Thị trường hàng không dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số trong 5 - 10 năm tới và sẽ bùng nổ mạnh mẽ khi sân bay Long Thành khai thác.

img

Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh, trong vòng 5 - 10 năm nữa, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ có một sân bay tự động từ A - Z.

Thậm chí, hành khách có thể vào sân bay, làm thủ tục hàng không (check-in), kiểm tra an ninh, làm thủ tục xuất nhập cảnh, lên máy bay mà không phải giáp mặt bất kỳ một nhân viên hàng không nào.

img

Theo ông Thanh, tới đây vẫn sẽ có các quầy check-in với nhân viên, phục vụ hành khách không có kinh nghiệm check-in tự động. Nhưng những công nghệ hiện đại bậc nhất của hàng không sẽ được tích hợp tại sân bay Long Thành. Trí tuệ nhân tạo sẽ được áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay...).

"Sau khi thông tin được nhập đầy đủ, hệ thống sẽ tự động chụp ảnh và nhận dạng. Chưa đầy một phút, thẻ lên máy bay đã được in ra. Sau đó, hành khách sẽ tiếp tục làm thủ tục gửi hành lý tự động", ông Thanh nêu ví dụ.

Những công nghệ hiện đại nhất sẽ được áp dụng để tự động xác định và theo dõi bằng các thẻ nhận dạng thông tin hành lý và phân loại tuyệt đối chính xác, đảm bảo an toàn cho kiểm soát thông tin soi chiếu an ninh, soi chiếu hải quan, giảm thiểu thất lạc hành lý.

img

Hành khách dễ dàng truy cập, kiểm tra thông tin lộ trình hành lý của mình thông qua ứng dụng trên máy tính cá nhân hoặc điện thoại.

Đến khu vực kiểm soát an ninh, thiết bị kiểm thể tự động (body scanner) sẽ được trang bị 100% bên trong nhà ga hành khách thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay như trước đây.

Tư vấn đã thiết kế hàng rào an ninh sử dụng hệ thống cáp quang cảm biến chống xâm nhập kết hợp camera giám sát nhằm phát hiện sớm các vị trí có nguy cơ xâm nhập trái phép, cung cấp và lưu trữ hình ảnh tại khu vực có cảnh báo, phục vụ công tác đảm bảo an ninh hàng không.

"Tại khu vực xuất nhập cảnh, hành khách chỉ cần quét hộ chiếu và thẻ lên máy bay. Máy ảnh tích hợp tại đây sẽ chụp ảnh và khớp nối với hộ chiếu. Cuối cùng, tại cửa ra máy bay, hành khách chỉ cần quét thẻ lên máy bay. Mọi thông tin sẽ nhanh chóng được phân tích, nếu khớp nối, cửa sẽ mở", ông Thanh cho hay.

img
img

Nói về thị trường hàng không trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, chỉ 5 năm tới, sau khi nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất hoàn thành và đi vào khai thác, cộng với sự ra đời của CHK quốc tế Long Thành, chắc chắn sẽ tạo sự tăng trưởng đột biến.

"Hàng không hiện tại đang phải kìm nén năng lực và nhu cầu khai thác. Tại Tân Sơn Nhất, dù nhu cầu rất lớn, tuy nhiên, việc tăng trưởng sản lượng hành khách thông qua gần như không thể do hạ tầng", ông Thắng nói và thông tin thêm: Thị trường hàng không đã có cả chục năm tăng trưởng mạnh mẽ. Từ 2007, sau khi Luật Hàng không dân sự sửa đổi được ban hành, đến 2018, sau 12 năm thị trường hàng không tăng 4 lần. Tốc độ tăng trưởng này được đánh giá là nhanh nhất trên thế giới.

img

Dự báo đến 2025, thị trường hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 9-10%.

Nếu so với con số 16% ở giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng này nghe có vẻ thấp hơn, tuy nhiên, chỉ thấp hơn về giá trị tương đối, còn giá trị tuyệt đối thì rất cao.

Chia sẻ thêm, ông Thắng cho rằng, sau khoảng 20 năm theo dõi, có thể thấy, nếu GDP tăng 1 thì tăng trưởng hàng không từ 2 - 2,5 lần. Điều này có nghĩa là nếu GDP còn tăng trưởng 6 - 7%, hàng không chắc chắn sẽ tăng trưởng trên 2 con số.

Về mặt dân số, tại một số thị trường phát triển trên thế giới, tổng thị trường vận tải hàng không của họ thường gấp 2 - 3 lần dân số. Như Mỹ có 300 triệu dân, thị trường hàng không của Mỹ hiện là hơn 1 tỷ hành khách.

"Dân số Việt Nam đang là gần 100 triệu người. Nếu tính ở mức độ trung bình, chỉ gấp 2 lần dân số, thì thị trường cũng phải là 200 triệu khách/năm. Trong khi đó, hiện tại thị trường của ta mới đạt 80 triệu khách/năm, điều này có nghĩa là dư địa còn cực kỳ lớn", ông Thắng phân tích.

img
img

Một chuyên gia hàng không cho hay, thông thường các sân bay lớn ở các thành phố quy hoạch gấp 10 - 15 lần dân số. Ví dụ ở khu vực TP HCM, dân số khoảng 15 triệu, chúng ta quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành có tổng công suất 150 triệu. Nhưng dân số khu vực này sẽ không dừng ở đó.

"Do đó, tôi cho rằng, ngay cả khi chúng ta hoàn thành xong cả 3 giai đoạn của sân bay Long Thành, vẫn phải nghĩ đến việc tiếp tục mở rộng sân bay Long Thành lên 150 triệu. Cũng như vậy, tại Hà Nội, hiện dân số đã gần chục triệu rồi nên chúng ta phải nghĩ đến việc quy hoạch sân bay Nội Bài lên 100 triệu khách/năm", vị này cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, với vận tải, nếu khoảng cách từ 500km trở lên, hàng không chiếm ưu thế tuyệt đối. Trong khoảng từ 300 - 500km, hàng không và đường sắt cao tốc sẽ cạnh tranh 50 - 50. Còn dưới 300km thì đường sắt cao tốc sẽ chiếm ưu thế.

img

"Tốc độ tăng trưởng cao của hàng không tối thiểu khoảng 5-10 năm nữa. Quản lý nhà nước, nên mở chứ đừng trói để thị trường có thể tận dụng cơ hội lớn này", chuyên gia khẳng định.

Khẳng định quản lý nhà nước chắc chắn sẽ phải chặt chẽ nhưng mục tiêu vẫn là thúc đẩy, không phải kìm hãm sự phát triển, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng chia sẻ, nếu so với các nước trong khu vực, số lượng hãng hàng không của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn.

"Đừng so với Lào và Campuchia. Hãy nhìn sang các nước trong khu vực. Thái Lan hiện có 16 hãng, Singapore (1 thành phố, 1 sân bay) 6 hãng, Malaysia 10 hãng, Indonesia 20 hãng, Philippines 12 hãng, Nhật Bản 23 hãng, Hàn Quốc 12 hãng", ông Thắng thông tin.

Cũng theo ông Thắng, chỉ khi nào số lượng lên đến 10 hãng, mới cần cân nhắc về việc thành lập hãng hàng không mới, xem nên để họ đầu tư vào phân khúc thị trường nào, với quy mô nào… để làm sao tất cả các hãng hàng không đều có cơ hội tiếp cận thị trường và "sống khoẻ".

img
img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.