Xã hội

Lòng nhân ái lan tỏa từ trái tim người cầm bút

21/06/2019, 10:12

Những bài viết từ trái tim người cầm bút đã lay động và làm toả sáng tấm lòng nhân ái của cộng đồng, góp phần giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.

img
Em Bùi Công Dân đang học trong ngôi nhà mới được các nhà hảo tâm quyên góp xây dựng
thay cho ngôi nhà tranh nền đất trước kia (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sưởi ấm số phận kém may mắn sau mỗi bài viết

Chiều tháng 5, trên căn phòng làm việc tại tầng 2 toà soạn báo Dân Trí, trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn dẫn chúng tôi tới ban thờ có di ảnh của một bé gái được đặt bên hành lang. Cô bé xinh đẹp, đôi mắt trong veo bị bỏ rơi vào năm 2010 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM được ông đặt tên Nhân Ái và đó cũng là tên quỹ từ thiện gắn với tên tuổi của báo Dân Trí từ đó đến nay.

Ông Hoàn nhớ lại: Bài viết về Nhân Ái lên trang đã gây xúc động sâu sắc trong lòng bạn đọc. Một số ông bố, bà mẹ đã tự thành lập Hội “Cha mẹ bé Nhân Ái”, cùng Dân Trí trông nom, chăm sóc bé. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền được gửi đến Nhân Ái rất lớn.

Hàng ngàn tấm lòng hảo tâm sẵn sàng dang rộng vòng tay xin được đón bé về nuôi. Rất nhiều lượt bình luận, chia sẻ được gửi đến với nội dung: “Con à! Mẹ lại vào thăm con qua trang web của quý báo. Mẹ đau lòng khi biết tin con lại yếu, mệt hơn hôm trước. Con hãy cố gắng lên, không được đầu hàng đâu nhé”… Có ông bố từ bên Mỹ ngày nào đi làm về cũng theo sát thông tin của “cô con gái” chỉ được gặp mặt qua hình ảnh trên từng bài viết: “Bố đây, bố đang theo dõi từng nhịp tim của con…”.

Nhưng bé Nhân Ái cuối cùng vẫn phải đầu hàng số phận! Ngày trái tim Nhân Ái ngừng đập (6/9/2010) cũng là ngày ngập tràn nước mắt của hàng trăm ngàn trái tim độc giả. Và Quỹ Nhân Ái đã được ra đời để tiếp tục giúp đỡ trẻ em bị bệnh hiểm nghèo hoặc hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã.

“Tôi không phải là người sinh ra những đứa trẻ nhưng lại là người may mắn được đặt tên cho hàng chục cháu sơ sinh bị bỏ rơi và thường bắt đầu bằng chữ “Nhân” như: Nhân Văn, Nhân Nghĩa, Nhân Đạo, Nhân Đức, Nhân Tâm, Nhân Hậu… Có hôm đang ngồi làm việc, nhận cuộc điện thoại của cháu bé được chúng tôi cưu mang ở Đồng bằng sông Cửu Long: “Ông nội ơi! Con đây! Ông nhớ con không”, thấy lòng tràn ngập một niềm vui ấm áp…”, vị Tổng biên tập lấp lánh niềm vui.

Một số phận khác là em Bùi Công Dân sinh năm 2002 ở thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân, Phú Yên) trong chương trình “Cặp lá yêu thương” thuộc Trung tâm Tin tức VTV24. Dân mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ và ở cùng với bà ngoại trong căn nhà tranh nền đất, mưa dột. Hàng ngày, ngoài giờ học, Dân phải liên tục đi làm, bắt từng con cua, con ốc để kiếm từng đồng trang trải cuộc sống. Một tháng có tới 20 ngày “thực đơn” của em đều là rau luộc chấm mắm. “Khi đó, nhiều lúc, em đã từng có những suy nghĩ chán nản, bế tắc và muốn bỏ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình”, Dân nhớ lại.

Và cuối cùng, điều kỳ diệu cũng đến với cậu bé hiếu thảo, ham học. Sau khi, phóng sự về Bùi Công Dân được phát trong chương trình “Cặp lá yêu thương”, em được cộng đồng biết đến nhiều hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, bên cạnh việc được giúp đỡ tiền đi học, các nhà hảo tâm đã cùng quyên góp và xây một ngôi nhà mới cho em và gia đình. Đến bây giờ, khi đã lên lớp 11, em vẫn luôn là một học sinh giỏi toàn diện, được thày cô, bạn bè và những người xung quanh yêu mến.

“Nhờ có chương trình Cặp lá yêu thương mà cuộc sống và việc học tập của em đã thay đổi rất nhiều. Qua đó, em nhận ra rằng, học không phải là con đường duy nhất nhưng là con đường ngắn nhất và thuận lợi nhất để đi đến thành công. Trong tương lai, em sẽ cố gắng trở thành một người thành đạt để có thể quay lại chương trình, là một “lá lành” với mong muốn giúp đỡ các “lá chưa lành” khác”, Dân bày tỏ.

Hành trình chạm tới ước mơ của hai “lá chưa lành” Lê Thị Huyền Trang và Đoàn Phạm Yến Khanh nhờ chương trình “Cặp lá yêu thương” cũng là một câu chuyện đẹp tinh thần đùm bọc của cộng đồng. Tháng 12/2015, hai bé gái lớn lên ở làng SOS Bến Tre đã được nhận suất học bổng toàn phần của quỹ IAN – sau nhiều năm được các nhà hảo tâm sát cánh. Và hôm nay, hai em đã trở thành du học sinh tại trường Đại học Hữu nghị các dân tộc Liên bang Nga. Mỗi ngày, các em vẫn tiếp tục phấn đấu, học tập để trở thành những công dân có ích trong tương lai và xứng đáng với tình yêu thương được trao tặng.

Đó chỉ là 3 trong hàng ngàn câu chuyện đằng sau những bài báo, những chuyên mục nhân ái đã và đang được các cơ quan báo chí nỗ lực thực hiện hàng ngày. Nó đã lay động và làm toả sáng tấm lòng nhân ái, nhân hậu của cộng đồng, giúp đỡ, góp phần làm thay đổi cuộc đời, số phận của những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống…

Đánh thức sự tử tế trong mỗi con người và lan tỏa yêu thương

img
Hình ảnh bé Thò Mí Chơ trong chương trình “Cặp lá yêu thương” đã làm lay động bao trái tim
bạn xem truyền hình. Nguồn: Trung tâm Tin tức VTV24 - Đài THVN

Chia sẻ với PV, Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn cho biết: 15 năm kể từ khi ra đời, chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” của báo Dân Trí đã và đang góp phần đánh thức, khơi dậy lòng trắc ẩn và tình yêu thương đồng bào từ sâu thẳm trong trái tim mỗi con người trong xã hội, giữa cuộc mưu sinh ồn ào với những hoàn cảnh sống đáng thương của những người mắc bệnh hiểm nghèo không nơi nương tựa, những phòng học tan hoang giữa núi rừng, những học sinh chân trần hàng ngày phải lội sông đến trường tìm chữ…

Được biết, Ban biên tập của báo đã định hướng về “Tấm lòng nhân ái” trên báo in Khuyến học và Dân trí mỗi tuần luôn có 1 chuyên trang. Còn với báo điện tử hàng ngày, phải có từ 1 - 2 bài viết thể hiện tình yêu thương con người. Quỹ Nhân Ái được hoạt động trên nguyên tắc một đồng của bạn đọc “đến” quỹ là một đồng “đi” đến đúng hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Nguồn tiền đến báo và đi đến từng hoàn cảnh khó khăn đều được thông báo kịp thời hàng ngày trên báo và không trích trừ bất cứ phần nào cho hoạt động quản lý, vận hành. Cũng có rất nhiều trường hợp phóng viên viết bài tình nguyện đi trao tiền của bạn đọc đến tận tay các hoàn cảnh được giúp đỡ…

Tính đến thời điểm hiện tại, báo Dân Trí đã xây dựng được 23 công trình phòng học và 15 cây cầu mang tên Dân Trí, đồng thời giúp đỡ hàng trăm trường hợp thiếu may mắn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Lòng nhân ái, yêu thương có khi được gửi gắm qua dòng chữ nguệch ngoạc vì được viết bằng chân của cậu bé khuyết tật Phan Lê Trung (Hải Phòng) cùng tờ 200.000 đồng được bọc lại cẩn thận: “Nhờ “Cặp lá yêu thương” chuyển cho các cháu không may mắn, bất hạnh trong cuộc đời chúng ta”.
Đó còn là câu chuyện về một cụ ông cùng hai đứa cháu mỗi ngày dành chút thời gian thực “kế hoạch nhỏ” bằng việc đi nhặt phế liệu để bán lấy tiền ủng hộ Quỹ Tấm lòng vàng. Là người cha nhà ở phố Lý Nam Đế, hàng tháng bất kể nắng mưa đều cùng cô con gái nhỏ 2 tuổi đến trụ sở Báo Lao Động quyên góp tiền cho một hoàn cảnh khó khăn với mong muốn “các con hình thành được suy nghĩ cần chia sẻ từ khi còn nhỏ”. Đến bây giờ, cô bé đã hơn 10 tuổi và nghĩa cử cao đẹp đó đều đặn hàng tháng vẫn đang được tiếp diễn...


Tương tự, anh Ngô Thành Vũ, Phó trưởng phòng Văn hoá - Xã hội, Trung tâm Tin tức VTV24 cho biết, chương trình “Cặp lá yêu thương” lên sóng từ tháng 10/2015 với mục tiêu hướng tới các em nhỏ vẫn còn đi học có hoàn cảnh khó khăn. Gần 4 năm qua, số tiền nhận về tài khoản của chương trình này gần 40 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn kinh phí để trao cơ hội đi học, trao cơ hội đổi đời cho hơn 3.000 em nhỏ.

“Đặc thù của chương trình là hướng tới việc hỗ trợ lâu dài, ít nhất đến năm 18 tuổi. Mức hỗ hàng tháng sẽ tuỳ thuộc vào khả năng tài chính của nhà hảo tâm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không hướng đến chuyện hỗ trợ số tiền lớn trong thời gian ngắn mà chỉ giới hạn một khoản kinh phí để đảm bảo duy trì cho việc đi học của các em”, anh Vũ cho biết thêm.

Một “tấm lòng vàng” không thể không kể là Quỹ Tấm Lòng Vàng của Báo Lao Động, được thành lập từ tháng 10/1996. Mang sứ mệnh hỗ trợ công nhân lao động, những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các hoạt động từ thiện xã hội mang tính cộng đồng, đến năm 2010, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức được Bộ Nội vụ cấp giấy phép hoạt động. Sau hơn 20 năm vận động, tổng số tiền ủng hộ được các nhà hảo tâm chuyển trực tiếp tới Quỹ đã lên tới 540 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng ban Công tác xã hội Báo Lao động cho biết: Từ khi thành lập đến nay, quỹ luôn là địa chỉ đáng tin cậy, uy tín với hàng loạt chương trình từ thiện đã trở thành “thương hiệu” với cộng đồng. Đó là “Tết sum vầy” làm ấm lòng hàng nghìn công nhân lao động; những “Mái ấm Công đoàn” được trao tới những đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Hay “Cùng em tới trường” trao tặng những bộ sách giáo khoa mới, đồ dùng học tập, chăn màn, quần áo, bàn, ghế… giúp các em tiếp tục duy trì việc học tập; Rồi “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình”… để động viên giúp ngư dân có thêm trang thiết bị, ngư cụ tiếp tục ra khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền quốc gia…

Còn Tổng biên tập báo Dân Trí luôn tâm đắc với câu nói của Bác Hồ khi nhắc về vai trò của báo chí và trách nhiệm xã hội: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu thương”. Những bức thư yêu thương chính là những bài báo thấm đẫm tính nhân văn – nhân ái từ trái tim nhà báo để góp phần khơi gợi tấm lòng “thương người như thể thương thân” được lan tỏa trong xã hội.

“Có thể nói, một phần quan trọng gây dựng nên tên tuổi của Dân Trí trong lòng bạn đọc hơn một thập kỷ qua, chính là từ những hoạt động xã hội ý nghĩa, được thực hiện bằng tâm huyết, tấm lòng của những người làm báo. Những bài viết đậm tình yêu thương từ trái tim người cầm bút đã lay động và làm toả sáng tấm lòng nhân ái, nhân hậu vốn có trong mỗi con người Việt Nam”, ông Hoàn bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.