Thế giới giao thông

“Lời nguyền” đeo bám sân bay 8,2 tỷ USD của Đức

26/12/2021, 07:13

Sân bay Berlin-Brandenburg (BER) chậm kế hoạch 1 thập kỷ, gặp trục trặc trong quá trình xây dựng cho đến khi đi vào hoạt động.

Nhiều lần trì hoãn khai trương

Đức bắt đầu lên kế hoạch xây dựng sân bay quốc tế tại Thủ đô Berlin từ sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

Khi ấy, Berlin đã có 3 sân bay Tegel “Otto Lilienthal”, Schonefeld Airport và Tempelhof. Tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thời hậu chiến đầy biến động của thủ đô.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Đức mong muốn có thêm sân bay để tái thiết thủ đô trở thành trung tâm mới của thế giới.

Vậy là ý tưởng xây sân bay Berlin-Brandenburg (BER) ra đời. Sân bay này có diện tích 1.470ha ở Schonefeld, khu vực Đông Nam Thủ đô Berlin, Đức.

img

Sân bay Berlin-Brandenburg bị đội vốn gấp 1,5 lần

Tuy vậy, mãi đến năm 2006, công tác xây dựng mới chính thức bắt đầu. Do nỗ lực tư nhân hóa thất bại nên dự án thuộc quyền sở hữu của chính phủ liên bang Đức, bang Brandenburg và TP Berlin.

Theo ước tính ban đầu, dự án trị giá khoảng 2,83 tỷ euro (tính theo tỷ giá hiện nay là 3,1 tỷ USD) nhưng vì vướng mắc một số vấn đề về kỹ thuật, quá trình xây dựng dự án đã bị đẩy lùi nhiều năm, khiến chi phí xây dựng bị đội lên.

Năm 2011, khi thanh tra hàng không kiểm tra dự án đã phát hiện một loạt vấn đề về kiến trúc, cấu trúc và kỹ thuật nên kế hoạch mở cửa sân bay vào năm 2012 đã “tan thành mây khói”.

Dự kiến chương trình khai trương hoành tráng với sự tham gia của Thủ tướng Đức (thời điểm đó là bà Angela Merkel) đã bị hoãn ngay phút chót.

Sau đó, sự kiện khai trương sân bay tiếp tục bị lùi thêm nhiều năm nữa.

Tới 2016, Cơ quan Kiểm toán bang Brandenburg kết luận khả năng sử dụng của sân bay ở mức thấp hơn 57%, giới chức quyết định dừng ngày khai trương cho đến khi giải quyết hết các vấn đề về quản lý và xây dựng.

Ngày dự án chính thức đi vào hoạt động (tháng 10/2020), chi phí dự án đã lên tới 7,3 tỷ euro (khoảng 8,2 tỷ USD), đội vốn hơn 4,5 tỷ euro.

Lúc ấy, nhiều người ví đó như là một “lời nguyền” đối với sân bay vốn được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoạt động vận tải hàng không của Thủ đô nước Đức.

Chật vật vận hành

img

Hành khách xếp hàng dài trước khu vực làm thủ tục tại sân bay Berlin-Brandenburg dịp nghỉ lễ tháng 7 vừa qua

Tuy nhiên, “lời nguyền” với Berlin-Brandenburg tiếp tục kéo dài đến nay. Sân bay hiện đại của Đức đi vào hoạt động đúng lúc dịch bệnh làm điêu đứng ngành hàng không, đẩy sân bay này vào khủng hoảng tài chính và thiếu nhân viên.

Trong năm 2020, sân bay Berlin-Brandenburg đã thua lỗ 1,16 tỷ USD và dự kiến sẽ còn cao hơn trong những năm tới. Tính đến năm 2026, BER cần bổ sung thêm 2,4 tỷ euro (2,7 tỷ USD).

Trong buổi chia sẻ với báo Đức Tagesspiegel, Giám đốc điều hành BER - ông Aletta von Massenbach cho biết: “Chúng tôi rất cần tiền!”.

Dù mới đi vào hoạt động 1 năm, cảng hàng không quốc tế này gặp hàng loạt sự cố liên quan tới hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Điển hình như sự việc ngày 5/11 khi một hành khách hút thuốc trong phòng vệ sinh đã kích hoạt hệ thống báo cháy, rất đông hành khách có mặt ồ ạt chạy đi sơ tán và buộc lực lượng chức năng liên bang phải vào cuộc kiểm tra an ninh. Rất nhiều hành khách đã bị lỡ chuyến vì sự cố này.

Trước nữa, khoảng đầu tháng 10 - thời điểm nghỉ lễ mùa thu tại Đức, lượng hành khách đi lại tăng vọt sau nhiều tháng ảm đạm, dẫn đến tình trạng chờ đợi làm thủ tục check-in, an ninh kéo dài hàng giờ, khiến nhiều hành khách lỡ chuyến và tức giận.

Một số hành khách đã đăng tải hình ảnh, video hành khách xếp hàng dài và bày tỏ bức xúc lên mạng xã hội.

Giải thích về vấn đề này, đại diện sân bay ông Jan-Peter Haack thừa nhận về các tồn tại trên nhưng cho biết nguyên nhân là do thiếu hụt nhân viên vì đại dịch, thủ tục phức tạp (phải cộng thêm thủ tục kiểm tra chứng nhận tiêm phòng và các quy định hạn chế nhập cảnh)…

Do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều nhân viên đã nghỉ việc trong khi việc tuyển mới khó khăn.

Một số hành khách như ông Kunal Saigal, Giáo sư đại học tại Berlin đã mất kiên nhẫn và tức giận mô tả hoạt động sân bay “cực kỳ hỗn loạn”.

Khoảng tháng 9, ông cùng vợ và con trai 1 tuổi đã mất vài tiếng để làm thủ tục check-in và an ninh trong khi nhân viên sân bay thiếu thân thiện và không hợp tác.

Cuối cùng cả gia đình đã bị lỡ chuyến, phải đặt lại chuyến vào ngày hôm sau. Gia đình Saigal đã tốn thêm 340 USD để xét nghiệm lại Covid-19 và chi phí taxi đi lại nhưng không nhận được bồi thường.

Để giải quyết vấn đề trên, bước đầu, sân bay BER đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm, triển khai trong kỳ nghỉ lễ mùa thu.

Trong đó có khoảng 40 nhân viên làm nhiệm vụ an ninh, thủ tục, xử lý hành lý mỗi ngày, lấp khoảng trống thiếu nhân viên và tăng cường hỗ trợ hành khách.

Song với tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng không như hiện nay, chưa biết tới khi nào để BER đem lại kỳ vọng như khi người ta bắt đầu xây dựng nó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.