Chuyện dọc đường

Long Thành: Cơ hội và thách thức

05/11/2014, 07:08

Trách nhiệm huy động vốn, quản lý, giám sát vốn đầu tư, trả nợ... thuộc về các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng tham gia vào dự án chứ không riêng đơn vị được giao làm chủ đầu tư hay Bộ GTVT.

Theo phương án của Chính phủ (khái toán), vốn đầu tư từ ngân sách sẽ chỉ chiếm 14,6% tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1; Còn lại, 29,1% doanh nghiệp sẽ vay lại vốn ODA của Chính phủ và 56,3% sẽ huy động khu vực ngoài Nhà nước. Thậm chí, nếu phương án cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được sử dụng khoản thu từ cổ phần hóa để thu xếp khoảng 5.000 tỷ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thì Giai đoạn 1a của dự án sẽ chỉ sử dụng khoảng 6.076,9 tỷ đồng (5,1%) từ vốn ngân sách.

Để thực hiện được phương án đó, trách nhiệm của Chính phủ mà cụ thể là Bộ GTVT phải chứng minh được tính hiệu quả cả trên khía cạnh kinh tế - xã hội và tài chính của dự án, trong đó quan trọng nhất là hiệu quả tài chính, bằng một bài toán hết sức nghiêm túc, khoa học, công khai và minh bạch: Suất đầu tư, doanh thu, khả năng hoàn trả vốn vay...

Và khi hiệu quả đã được khẳng định, tự thân dự án sẽ trở thành “thỏi nam châm” với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, các tổ chức tín dụng. Khi đó, trách nhiệm huy động, quản lý, giám sát vốn đầu tư, trả nợ... sẽ được sự tham gia, chia sẻ của một lực lượng rất lớn bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng... chứ không riêng đơn vị được giao làm chủ đầu tư hay Bộ GTVT.

Cũng cần lưu ý, toàn bộ nguồn vốn đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành không phải tiêu trong hôm nay, hay một, hai năm mà trong cả một quá trình kéo dài 15-20 năm. Trong vòng 10-15 năm tới, GDP của Việt Nam không dừng ở con số 200 tỷ USD như hiện nay, mà không ngừng tăng lên; huy động vốn cũng như tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế sẽ mở rộng tương ứng; vị thế, uy tín của Việt Nam trong trường quốc tế cũng từng bước lớn mạnh... và lúc đó, nguồn vốn đầu tư cho dự án này sẽ không còn quá lớn như hôm nay chúng ta hình dung.

Với một nền kinh tế như Việt Nam hiện nay, nếu GDP mỗi năm tăng trưởng 8-9% thì 40 năm nữa chúng ta mới bằng Hàn Quốc bây giờ. Do vậy, chúng ta đừng vì đầu tư công và vấn đề mà ngần ngại với dự án CHK quốc tế Long Thành cũng như các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khác. Mặt khác, chúng ta không bao giờ được coi nhẹ giây nào, phút nào trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng dự án đầu tư công. Muốn vậy, bài toán đầu tư CHK quốc tế Long Thành phải được đặt trong ràng buộc rất khắc nghiệt, suất đầu tư phải rất đúng đắn; toàn bộ quá trình thẩm định, quản lý, giám sát dự án phải rất chặt chẽ, nghiêm túc, nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, cũng cần phải đặt “đại dự án” này trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực thực thi hàng loạt chính sách, biện pháp vực dậy nền kinh tế. Theo đó, dự án CHK quốc tế Long Thành, nếu hiệu quả có một ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ ở khía cạnh 10-15 năm sau chúng ta có một CHK tầm cỡ, mà ở ngay hiện tại, nếu triển khai sẽ cùng với nhiều chính sách kích thích nền kinh tế nóng lên thông qua sự khởi động của hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, công nghiệp, dịch vụ... góp phần quan trọng tăng tổng cầu nền kinh tế.

Xuân Thu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.