Showbiz

Long Nhật: Nói Bolero khiến âm nhạc thụt lùi là tầm bậy, ấu trĩ

08/03/2016, 07:36

Tôi phải dùng từ “tầm bậy” để nhận xét về nhận định này. Nó sai hoàn toàn và ấu trĩ vô cùng.

1434171957-khiwlong_nhat_2_cuwc
Ca sĩ Long Nhật

 Ca sĩ Tùng Dương gần đây khiến dư luận, đặc biệt những người yêu thích nhạc bolero “dậy sóng” bởi quan điểm: Ca sĩ trẻ quá đắm đuối với bolero thì sẽ làm âm nhạc Việt Nam kém phát triển. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Long Nhật để có cái nhìn khách quan hơn về sự phát triển của nhạc bolero hiện nay.

Thế hệ nào cũng yêu bolero, trữ tình, Sao nói sa đà?

Mới đây, ca sĩ Tùng Dương nêu quan điểm rằng, nếu ca sĩ trẻ quá sa đà vào bolero thì sẽ là bước thụt lùi của âm nhạc Việt Nam. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi phải dùng từ “tầm bậy” để nhận xét về nhận định này. Nó sai hoàn toàn và ấu trĩ vô cùng. Năm trước cũng có nhạc sĩ nói giới trẻ muốn nghe nhạc sến là làm âm nhạc thui chột và không phát triển được. Trong khi đó, 85% người dân Việt và hải ngoại thích bolero.

Bolero là từ chung, đó là dòng nhạc xưa, nhạc trữ tình ngày xưa. Giai điệu bolero được du nhập từ Nam Mỹ, vào Việt Nam được biến đổi, hóa vào tâm hồn Việt và trở thành âm nhạc của Việt Nam. Nói sa đà là không đúng! Từ chiến tranh tới hòa bình, hết thế hệ này tới thế hệ khác đều yêu nhạc bolero nói riêng và nhạc trữ tình nói chung, tại sao lại nói là sa đà?

Trong khi các ông các bà cứ cố xác làm cái mới mà có ra hồn đâu. Một số chương trình trao giải thưởng âm nhạc nhưng có bài nào đi vào lòng người không? Có bài nào sống được với thời gian không? Những bài trao giải thì công chúng đâu có hát. Cứ vu lên, cứ trao giải, lăng-xê rùm beng, nhưng dân đâu có nghe. Trong khi đó, nhà nhà nghe nhạc bolero, người người nghe nhạc trữ tình Việt Nam.

Làm sao bolero làm thui chột được nền âm nhạc. Nền nhạc Việt có màu sắc của dân tộc, chúng ta hòa nhập chứ không phải hòa tan. Muốn nghe nhạc sang trọng thì nghe Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Ly, còn muốn ngọt ngào, dễ đi vào lòng người, dân dã thì nghe Giao Linh, Bảo Yến. Tôi đi diễn 25 năm, nếu những bài như Ở hai đầu nỗi nhớ, Thư tình cuối mùa thu,… mà không hát theo cách trữ tình bolero thì chỉ diễn được trong những dịp lễ thôi.

Nhưng việc ca sĩ trẻ cố hát cho giống các bậc tiền bối, rồi đổ xô đi hát bolero dù nhạc này không đúng sở trường của mình thì cũng rất đáng “báo động” chứ?

Nói vậy lại càng sai! Hãy để thời gian trả lời tất cả. Công chúng rất công tâm. Lệ Quyên là ca sĩ hát nhạc trẻ mà chuyển sang hát trữ tình bolero cũng thành công. Cẩm Ly chuyển qua trữ tình và dân ca cũng thành công đó thôi.

Nhạc trữ tình nói chung và bolero nói riêng rất dễ hát nhưng khó thành công, đòi hỏi ca sĩ phải có giọng hát đẹp, ngọt ngào, tình cảm, hát phải rút ruột rút gan. Hát nhạc quê hương là phải thấy quê hương hiện ra trước mắt. Mà hát trữ tình rất khó, phải luyến láy, nhả hơi nhả chữ, phải vuốt ve, nắn nót từng chữ chứ không dễ hát như nhạc trẻ, hát mấy câu ngắn ngắn thì lấy hơi hát mấy bài cũng được.

Mỗi loài hoa sẽ tỏa hương trong đúng vùng đất của nó. “Đá” lựa sân cũng được, nhưng phải biết lựa sức. Như tôi lấn sân qua sân khấu kịch nói, phim ảnh là được các anh Hoài Linh, chị Hồng Vân rủ cách đây 20 năm rồi. Tôi phải trau dồi, đắn đo lắm thì đến năm 2014 mới bắt đầu diễn kịch. Hãy làm bằng cái tâm của người nghệ sĩ, chứ đừng thấy người ta làm rồi hùa theo, cưỡi ngựa xem hoa.

Tất nhiên, khi hát bolero, chúng ta là thế hệ sau nên hát phải có cách làm mới tác phẩm bằng cách hòa âm phối khí mới hơn, luyến láy, thổi những hơi thở thời đại. Nhưng đừng sa đà quá, làm mất những tinh túy của tác phẩm.

Những tác phẩm bolero, người ta gọi là sến. Ai ngại từ sến chứ tôi rất yêu và trân trọng từ sến, vì nhờ từ sến mà tôi có vợ con, nhà cửa, khán giả yêu thương 25 năm qua. Riêng dòng nhạc này, càng lớn tuổi, càng trải nghiệm, đời càng khổ nhiều, hát càng hay.

Tôi cũng thấy nhiều người hát bolero kinh lắm

Nhưng có ý kiến cho rằng: Ca sĩ trẻ ngày nay không đủ khổ, không dủ trải nghiệm để hát bolero. Và thật sự là nhiều người đang bị chê là “phá nát” nhạc bolero đấy thôi?

Không duy trì được lâu đâu. Cố đấm ăn xôi mà không hát được thì cũng bị loại sớm thôi. Chúng ta không cấm được họ, nhưng công chúng không nghe thì cũng chịu thôi. Tôi cũng thấy nhiều người hát bolero kinh lắm, không có tình cảm, luyến láy gì cả. Hát nhạc phải nghiên cứu, làm là phải học, trau chuốt thì mới hát được.

Người người đua nhau hát bolero có phải do cát xê cao, nhiều show diễn ưu ái dòng nhạc này?

Đâu có! Có những ca sĩ nhạc trẻ giàu lắm chứ. Muốn cát xê cao phải hát hay, ra sân khấu diễn duyên dáng, tên tuổi phải bảo chứng được phòng vé. Còn nói đi hát bolero vì cát xê cao là sai hoàn toàn. Đừng bao giờ nghĩ đi hát để lấy nhiều tiền.

Dòng nhạc nào cũng có khán giả riêng. Có một thời gian nhạc bolero không được ưu tiên, nhưng kỳ thực ca sĩ hát nhạc này vẫn sống khỏe. Trong khi đó, nhạc trẻ bây giờ hát 2, 3 tháng là quên ngay.

Cũng như trước đây, bolero không được ưu tiên vì đạo diễn, đài truyền hình bỏ rơi, chê bolero sến, bình dân. Người ta không ưu tiên, không để ý, không tạo điều kiện cho nhạc bolero phát triển thì người nghe thiệt thòi, nhà tổ chức và ca sĩ đều thiệt thòi cả. Nhưng bây giờ, bolero đã lấy lại được những thứ vốn dĩ nó được hưởng rồi.

Cảm ơn anh!

Trước đó, trong một cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, ca sĩ Tùng Dương cho biết, anh rất “dị ứng” khi nhiều ca sĩ trẻ ngày nay chạy theo bolero, cố gắng hát rên siết cho giống các bậc tiền bối nhưng hát không ra chất và không ra được những tinh thần nổi bật của những ca khúc bolero.Tùng Dương nói: “Tôi vẫn tôn trọng bolero, nhưng thời đại bây giờ không phù hợp nữa. Tôi nghĩ nếu các bạn ca sĩ, nhạc sĩ trẻ quá sa đà vào bolero thì đó sẽ là một bước thụt lùi của âm nhạc và không phát triển được, vì muốn phát triển, chúng ta phải hát những bài hát mới. Kể cả bolero chúng ta cũng phải sáng tác mới để phù hợp với thời đại ngày nay chứ không thể hát nhạc hoài cổ mãi. Tôi không lên án nhạc xưa, kể cả những bài nhạc cách mạng thì đều có thể làm mới và hát lại được, còn nếu quá sa đà vào bolero nghĩa là chúng ta đang quá lạm dụng trào lưu này rồi”.Nam ca sĩ khẳng định mọi việc sẽ luôn phát triển theo đúng hướng của nó. Nhưng đến lúc điều gì đó trở thành trào lưu mà lại làm sai lệch những giá trị chính của nó thì hoàn toàn nguy hiểm và đáng báo động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.