Tài chính

Lợi nhuận ngân hàng tăng phi mã 39%

30/10/2017, 08:38

Nhiều ngân hàng đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý III/2017 với lợi nhuận tăng mạnh...

8

Tổng lợi nhuận hệ thống ngân hàng tăng 39%, đạt trên 47.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 9 - Ảnh: Tạ Tôn

Nhiều ngân hàng đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý III/2017 với lợi nhuận tăng mạnh, có đơn vị đã gần đạt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016.

Bám đuổi sít sao

Là một trong 4 ngân hàng lớn đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, Vietcombank tự tin tuyên bố giữ vị trí số 1 về lợi nhuận trước thuế (riêng lẻ) đạt 7.687 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ, hoàn thành hơn 80% chỉ tiêu cả năm. Đóng góp vào lợi nhuận quý III của Vietcombank là mảng hoạt động dịch vụ (650,6 tỷ đồng) và kinh doanh ngoại hối (645,4 tỷ đồng), đều vượt trội so với của cùng kỳ năm 2016. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank cho biết, ngân hàng đã thông qua đề án tái cơ cấu đến năm 2020, trong đó, xác định chiến lược phát triển mạnh nguồn thu về dịch vụ thay vì chỉ dựa vào tín dụng.

Không chỉ Vietcombank hướng lợi nhuận sang các kênh phi tín dụng, VPBank có điểm sáng là nguồn thu từ phí dịch vụ tăng tới 84%, đạt 1.035 tỷ đồng. Tại các ngân hàng khác như ABBank, các hoạt động kinh doanh cũng được cải thiện như kinh doanh ngoại hối lãi 54 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, mua bán chứng khoán đầu tư lãi 91 tỷ đồng, tăng 30%, hoạt động dịch vụ lãi 51 tỷ đồng, tăng 50%. LienVietPostBank cũng có lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi đạt 23,7 tỷ đồng và hoạt động mua bán chứng khoán mang lại 14 tỷ đồng…

Ngân hàng thứ hai trong nhóm “đại gia” công bố kết quả kinh doanh 9 tháng là BIDV với lợi nhuận trước thuế đạt 6.002 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2016. Theo tiết lộ từ BIDV, việc tăng trưởng tín dụng tốt ngay từ đầu năm đã làm gia tăng nguồn thu ròng từ lãi. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng như thu nợ ngoại bảng tốt cũng góp phần tăng trưởng kinh doanh 9 tháng.

Trong khi đó, VPBank cũng tăng trưởng cả ở lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và hệ số an toàn vốn. Trong đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng này đến ngày 30/9 đạt 5.635 tỷ đồng, tăng tới 79% so với cùng kỳ và đạt 78% kế hoạch năm. Dường như chiến lược tập trung vào phân khúc bán lẻ, phục vụ khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngân hàng vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả. Một điểm đáng chú ý, lợi nhuận của VPBank hiện đã lớn hơn tổng lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng phía sau cộng lại.

Hai ngân hàng cũng có bứt phá về lợi nhuận và đến thời điểm này vươn lên đứng thứ hai và thứ ba trong nhóm thương mại cổ phần ngoài quốc doanh là LienVietPostBank và Sacombank, lần lượt đạt 1.434 tỷ đồng và 1.026 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với vị trí dẫn đầu nhóm này là VPBank, khoảng cách về lợi nhuận của 2 ngân hàng nói trên còn khá xa. Đặc biệt, mức chênh lệch này càng lớn nếu so với nhiều ngân hàng top dưới chỉ đạt lợi nhuận vài trăm, thậm chí vài chục tỷ đồng - tương đương với một doanh nghiệp cỡ vừa.

Nơi vượt trần, chỗ dư “room” tín dụng

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ước tính có khoảng 668,8 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng được giải ngân trong 9 tháng đầu năm. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn ngành tính đến ngày 19/10 tăng 12,16%. Đáng chú ý, trong quý III, NHNN đã chấp thuận cho một loạt các ngân hàng được nới “room” tín dụng nhưng chỉ một số rất ít ngân hàng cận “room” này.

Tăng trưởng tín dụng cao nhất đến cuối tháng 10 là TPBank. Theo báo cáo tài chính quý III/2017, TPBank đã cho vay ra 56,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 21,6%. “Room” tín dụng của ngân hàng này được nới từ 16% lên 20% nhưng đến tháng 9 đã vượt trần. Một trường hợp tín dụng tăng cao khác là LienVietPostBank khi đã cho vay ra 94.867 tỷ đồng, tương ứng mức tăng đến hết quý III là 19,1%. Ngân hàng VIB cũng có mức tăng 19% với lượng vốn bơm ra 77.794 tỷ đồng…

Cùng tăng trưởng tín dụng cao nhưng tỷ lệ nợ xấu của TPBank chỉ 0,9%, trong khi của LienVietPostBank lại tăng mạnh lên 1,19%, còn của VIB, dù đã giảm được 0,23% nhưng vẫn ở mức 2,36%. Tỷ lệ nợ xấu của VPBank cũng ở mức cao 2,60%.

Ngược lại, có nhiều ngân hàng còn dư dả “room” tín dụng để kiểm soát chất lượng nợ. Đơn cử như Vietcombank, dù được nới tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 20% nhưng hết quý III/2017 Vietcombank cũng mới chỉ dùng tới 16,1% (525.869 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank sau 9 tháng ở mức 1,13%, giảm so với thời điểm cuối tháng 6 (là 1,47%). Trong đó, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) ở mức 588,3 tỷ đồng, giảm 56% so với đầu năm, nợ nhóm 5 cũng giảm 20% xuống còn 3.378 tỷ đồng, chỉ có nợ nhóm 4 tăng 33% lên mức 2.216 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2017, nợ xấu thực tế đã giảm so với cuối năm 2016 do các khoản mục trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ và trái phiếu doanh nghiệp phân loại từ nhóm 3-5 giảm và các khoản đầu tư, đặt cọc, ký quỹ, các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi đều giảm mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.