Thế giới giao thông

London thu thêm phí độc hại xe vào nội đô

26/10/2017, 09:05

Để hiện thực hóa mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông ở khu vực...

26

Các phương tiện diesel và xe đời cũ phải trả hơn 600.000 VND nếu muốn vào nội đô London

Để hiện thực hóa mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông ở khu vực trung tâm Thủ đô London (Anh), từ đầu tuần này, chính quyền thành phố áp dụng phí T-Charge (hay còn gọi là toxicity charge, phí độc hại) cùng với phí tắc đường đã áp dụng trước đó, đối với tất cả các xe chạy động cơ diesel và xăng đăng ký trước năm 2006 (tức 12 năm lưu hành).

1 lần vào trung tâm London mất hơn 600.000 VND

Phí độc hại có giá 10 bảng Anh (tương đương 300.000 VND)/lần vào nội đô, được áp dụng thu bổ sung ngoài phí chống ùn tắc (Congestion Charge (C-Charge) vốn ở mức 11,5 bảng, cho các loại ô tô vào trung tâm. Như vậy, nếu muốn vào trung tâm Thủ đô London, người lái xe diesel và xe trên 12 năm lưu hành, sẽ mất tổng cộng 21,5 bảng (tương đương 643.000 VND/lần).

Nhưng, nếu người điều khiển phương tiện đăng ký trả phí tự động, họ có thể tiết kiệm 1 bảng/ngày. Người dân sống trong khu vực này và là đối tượng bị áp phí mới sẽ phải trả khoảng 11,05 bảng Anh/ngày đối với cả phí tắc đường và phí độc hại. Để thu phí, khu vực nội đô được khoanh vùng và đặt camera ở cửa ngõ nhằm kiểm soát lưu lượng giao thông từ 7h - 18h từ thứ hai đến thứ sáu.

Camera sẽ tự động theo dõi, chụp biển xe, sau đó, người lái hoặc chủ xe phải trả tiền trong ngày đi vào, muộn nhất là nửa đêm cùng ngày. Thị trưởng London, ông Sadiq Khan ước tính, tổng số tiền thu được từ phí độc hại trong một năm là khoảng 7 triệu bảng và theo ông đây là cái giá “đáng chi trả”.

Ông Sadiq Khan nhận định, quyết định này đánh mạnh vào kinh tế, sẽ hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là những xe cũ, phát thải cao, nhằm đạt mục tiêu giảm ô nhiễm trong trung tâm London. Theo tờ Guardian, ông Khan còn ấp ủ mục đích giới thiệu khu vực khí thải cực thấp đầu tiên trên thế giới từ tháng 4/2019.

“Là Thị trưởng, tôi kiên quyết thực hiện hành động rốt ráo để làm trong sạch bầu không khí “nguy hiểm chết người” tại London. Mức độ khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đáng xấu hổ mà người dân London đang phải đối mặt, trong đó hàng nghìn người chết non vì ô nhiễm không khí, cần phải được giải quyết triệt để”, ông nói. Theo Telegraph, mỗi năm khoảng 9.000 người chết non tại London vì phơi nhiễm trong thời gian dài với không khí ô nhiễm. Thị trưởng London cho hay, thành phố đang có đề án đầu tư khoảng 875 triệu bảng Anh trong 5 năm để giải quyết triệt để vấn đề này.

Ý kiến trái chiều

Phương án này nhận được không ít sự ủng hộ của các chuyên gia như GS. Stephen Holgate đến từ Đại học Y khoa Hoàng gia nhận định: “Quyết định áp dụng phí độc hại là bước đi tích cực để làm trong sạch không khí London và chứng minh với thế giới rằng, con người có thể thay đổi hành vi để giảm thiểu thiệt hại từ các phương tiện phát thải cao. Những hoạt động như vậy có thể cải thiện chất lượng không khí tại Thủ đô Vương quốc Anh và cùng lúc cứu sống nhiều mạng người”.

Nhưng những người phản đối cho rằng T-Charge “chỉ có tác dụng hạn chế người lái xe có thu nhập thấp”. Vì không có nhiều phương tiện nằm trong diện phải trả phí này nên hiệu quả của biện pháp thu phí độc hại không cao.

Ông Mike Hawes, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô cho biết: “Ngành công nghiệp này đã nhận thấy thách thức về vấn đề chất lượng không khí và muốn chứng kiến London cùng nhiều thành phố khác đáp ứng được mục tiêu khí thải. Do đó, ngành này đã đầu tư rất nhiều vào chiến lược thay đổi công nghệ xe sử dụng diesel, xăng nên phần lớn các đời xe gần đây đều không bị ảnh hưởng tới lệ phí mới tại London”.

Nhóm vận động Clean Air London cho biết, các biện pháp của thị trưởng chưa đủ mạnh và kêu gọi ông phải thực hiện các chiến dịch “quy mô lớn, mạnh mẽ và thông minh hơn”.

Theo thống kê từ BBC News, mỗi tháng sẽ có khoảng  34.000 xe thường xuyên ra vào trung tâm London bị ảnh hưởng loại phí mới. Để bảo vệ chính sách của mình, ông Khan cho biết, việc thu phí độc hại chỉ là một trong nhiều biện pháp thực hiện đồng loạt để giảm ô nhiễm môi trường. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.