Văn hóa - Giải Trí

Lợi, hại gameshow cải lương

07/12/2016, 13:05
image

Sự xuất hiện của gameshow môn nghệ thuật cải lương đã tạo “một luồng gió mới” cho khán giả trong nước.

Dàn giám khảo của chương trình Đường đến danh ca v

Dàn giám khảo của chương trình “Đường đến danh ca vọng cổ”.

Khi gameshow ca nhạc, hài giải trí gây bão hòa khán giả truyền hình, sự xuất hiện của gameshow môn nghệ thuật cải lương đã tạo “một luồng gió mới” cho khán giả trong nước.

Gameshow cải lương có chiêu trò?

Những ngày qua, thông tin nghệ sĩ Ngọc Huyền về nước làm giám khảo một chương trình truyền hình thực tế sau 14 năm sinh sống tại hải ngoại, được khán giả đặc biệt quan tâm. Nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời trở thành huấn luyện viên của chương trình Đường đến danh ca vọng cổ, cùng NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Thoại Mỹ.

Và sự xuất hiện của nghệ sĩ Ngọc Huyền phần nào đã thu hút sự chú ý của khán giả vào chương trình Đường đến danh ca vọng cổ. Đây là chương trình tìm kiếm, đào tạo các tài năng trong lĩnh vực cải lương, vọng cổ. Trải qua ba tập phát sóng, chương trình gây bất ngờ khi thu hút lượng người xem đông đảo không kém các gameshow ca nhạc, hài kịch khác. Trên Youtube, lượng người xem mỗi tập lên tới hơn 1 triệu lượt, riêng tập 1 (phát sóng ngày 19/11) đạt gần 2,7 triệu lượt xem. Điều này gây bất ngờ với một chương trình về nghệ thuật truyền thống.

Bà Thanh Nga, đại diện truyền thông của Đường tới danh ca vọng cổ khẳng định, ban tổ chức muốn thực hiện chương trình bằng cả sự tâm huyết dành cho nghệ thuật cải lương, muốn thu hút khán giả bằng chính chất lượng thí sinh, chương trình chứ không đưa những yếu tố câu khách. “Khán giả đón nhận bằng giọng hát của các thí sinh. Huấn luyện viên nhận xét chuyên môn nhiều chứ không phải những lời nói sáo rỗng. Giám khảo và MC chỉ tạo những tình huống vui nhộn, thú vị trên sân khấu để thêm tính giải trí hiện đại, mới mẻ cho chương trình chứ không nhằm mục đích câu rating”, bà Thanh Nga nói.

Nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết, anh đã nghiên cứu kỹ format mới tham gia chương trình, vì muốn cải lương đến gần với khán giả. Anh bộc bạch: “Mỗi gameshow đều phải có chiêu trò là điều đương nhiên, nhưng có làm giảm chất lượng nghệ thuật cải lương hay không mới là điều đáng nói. Đến giờ phút này, tôi chưa thấy có gì gây ảnh hưởng xấu tới cải lương cả”.

Tranh cãi tính nghệ thuật và giải trí

NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam vui mừng khi một chương trình gameshow tiếp cận với nghệ thuật cải lương lại được nhiều người yêu thích. Anh chia sẻ, dàn giám khảo uy tín là những nghệ sĩ được công chúng yêu mến. Với con mắt nghề nghiệp, năng lực của giám khảo có thể tìm ra được những thí sinh tài năng. Tuy nhiên, nghệ sĩ Trung Kiên băn khoăn khi thấy có những gương mặt từng đoạt giải trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ cũng tham dự. Bởi lẽ, Chuông vàng vọng cổ là cuộc thi ít nhiều mang tính chính thống, có uy tín, được những người làm nghệ thuật cải lương và khán giả công nhận. Do đó, những nghệ sĩ đã được vinh danh trong một cuộc thi chính thống, giờ trở thành thí sinh của một gameshow không chính thống, gây nhiều nghi ngại.

“Tôi tự hỏi những gương mặt từng đoạt giải đó có đang dễ dãi quá không? Tất nhiên, mỗi người tham gia gameshow đều có mục đích riêng như muốn nổi tiếng, thành công nhưng họ sẽ rất dễ sa vào hư vinh. Hơn nữa, chiến thắng trong một gameshow chưa thể chứng tỏ họ thực sự tài năng và được tôi luyện kỹ càng”, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Đường đến danh ca vọng cổ (phát sóng thứ bảy hàng tuần trên kênh HTVC - Thuần Việt) là chương trình tìm kiếm những tài năng trong lĩnh vực cải lương, vọng cổ. Chương trình có ý nghĩa đặc biệt với mục đích tôn vinh, gìn giữ và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc. 

Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam phân tích, việc một gameshow đề cập đến nghệ thuật cải lương, về mặt nào đó rất có lợi, các nghệ sĩ tham gia dễ nổi tiếng. Thế nhưng, gameshow thường thiên về yếu tố giải trí, lợi nhuận. Để thu hút khán giả, nhà sản xuất phải có những thủ pháp tác động, khiến quy trình chọn lọc tài năng bị chi phối. Người đoạt giải và sự tôn vinh của chương trình sẽ không theo những quy luật lựa chọn thông thường. “Chương trình có chuẩn mực, tôn trọng luật chơi, cân bằng được những lợi ích và trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống thì tôi tin nó sẽ hiệu quả. Nhưng làm được hay không thì phải đặt dấu chấm hỏi”, ông nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông, nghệ sĩ Kim Tử Long cho hay, ban đầu anh cũng có chút lo ngại khi thấy nhiều “gương mặt thân quen” đi thi. Nhưng khi nhìn kỹ hướng đi của chương trình, anh thấy đây là sân chơi cho tất cả mọi người yêu thích cải lương, từ không chuyên đến bán chuyên. Các tiết mục đều được chọn lọc, có giá trị nghệ thuật cao chứ không phải một chương trình giải trí xô bồ, nhảm nhí. Nghệ sĩ khẳng định, Đường đến danh ca vọng cổ ngoài tính giải trí vẫn có tính nghệ thuật.

Thực tế, Chuông vàng vọng cổ hay Đường đến danh ca vọng cổ không phải điểm dừng của các thí sinh mà chỉ là bàn đạp, môi trường cọ xát. “Mỗi chương trình có format khác nhau, quan trọng là phải làm sao để chương trình hấp dẫn và đưa cải lương đến với công chúng, vì cải lương không dễ đến với khán giả”, NSƯT Kim Tử Long chia sẻ.

Xem thêm video:

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.