng chức năng tỉnh và địa phương. Nhưng khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, hiện tượng phá rừng có dấu hiệu “nóng” trở lại”, ông Minh cho hay.

"Trường hợp lợi dụng việc khai thác tận dụng để khai thác trái phép phải bị xử lý nghiêm. Theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm quản lý Nhà nước các cấp về rừng và đất lâm nghiệp thì đầu tiên là cấp ủy chính quyền địa phương và sau đó là lực lượng kiểm lâm sở tại phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát gỗ tận thu, nếu đủ điều kiện là khai thác tận thu thì những cây gỗ đó là tang vật cho vụ án”.

Ông Đặng Hùng Chương
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng

Lý giải tình trạng phá rừng dai dẳng ở Triệu Nguyên, ông Minh cho rằng, nguyên nhân chính do vị trí địa lý và địa hình khu vực này rất phức tạp, hiểm trở. Phần lớn diện tích rừng nằm trên địa bàn huyện Nguyên Bình nhưng nơi tập trung nhiều gỗ quý lại phân bố ở điểm giáp ranh giữa hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình nên việc giám sát và bảo vệ rừng gặp vô vàn khó khăn. “Để vào nơi khai thác gỗ chỉ có hai con đường. Nếu lâm tặc bố trí người canh gác ở hai đầu lối vào này thì mọi hoạt động truy quét, vây bắt đều bị vô hiệu hết. Hơn nữa, khu vực đó sóng điện thoại rất mạnh, chỉ cần một cuộc điện thoại, các đối tượng có thể kịp thời tẩu tán tang vật, xóa hiện trường trước khi chúng tôi vào đến nơi”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng, tình trạng phá rừng ở địa phương này liên tục tái diễn còn một phần nguyên nhân từ chính quyền địa phương. “Theo luật thì UBND xã có quyền xử phạt hành chính hành vi phá rừng số tiền đến 5 triệu đồng, nhưng có thấy bao giờ họ xử phạt đâu.

Ở Triệu Nguyên trước nay chính quyền xã chưa từng bắt một vụ phá rừng nào cả. Tất cả đều do kiểm lâm hoặc lực lượng công an đứng ra phối hợp, tổ chức thôi”, ông Minh bức xúc. Theo ông Minh, với đặc thù là đơn vị cơ sở, nắm chắc địa bàn nhất, đáng ra chính quyền xã phải là người đi tiên phong trong công tác chống nạn phá rừng. Thế nhưng trên thực tế, kể cả khi lực lượng kiểm lâm đề nghị phối hợp kiểm tra, tuần rừng, đơn vị này cũng rất ít khi hợp tác. Có chăng chỉ đi được 1 - 2 lần rồi lại kiếm cớ thoái thác.

5

Cây nghiến mới bị đốn hạ, vết cắt còn tươi nguyên

Doanh nghiệp xuất hiện, nạn phá rừng lại gia tăng

Về sự xuất hiện của Công ty Phương Đạt, ông Minh cho biết, doanh nghiệp này đã tham gia đấu giá mua gỗ nghiến tang vật nhiều lần trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Riêng tại xã Triệu Nguyên, ngoài 31,197 m3 gỗ nghiến năm 2015, Công ty Phương Đạt cũng từng trúng đấu giá một lô gỗ nghiến lớn hơn gấp nhiều lần vào khoảng 2 năm trước đó.

Tuy nhiên, theo ông Minh, cứ mỗi lần doanh nghiệp này vào rừng mua gỗ là nạn phá rừng ở Triệu Nguyên lại diễn ra rầm rộ hơn. Thế mới có chuyện, doanh nghiệp vừa vận chuyển hết số gỗ mua đấu giá của lần trước, lực lượng chức năng lại tiếp tục bắt giữ được một lô gỗ tang vật mới. Số gỗ này lại được đem bán đấu giá và Công ty Phương Đạt tiếp tục là đơn vị trúng đấu giá.

Tình trạng phá rừng ở Triệu Nguyên bắt đầu “nóng” lên cũng từ khi xuất hiện doanh nghiệp này về địa phương mua đấu giá gỗ. “Vẫn biết việc để doanh nghiệp vào rừng, mua gỗ sẽ có tính hai mặt, dễ bị lợi dụng để phá rừng nhưng để chúng tôi đưa gỗ ra khỏi rừng là cả vấn đề. Chúng tôi làm sao đầu tư được một hệ thống cáp tời gỗ như họ (Công ty Phương Đạt - PV). Rồi huy động máy móc, người bốc gỗ nữa. Lo đủ những khoản ấy, đem được gỗ ra khỏi rừng có bán được cũng bị “âm” là cái chắc”, ông Minh phân tích.

Dù theo nguyên tắc, quá trình khai thác và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng của Công ty Phương Đạt luôn phải có lực lượng chức năng giám sát, nhưng ông Minh thừa nhận quá trình này gặp rất nhiều khó khăn và có thể tồn tại lỗ hổng dễ bị lợi dụng, làm sai. “Nói là có người giám sát nhưng cũng không thể cắt cử người đi theo họ vào rừng 24/24h được. Ngay cả khi trời mưa gió, người ta có khai thác hay không mình cũng không thể nắm hết. Thế nên, việc người dân lợi dụng tình hình khai thác gỗ bán cho doanh nghiệp hoặc doanh nhiệp khai thác hơn số lượng quy định hoàn toàn có thể xảy ra. Việc này chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay”, ông Minh khẳng định.

Trong khi đó, ông Nông Văn Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết, vài năm trước, tại xã Mai Long (huyện Nguyên Bình) cũng từng xảy ra tình trạng việc mua bán đấu giá gỗ bị lợi dụng để phá rừng, khai thác gỗ trái phép trong rừng. Khi sự việc bị phát hiện, những bên liên quan lập tức tìm cách đổ lỗi cho nhau.

“Ở Triệu Nguyên vừa qua tôi cũng nghe dư luận nói rằng, khi doanh nghiệp vào khai thác gỗ cũng có nhiều đối tượng lợi dụng vào theo để phá rừng. Khi biết được thông tin đó, chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát. Phải kiểm đếm cụ thể trong rừng gỗ đã chặt là bao nhiêu?, khối lượng gỗ cho phép khai thác là bao nhiêu?, khi gỗ đưa ra có đúng với khối lượng đó không?, có bị lén chuyển đi nơi khác không? Tất cả phải được kiểm tra chặt chẽ”, ông Trường cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.