Xã hội

Lợi gì khi lãnh đạo không phải người địa phương?

03/07/2020, 09:00

Chủ trương luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương góp phần giảm thiểu tình trạng bè phái, lợi ích nhóm?

img
Ông Lê Như Tiến

Bên cạnh việc hạn chế được hiện tượng bè phái, lợi ích nhóm, việc cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương còn giúp họ được đào tạo, rèn luyện và bồi dưỡng để trưởng thành. Tuy nhiên, liệu họ có bị cô lập hay không? Liệu họ có nghĩ rằng, việc giữ chức vụ này mang tính chất tạm thời nên sẽ không toàn tâm, toàn ý gánh vác nhiệm vụ được giao? Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương.

Ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân

Theo ông, vì sao chủ trương luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương trở nên cần thiết trong giai đoạn hiện nay?

Việc luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương được Đảng và Nhà nước thực hiện từ khóa IX (nhiệm kỳ 2000-2005), bằng Nghị quyết 11 (năm 2002) về luân chuyển cán bộ. Tiếp đến là Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) yêu cầu đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Tôi nghĩ là nên luật hóa chứ không chỉ dừng lại ở mức hô hào. Nếu quy định trở thành luật thì tất cả các địa phương, các ngành sẽ lấy đó là thước đo để thực hiện, nếu đơn vị nào không thực hiện được thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Như Tiến


Chủ trương luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã tạo ra “luồng gió mới” ở các bộ, ngành và địa phương. Từ đó phần nào góp phần giảm thiểu tình trạng bè phái, lợi ích nhóm. Bên cạnh nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, tình trạng cục bộ địa phương... công tác điều động, luân chuyển này còn giúp đào tạo, rèn luyện, tạo điều kiện để nhiều cán bộ trưởng thành.

Việc luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương có những ưu điểm gì, thưa ông?

Tôi lấy một ví dụ thời phong kiến, khi bổ nhiệm chức tri phủ, tri huyện người ta cũng thường bổ nhiệm người ở nơi khác đến. Điều này nhằm giảm được hiện tượng bè phái khi làm nhiệm vụ của vị quan ấy.

Trở lại, như đã nói ở trên, chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương là rất hợp lý trong thời điểm này. Bởi lẽ, thực tế có những người đứng đầu các cơ quan quyền lực ở một nơi quá lâu đã dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, kéo bè kết cánh, hình thành lợi ích nhóm…

Do đó, việc bố trí người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương là một trong những biện pháp ngăn ngừa những tiêu cực trên, nhất là tình trạng “cả họ làm quan” đã xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua.

Mục tiêu của việc bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương không chỉ là khắc phục hiện tượng bè phái, tư tưởng cục bộ, tình trạng khép kín trong công tác cán bộ, hạn chế tiêu cực, tham nhũng sinh ra từ quan hệ “dây mơ rễ má”, “ô dù”, mà còn hướng tới giải quyết nhiều mục tiêu có ý nghĩa chiến lược là đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, nâng cao chất lượng cán bộ đồng đều giữa các địa phương, ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân.

Cán bộ sinh ra, lớn lên hoặc trưởng thành qua công tác địa phương, của ngành đương nhiên sẽ hiểu rõ tình hình của địa phương, ngành đó. Song, mặt trái là dễ dàng sinh tính cục bộ, làm chi phối việc đề bạt, bố trí cán bộ. Việc đưa cán bộ, nhất là người đứng đầu nơi khác đến sẽ tạo sự khách quan hơn, giúp giảm thiểu tình trạng thiên vị, chạy chức chạy quyền. Ngoài ra, chủ trương người đứng đầu không ở địa phương còn tạo ra môi trường thử thách, để cán bộ này nỗ lực hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu tình hình địa phương, làm quen với cán bộ dưới quyền. Đây chính là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiệu quả.

Tuy nhiên, việc bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương cũng có thể khiến người đứng đầu bị cô lập. Bí thư, người đứng đầu từ nơi khác đến cũng phải mất nhiều thời gian để tạo nhóm làm việc hợp ý và hiệu quả. Bản thân người đứng đầu có thể suy nghĩ, việc giữ chức vụ này mang tính chất tạm thời, rồi sẽ được điều chuyển sang cơ quan khác nên sẽ không toàn tâm toàn ý gánh vác và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Do đó, bên cạnh thực hiện chủ trương đã nêu cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, giữ nghiêm kỷ luật Đảng và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm của cán bộ, đảng viên.

Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chủ trương luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương trong thời gian qua?

Việc thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt không phải là người địa phương trong thời gian qua đã góp phần từng bước khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ.

Về cơ bản, chủ trương này đã đạt được mục đích, yêu cầu, bảo đảm quy trình, đúng đối tượng, phạm vi theo phân cấp quản lý cán bộ. Trong quá trình thực hiện bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã coi trọng việc kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt chế độ khen thưởng và kỷ luật. Các lĩnh vực, các địa bàn được bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã có sự tiến bộ rõ rệt. Đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, địa bàn trọng yếu, phức tạp, bảo đảm giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như một số địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và thực hiện bố trí còn thiếu chủ động, chưa tích cực. Một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp trên và cấp dưới, nơi đi và nơi đến nên kết quả không đồng đều và còn khác nhau. Việc lựa chọn địa bàn, chức danh bố trí cán bộ trong một số trường hợp còn bất hợp lý, thậm chí còn trái ngành, trái nghề, vừa không đáp ứng yêu cầu đào tạo, vừa hạn chế sự đóng góp của cán bộ không phải là người địa phương

Ngoài ra, sự quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ không phải là người địa phương từ nơi đi, nơi đến chưa được quy định thật cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, sử dụng cán bộ sau bố trí có trường hợp còn bất cập, thiếu chính xác.

Nên nhân rộng cách làm của Bộ Công an

img
Đại tá Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an tỉnh Long An, được điều động làm Giám đốc Công an TP HCM thay Trung tướng Lê Đông Phong nghỉ hưu từ ngày 26/6 (Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc (phải) chúc mừng Đại tá Lê Hồng Nam

Thực tế cho thấy không ít địa phương vẫn “ngại” việc thực hiện luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Vậy, nguyên nhân của việc này là gì? Cần làm gì để tỷ lệ cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương được nâng cao?

Sẽ có chuyện, ở đâu đó, việc “ngại” hợp tác làm việc với những người ở địa phương khác mới về vẫn tồn tại. Và ngược lại, người ở nơi khác cũng ngại phải đến những nơi mà mình chưa “thân quen”. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Thực tế cho thấy, nếu luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến mà không làm tốt công tác tư tưởng thì dễ dẫn đến hiện tượng tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo không thống nhất. Cơ quan, đơn vị nhận cán bộ không ủng hộ, không tạo điều kiện giúp đỡ, còn cán bộ mới đến không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dễ mất uy tín cá nhân.

Vì vậy, trước khi thực hiện công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, cấp ủy cấp trên cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo nơi dự kiến đưa cán bộ xuống. Qua đó làm tốt công tác tư tưởng, giúp tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cấp cơ sở nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bố trí cán bộ không phải là người địa phương, từ đó có trách nhiệm ủng hộ, giúp đỡ cán bộ đến nhận công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Gần đây, Bộ Công an thực hiện điều động bổ nhiệm giám đốc Công an tỉnh không phải là người địa phương và thực tế cho thấy, việc này đã mang lại những hiệu quả nhất định. Đối với các sở ngành khác, theo ông có nên thực hiện như vậy?

Ví dụ điển hình cho việc này có lẽ là ở tỉnh Đồng Nai và Thái Bình. Việc hai tỉnh này có giám đốc mới được Bộ Công an điều động ở nơi khác về thì ngay sau đó hàng loạt những băng nhóm tội phạm được vạch trần, như triệt phá vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình, chấn chỉnh công tác của lực lượng CSGT ở Đồng Nai... Điều này được nhân dân ở hai tỉnh nói riêng và cả nước nói chung hết sức hoan nghênh.

Theo tôi được biết, việc bố trí giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương là chủ trương được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an quyết tâm thực hiện thời gian qua. Trong quá trình kiện toàn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới, giám đốc công an tỉnh cơ bản đều được điều động từ nơi khác đến. Cách làm của ngành Công an nên nhân rộng ra các ngành, các cấp trên các nước. Một số ngành quan trọng khác như tòa án, ủy ban kiểm tra Đảng cũng cần có người lãnh đạo chủ chốt từ địa phương khác điều động, luân chuyển đến.

Cảm ơn ông!

Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an):
100% giám đốc công an không phải người địa phương

img

Bộ Công an có chủ trương bổ nhiệm, luân chuyển nhằm thực hiện 100% giám đốc công an không phải là người địa phương, áp dụng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh và trưởng công an cấp huyện. Việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ này là hoạt động bình thường của Bộ trên cơ sở thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị để chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ngoài ra, việc luân chuyển, bổ nhiệm còn nhằm đảm bảo thực hiện quy định lãnh đạo công an không quá 2 nhiệm kỳ, không đủ tuổi tái cử.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an):
Cốt lõi vẫn là làm tốt việc kiểm tra, giám sát

img

Hiện các nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức cán bộ đã có chủ trương bố trí một số chức danh như: Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng viện KSND và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan... không là người địa phương nhằm mục tiêu ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ.

Quyết định này đi vào cuộc sống, nếu làm đến nơi đến chốn sẽ có tác dụng rất lớn. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là phải kiểm tra, giám sát. Chứ nói chung chung “lãnh đạo không phải người địa phương” chỉ hạn chế được tiêu cực xảy ra, chứ không có nghĩa là không thể xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.