Làm báo cùng Giao thông

Lòng tham dính đòn đa cấp

17/07/2016, 09:17

Mỗi khi có hiện tượng vỡ hụi, vỡ hệ thống đa cấp, báo chí, các phương tiện truyền thông lại đồng loạt vào cuộc.

Minh họa (đa cấp)

Ảnh minh họa

Các cụ ta vẫn dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, việc gì cũng có nguyên do của nó.

Tôi đang bàn chuyện các nạn nhân của tệ nạn gom tiền giúp kẻ cho vay nặng lãi, gọi là chơi hụi và những kẻ bán hàng đa cấp.

Mỗi khi có hiện tượng vỡ hụi, vỡ hệ thống đa cấp, thì báo chí, các phương tiện truyền thông lại đồng loạt vào cuộc, đưa ra rất nhiều lời cảnh báo, chỉ rõ nguyên nhân chính luôn có những kẻ lừa đảo đứng đằng sau. Báo chí, internet có thể còn xa lạ với người nông dân, nơi vùng sâu, vùng xa, chứ tivi thì chắc không còn đến mức cả làng mới có một cái như vài chục năm trước đây. Mà tivi, ngoài thông tin, còn có cả hình ảnh sống động, quay cận cảnh những gương mặt méo đi vì bị lừa mất tiền, mất nhà, mất cả cơ nghiệp.

Ngoài tivi vẫn còn cả một hệ thống dư luận xã hội luôn náo nhiệt.

Chả lẽ vẫn cứ còn hàng nghìn người không biết, để tiếp tục lao vào chơi hụi, bán hàng đa cấp và bị lừa đảo?

Tôi không tin. Bởi vì trong số hàng nghìn nạn nhân, có cả những người học hành cao, thậm chí từng là quan chức.

Tất nhiên tôi đứng về phía những người bị lừa mất tiền, dẫn đến nhà tan, cửa nát, vợ chồng ly tán hoặc tội nghiệp hơn là trầm cảm, nhảy lầu… chỉ đơn giản vì họ là nạn nhân.

Nhưng trên thực tế, phải nói thẳng, họ không hoàn toàn chỉ là nạn nhân, mà có cả phần thủ phạm.

Bất cứ ai, dù “gà mờ” đến đâu, cũng thừa biết rằng, không có ngành nghề gì trên đời này mà mỗi năm sinh lợi tới cả trăm phần trăm và gấp nhiều lần thế. Nó trái mọi quy luật về kinh doanh, thậm chí trái cả đạo Trời trong chuyện sản sinh của cải. Thế mà, như trong một đoạn clip cho thấy cả đám đông nhiệt tình vỗ tay tán thưởng khi kẻ lừa đảo ráo hoảnh bảo rằng, các cô, bác chỉ cần nộp 1 tỷ đồng, không cần phải làm gì, cũng có thể thu về cả chục tỷ đồng chỉ sau một năm! Một người bình thường, với trí khôn và tính thiện tối thiểu, cũng phải tự hỏi, không làm gì mà có thêm cả chục tỷ, thì số tiền ấy lấy ở đâu?

Hóa ra ai trong số những người tham dự cũng đều ngầm biết đó là số tiền sẽ lấy từ hàng vạn người khác, nếu mọi chuyện trót lọt. Vấn đề là mỗi người trong số đó đều “khôn lỏi” tin rằng, mình không bao giờ là người cuối cùng. Và thế là họ đồng lõa tham gia lừa đảo, với sự dối lòng tập thể là mình không biết chuyện đó. Thế thì có kém gì tội ác!

Lòng tham đã che mờ tất cả: Trí khôn, sự tử tế, trách nhiệm với con cháu và xa hơn là với cộng đồng. Ở đâu mà lòng tham ngự trị, thì ở đó chẳng còn bất cứ điều gì tốt đẹp lọt được vào.

Có người bạc miệng bảo cứ để cho họ khốn nạn, để mà “ngấm đòn” vì các cụ ta cũng lại đã có sẵn lời dạy bảo: Tham thì thâm!

Tôi không chia sẻ với quan điểm cay nghiệt ấy, nhất là khi những người gặp nạn phần lớn đều nghèo khổ, cần sự trợ giúp của pháp luật. Nhưng tôi rất muốn nhắc quý vị: Trong vô vàn cái chết, thì chết vì tham là cái chết nhục nhã nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.