Chính trị

Lợi thế và áp lực của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính

ĐBQH kỳ vọng tân Thủ tướng sẽ vận hành bộ máy hành pháp theo đúng quỹ đạo mà hiến pháp, pháp luật quy định, kỷ cương, phép nước được bảo đảm.

img

Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tân Thủ tướng sẽ tạo xung lực mới trong đột phá chính sách

Kỳ vọng lớn vào tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nói riêng và Chính phủ nhiệm kỳ mới nói chung, ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ: Tân Thủ tướng có ba lợi thế lớn.

Thứ nhất, tân Thủ tướng được trưởng thành từ ngành bảo vệ pháp luật nên sẽ điều hành để vận hành một bộ máy hành pháp theo đúng quỹ đạo mà hiến pháp và pháp luật quy định.

Thứ hai, tân Thủ tướng là con người hành động. Thời kỳ là Bí thư Quảng Ninh, ông đã tạo nên những kỳ tích rõ nét cả về công tác tổ chức bộ máy cũng như vận hành thiết chế kinh tế. Tân Thủ tướng khi đó đã phát huy rất tốt vai trò người đứng đầu ở Quảng Ninh với việc tìm kiếm những chính sách, những cơ hội, biến thách thức thành cơ hội.

"Trong những thành quả mà Quảng Ninh đạt được, không thể không nói đến vai trò của ông Phạm Minh Chính. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng tân Thủ tướng sẽ tạo được xung lực mới trong đột phá chính sách, làm sao từ bài học thực tiễn rút ra được kinh nghiệm quý báu trong huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển", ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Thứ ba, tân Thủ tướng từng nắm cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Thời kỳ này, ông đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương ban hành nhiều văn bản về thể chế tổ chức, thể chế nhân sự. Đây là lợi thế để ông có thể "cầm cương", duy trì một bộ máy kỷ cương, trật tự, vận hành một đội ngũ cộng sự là các thành viên Chính phủ biết điều tiết, phát huy lợi thế.

"Qua việc nhìn nhận lợi thế của từng người, tân Thủ tướng sẽ sắp xếp, bố trí, sử dụng con người như thế nào cho hiệu quả nhất. Tôi kỳ vọng dưới sự điều hành của "nhạc trưởng" Phạm Minh Chính, cả dàn nhạc là các thành viên Chính phủ sẽ vận hành theo một "giai điệu hết sức nhịp nhàng", ĐB Lê Thanh Vân ví von.

Áp lực "người chèo thuyền"

Về khó khăn mà tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt, theo đại biểu Cà Mau, lớn nhất chính là vấn đề thể chế, chính sách.

"Thể chế chính sách của ta hiện còn tồn tại nhiều vấn đề, thể chế về kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, thể chế về tổ chức bộ máy vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và đặc biệt là thể chế về tổ chức nhân sự còn rất nhiều bất cập, từ việc lựa chọn theo tiêu chí hình thức hay nội dung, bằng cấp hay thực chứng…", đại biểu Lê Thanh Vân phân tích.

Theo ông Vân, áp lực thứ hai với tân Thủ tướng là những vấn đề tồn tại trong đầu tư công, tài chính công trong khi gần như không có sự thay đổi về nguồn lực, thậm chí dư địa huy động nguồn lực còn hẹp hơn.

Mặc dù vậy, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, tân Thủ tướng sẽ có nghệ thuật để tạo lập ra một xung lực.

Mà xung lực đó chính là dân chủ. Chỉ có dân chủ mới gây dựng được niềm tin, khi đó mới có thể huy động tối đa được nguồn lực, trong đó tài lực chỉ là một nguồn lực, còn nguồn lực lớn nhất phải là trí tuệ, sức mạnh của cả dân tộc.

img

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính

Còn đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) thì ví von, tân Thủ tướng như một thuyền trưởng, sẽ biết biết chèo lái con thuyền, quần tụ tất cả những thành viên để con thuyền đi cùng hướng. Nếu mỗi người chèo một hướng thì thuyền có thể quay ngược lại, hai là đi thụt lùi và thậm chí bị lật.

"Người đứng đầu cần giỏi hơn, có tầm nhìn hơn, quyết liệt và quyết đoán hơn để dẫn dắt mọi người. Tân Thủ tướng có đầy đủ những điều này”, đại biểu Đỗ Văn Sinh bày tỏ quan điểm và đề xuất, Chính phủ khóa mới cần lấy con người là trung tâm.

"Con người xây dựng thể chế, thực hiện thể chế và phục vụ ngay chính chúng ta. Vì vậy, cần phải nâng cao năng lực quản lý trên tất cả các lĩnh vực; tầm chiến lược. Chiến lược tốt thì chúng ta mới xây dựng hệ thống pháp luật tốt và cần có cả nhà quản trị tốt, các nhà doanh nghiệp, doanh nhân và thậm chí công nhân lành nghề", ông Sinh nói.

Dùng lợi thế hóa giải thách thức

Chung quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhìn nhận, thời kỳ ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Quảng Ninh, ông đã cùng tập thể lãnh đạo Quảng Ninh đề ra những chủ trương rất sát, rất đúng, góp phần xây dựng xây dựng khu Đông Bắc trở thành quần thể kinh tế vững vàng.

Khi đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, ông vẫn dành sự quan tâm lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội, tham gia rất nhiệt tình trong quá trình xây dựng pháp luật.

Ông Chính đã mang hơi thở về cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh - tỉnh đầu tiên thí điểm thành công vào chương trình nghiên cứu xây dựng pháp luật về vấn đề này.

Theo ông Nhưỡng, từng là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tân Thủ tướng có điều kiện tốt, quan trọng để thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với vai trò người đứng đầu Chính phủ bởi bản chất của lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chính là vấn đề con người, là công tác cán bộ.

Về thách thức, đại biểu Nhưỡng cho rằng, tân Thủ tướng cần vận dụng được nền tảng là thắng lợi, thành công của nhiệm kỳ 2016 - 2020 mà người tiền nhiệm để lại để giữ được nhịp tăng trưởng, nhịp điệu của nền kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân.

Thứ hai, tân Thủ tướng sẽ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay, đặc biệt là mối quan hệ giữa Chính phủ và người dân, Chính phủ và doanh nghiệp, làm sao để Chính phủ là ngọn cờ đầu, dẫn dắt người dân, doanh nghiệp nâng khát vọng sáng tạo thành hành động cụ thể để phát triển đất nước.

Thứ ba, phải làm sao để tiếp tục giữ vững chủ quyền, đồng thời thực hiện quan hệ đối ngoại tốt, tận dụng được làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Phải thu hút được đầu tư nước ngoài, phải tạo nền tảng cho sự phát triển đột phá, trong đó có việc triển khai bài bản, mạnh mẽ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nghiên cứu xây dựng lại toàn bộ hệ thống giao thông, đặc biệt là hàng không để tạo mạch máu giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ tư, là phải phòng chống thiên tai, dịch bệnh có hiệu quả và cuối cùng, là thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp trong phạm vi quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.