Hạ tầng

Lợi ích từ chuyển ba dự án cao tốc Bắc-Nam đầu tư bằng vốn ngân sách

18/03/2020, 08:30

Bộ GTVT đang rốt ráo nghiên cứu phương án chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công.

img
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cao tốc Bắc – Nam từ PPP sang đầu tư công trong bối cảnh hiện nay sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, tăng kết nối với các đoạn đang triển khai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn). Ảnh: Đình Quang

Chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công không những đẩy nhanh tiến độ các dự án, còn thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Tiến độ rút ngắn khoảng 6 tháng

Dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm: 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án có tổng chiều dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm: 3 dự án đầu tư công đã khởi công xây dựng (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2; còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây).


Sau khi được Thường trực Chính phủ thống nhất chủ trương tại phiên họp hôm 12/3, Bộ GTVT đang rốt ráo nghiên cứu phương án chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công.

Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, việc nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư xuất phát từ tình hình thực tế, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. “Nguồn vốn tín dụng để thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP được dự báo sẽ rất khó khăn. Hiện các ngân hàng thương mại trong nước đang thắt chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP”, lãnh đạo Vụ PPP nói và cho biết, một số dự án thành phần đang được Bộ GTVT nghiên cứu để chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ phải đảm bảo nguyên tắc là dự án cấp bách, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ với các dự án đang triển khai trên tuyến…

“Trước mắt, Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư của 3 dự án: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây. Sắp tới, có thể nghiên cứu để chuyển đổi thêm một số dự án khác”, lãnh đạo Vụ PPP thông tin.

Song hành với việc nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư, Bộ GTVT vẫn tiếp tục triển khai công tác đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo trình tự, thủ tục của hình thức PPP. “Bộ GTVT đang quyết liệt đôn đốc các địa phương triển khai nhanh công tác GPMB để có mặt bằng sạch. Đồng thời, tiếp tục thẩm định sơ tuyển nhà đầu tư để có kết quả sơ tuyển vào cuối tháng 3/2020 và khẩn trương hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án. Khi cấp thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiến hành chuyển đổi ngay”, lãnh đạo Vụ PPP nói.

Theo lãnh đạo Vụ PPP, nếu một số dự án được chuyển đổi sang đầu tư công, chắc chắn tiến độ sẽ được đẩy nhanh. Bởi thực hiện bằng PPP sẽ phải trải qua công đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư kéo dài khoảng 6 tháng. Trường hợp đấu thầu thành công, nhà đầu tư được ngân hàng cho vay vốn, sớm nhất cũng phải trong quý I/2021 mới có thể khởi công. Nếu thực hiện bằng đầu tư công, Bộ GTVT sẽ tiến hành ngay công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu để triển khai xây dựng và một số dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ khởi công được ngay trong quý III/2020.

Đề cập đến nguồn vốn khi chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, lãnh đạo Vụ PPP cho biết, trước mắt, Bộ GTVT dự kiến đề xuất sử dụng từ gói 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách đã được Quốc hội phân bổ cho dự án cao tốc Bắc - Nam, sau đó sẽ bổ sung thêm các nguồn vốn khác trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giúp nền kinh tế vượt khó

img
Bộ GTVT đang nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công để báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn)

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, nếu tiếp tục thực hiện đầu tư toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó đáp ứng nguồn lực. “Vốn để thực hiện các dự án PPP giao thông chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng cho vay dài hạn của các ngân hàng hiện đã chạm trần. Nếu thực hiện cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP sẽ rất khó thực thi. Rõ ràng, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công trong giai đoạn này là rất cấp thiết”, ông Long đánh giá.

“Hiện nay, Nhà nước huy động rất nhiều nguồn lực, trong đó có cả Trái phiếu Chính phủ, nếu bây giờ không sử dụng đến rất lãng phí, trong khi Nhà nước vẫn phải trả lãi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị giảm sút, tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong bối cảnh hiện nay sẽ là giải pháp thiết thực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước”, ông Long nói và cho rằng, Chính phủ, Bộ GTVT cần tính toán, cân đối nguồn lực, ưu tiên các dự án cấp bách trong 8 dự án cao tốc Bắc - Nam để lựa chọn chuyển sang hình thức đầu tư công, từ đó tăng cường tính kết nối liên thông của các đoạn đang triển khai.

Chia sẻ với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công hiện nay là cấp thiết để đẩy nhanh tiến độ công trình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo ông Chủng, các dự án PPP giao thông đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng. Đơn cử, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai gần 5 năm, vừa qua phải cần tới 4 ngân hàng thương mại hợp vốn mới tháo gỡ được nút thắt về vốn tín dụng cho dự án.

“Đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, nhà đầu tư trong nước thừa quyết tâm, nhà thầu thi công cũng dư năng lực để làm nhưng vướng mắc lớn nhất là vốn tín dụng, chiếm 50 - 60% tổng mức đầu tư của các dự án. Nguồn vốn này gần như đang bị các ngân hàng thương mại đóng cửa cho vay, bởi tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã chạm ngưỡng quy định. Do vậy, việc Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công là phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, còn tạo thêm động lực và quyết tâm cho các nhà đầu tư trong nước thực hiện các dự án PPP cao tốc còn lại trong thời gian tới”, ông Chủng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.