Giao thông

Lột xác thần kỳ ở doanh nghiệp hai lần nhận “trát” buộc phá sản

07/12/2017, 07:55

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco chia sẻ với Báo Giao thông nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập.

14

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco chia sẻ với Báo Giao thông nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (9/12/1982 - 9/12/2017).

Trỗi dậy mạnh mẽ sau cổ phần hóa khi suýt phải giải thể

Từng là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông, nhưng trước khi cổ phần hóa (năm 2014), suốt một thời gian dài doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng, thua lỗ triền miên, thậm chí có thời điểm nhiều người còn ví Vinawaco như một con tàu đang chìm. Ông chia sẻ hướng đi nào để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và thoát khỏi khủng hoảng?

Nhận định này là xác đáng, bởi trước khi cổ phần hóa, Vinawaco được xếp vào nhóm doanh nghiệp bê bết nhất của ngành GTVT. Nội bộ thì mất đoàn kết, đơn thư kiện cáo kéo dài triền miên, có khoảng thời gian chẳng ai muốn đến trụ sở để làm việc chỉ vì sợ bị kiện. Hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào khủng hoảng, máy móc, thiết bị cũ kỹ lạc hậu, ngay cả con tàu Trần Hưng Đạo, thiết bị chủ lực của tổng công ty lúc đó được nhiều người ví như một con tàu ma. Trên các công trường như kênh Quan Chánh Bố (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), hàng loạt thiết bị nạo nét như tàu hút phun bị xuống cấp, mục nát nghiêm trọng do dự án phải đình hoãn khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 ngày 24/11/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bảng vàng thành tích của tổng công ty và các đơn vị thành viên

- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (2002).

- Huân chương Độc lập hạng Ba (2002).

- Huân chương Lao động hạng Nhất (1996, 2000, 2002, 2011).

- Huân chương Lao động hạng Nhì (1997, 1998, 2000, 2002).

- Hàng trăm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT cho các tập thể và các cá nhân.

Một dự án khác cũng lâm vào tình cảnh bi đát không kém khi phải dừng hoãn là cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, khiến hàng nghìn tấn vật tư kỹ thuật, vật liệu thi công, máy móc thiết bị tại công trường chất đống, đổ sụp. Nguồn tài chính mất cân đối, dẫn tới nhiều thiết bị của đơn vị khi đưa vào sửa chữa tại các xưởng ở Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh bị chủ xưởng giữ lại do không có tiền thanh toán, thậm chí hàng loạt ô tô của các ban điều hành tại các công trường cũng bị giam lỏng do nợ chi phí thanh toán các nhà thầu. Công nợ với các đối tác, chủ đầu tư tồn đọng rất nhiều bởi không công trình nào được quyết toán dứt điểm, dẫn tới các chủ nợ khởi kiện, thậm chí đưa cả người đến ăn nằm tại trụ sở tổng công ty để đòi tiền. Đời sống của cán bộ, công nhân viên vô cùng khó khăn, thậm chí, có những thời điểm, ròng rã 6 - 7 tháng người lao động không được trả lương vì doanh nghiệp không xoay xở được nguồn tài chính để chi tiêu.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần yêu cầu Bộ GTVT làm thủ tục phá sản để giải thể Vinawaco. Tuy nhiên, hậu quả của việc phá sản khi đó sẽ rất nặng nề, Nhà nước không chỉ mất hết vốn tại doanh nghiệp mà còn phải bỏ thêm rất nhiều tiền để trả các khoản nợ đọng cũ, hơn nữa, hàng nghìn lao động sẽ rơi vào cảnh mất việc làm, nhưng may mắn là điều đó đã không xảy ra, bởi Bộ GTVT đã vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc và thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp vào đầu năm 2014.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, với vai trò là nhà đầu tư chiến lược, ngay những ngày đầu tiên tiếp quản doanh nghiệp, chúng tôi đã kiện toàn lại bộ máy, đồng thời đưa ra các giải pháp cấp bách và xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp phù hợp với điều kiện tình hình mới, đáp ứng nhu cầu của các cổ đông. Trước tiên là những giải pháp để ổn định tình hình nội bộ, tạo sự đoàn kết, đồng thuận của các tổ chức đảng, đoàn thể và hội đồng quản trị. Theo đó, mọi hoạt động của tổng công ty đều được giám sát chặt chẽ trên tinh thần công khai, minh bạch từ khâu tổ chức, quản lý thi công, quản lý kinh tế, phân chia công việc, tiền lương…

Bên cạnh đó, tổng công ty đã huy động mọi nguồn lực tài chính từ các tổ chức tín dụng, cá nhân để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, phục vụ công tác thi công các dự án đạt hiệu quả nhất. Công tác quyết toán được đặc biệt chú trọng, mọi công trình đang thi công hoặc đã hoàn thành đều được quyết toán dứt điểm. Ngoài ra, tổng công tư không ngừng mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước. Nhờ sự hỗ trợ, ủng hộ của các chủ đầu tư, nhà thầu chính, ban điều hành dự án, nhất là sự quan tâm của lãnh đạo, cơ quan chức năng của Bộ GTVT, các công trình do tổng công ty thi công trong thời gian qua đều hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng và được chủ đầu tư đánh giá cao.

Sau hơn 3 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có những chuyển biến thế nào?

Từ các phân tích ở trên, tôi khẳng định rằng, cổ phần hóa Vinawaco là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và kịp thời của Chính phủ và Bộ GTVT. Đây là bước ngoặt lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của Vinawaco, nói nôm na, con đường đã đưa doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ trước đây chính là việc cổ phần hóa doanh nghiệp. Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với sự nỗ lực tối đa của cổ đông chiến lược, hệ thống bộ máy quản lý, tập thể, cán bộ công nhân viên và sự giúp đỡ, ủng hộ của các cấp, ngành, nhất là Bộ GTVT, Vinawaco đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi mặt.

Nội bộ doanh nghiệp có sự đoàn kết rất cao, tình trạng đơn thư khiếu kiện đã tuyệt chủng. Giá trị sản lượng và doanh thu của tổng công ty tăng trưởng vượt bậc và luôn duy trì đà tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số, thu nhập và đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện. Điển hình, sau khi cổ phần hóa, tiền lương của cán bộ, công nhân viên tăng khoảng 30 - 35% và được chi trả đều đặn hàng tháng.

Bên cạnh đó, công tác quyết toán công nợ với chủ đầu tư, các nhà thầu phụ được đặc biệt quan tâm trên tinh thần sòng phẳng và minh bạch. Các phát sinh nợ thuế, nợ tiền thuê đất, thuế đất, bảo hiểm xã hội với Nhà nước đều được thanh toán đầy đủ, kịp thời. Để phục vụ công tác thi công tốt nhất, chúng tôi đã đưa các phương án đầu tư, đại tu sửa chữa triệt để và phát động phong trào “Giữ tốt, dùng bền”, nhờ đó đã phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống máy móc, thiết bị. Ngoài ra, toàn bộ tài sản đất đai do tổng công ty quản lý đã cơ bản hoàn thành thủ tục theo quy định, được đầu tư, sửa chữa, cải tạo và sử dụng có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

15

Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước do Vinawaco thi công

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc, rào cản cho doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả thuận lợi, tổng công ty đang phải đối mặt với những vấn đề khó khăn nào, thưa ông?

Vấn đề vướng mắc lớn nhất của Vinawaco cần phải giải quyết ngay là công tác quyết toán tài chính giai đoạn 2 của doanh nghiệp khi cổ phần hóa vẫn chưa được Bộ GTVT phê duyệt. Cụ thể, phần vốn Nhà nước sau cổ phần hóa còn khoảng 109 tỷ đồng, tương đương 36,62% cổ phần. Trong quá trình quyết toán giá trị lần 2 để chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), các căn cứ quy định của pháp luật đối chiếu với hồ sơ khi cổ phần hóa và thực trạng doanh nghiệp đã bị thiếu hụt khoảng 30 tỷ đồng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cụ thể, rất nhiều công nợ tồn tại không có trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của tổng công ty bị phong tỏa tài khoản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động và uy tín của Vinawaco đối với các tổ chức tín dụng. Kế đến, nhiều khoản vốn đầu tư tài chính vào các công ty liên kết đến thời điểm hiện tại khả năng mất vốn rất cao vì nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động… Hiện nay, chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các vụ, cục có liên quan sớm xem xét, giải quyết để bàn giao phần vốn Nhà nước còn lại về SCIC theo đúng quy định của pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo kết quả đánh giá xếp hạng nhà thầu, trong 4 năm qua, Vinawaco luôn là một trong những nhà thầu xây lắp được xếp hạng đầu trong nhóm “Đáp ứng yêu cầu” của Bộ GTVT. Đây chính là sự khẳng định uy tín, thương hiệu và vị thế của Vinawaco trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt. Ông có thể bật mí giải pháp để Vinawaco đạt được kết quả như vậy?

Chúng tôi luôn quan niệm sản phẩm của các công trình xây dựng giao thông là tài sản của quốc gia, phục vụ toàn xã hội. Vì thế, những năm qua, chất lượng công trình luôn là mục tiêu được Vinawaco đặc biệt chú trọng và coi đó là yếu tố sống còn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Không chỉ ở lĩnh vực giao thông, mà bất cứ ngành nghề sản xuất kinh doanh nào, kinh nghiệm vẫn rất quan trọng. Trong lĩnh vực xây dựng công trình hạ tầng giao thông, Vinawaco đã có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm thi công các công trình, dự án giao thông. Từ bài học của những dự án đã hoàn thành giúp chúng tôi rút ra những kinh nghiệm để triển khai các dự án tiếp theo một cách hiệu quả hơn.

Trong quá trình triển khai thi công, chúng tôi áp dụng mô hình quản lý phân cấp, phân quyền từ cấp lãnh đạo cho đến người lao động. Đồng thời, chủ động đưa ra các giải pháp hạn chế tối đa các điều kiện khách quan ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ và xây dựng môi trường, điều kiện làm việc đảm bảo tốt nhất cho các chủ thể tham gia thi công dự án. Thông thường, mỗi hợp đồng xây lắp được ký kết, chúng tôi đều chủ động rút thời gian thực hiện theo hợp đồng để dự phòng cho các điều kiện khách quan có thể xảy ra. Các đơn vị thi công đều được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ ngay từ ngày đầu để hoàn thành sớm nhằm chuẩn bị nguồn lực cho dự án tiếp theo. Những đơn vị làm tốt, vượt chỉ tiêu sẽ được khen thưởng. Ngược lại, những đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, an toàn lao động, thẩm mỹ công trình, môi trường… đều bị xử phạt để kịp thời điều chỉnh.

16

Sau cổ phần hóa, Vinawaco đã đạt được những kết quả vượt bậc

Sẽ tham gia đấu thầu làm nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Hiện nay, ngoài lĩnh vực truyền thống trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, được biết, Vinawaco còn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản. Phải chăng, Vinawaco đang có chiến lược trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, thưa ông?

Ngay từ khi trở thành cổ đông chiến lược của Vinawaco, trong tôi luôn có một khát vọng cháy bỏng là mong muốn đưa doanh nghiệp trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Thực tế, trong vài năm trở lại đây, ngoài những ngành nghề kinh doanh chính như nạo vét, duy tu công trình thủy và xây dựng hạ tầng giao thông, Hội đồng quản trị của Vinawaco đã ban hành nghị quyết bổ sung ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực thi công xây dựng dân dụng, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Hiện nay, Vinawaco đã và đang tham gia thi công nhiều dự án lớn như: Dự án khu nhà ở thấp tầng liền kề và biệt thự tại Khu đô thị Thanh Liệt, Hà Nội (khoảng 350 căn); Dự án chung cư 30 tầng nổi, 3 tầng hầm tại Lô C37, khu C - Khu đô thị đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Đặc biệt, hiện nay, Vinawaco đang là chủ đầu tư của Khu đô thị Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ GTVT đang chuẩn bị triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có quy mô rất lớn. Với năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nhiều dự án, Vinawaco có sẵn sàng tham gia làm nhà đầu tư của các dự án này, thưa ông?

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của quốc gia. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án này. Tôi được biết, trong 11 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện trong giai đoạn năm 2017 - 2020, có 8 dự án được triển khai bằng hình thức đối tác công - tư và 3 dự án làm bằng đầu tư công.

Đối với Vinawaco, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư, thu phí các dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư như dự án BOT đường tránh TP Thanh Hóa; dự án đấu thầu quyền thu phí cầu Phù Đổng; dự án đấu thầu quyền thu phí QL1 tại trạm Hoàng Mai (Nghệ An)… Với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý đầu tư hiện nay của Vinawaco, chúng tôi rất mong muốn được tham gia đấu thầu để làm nhà đầu tư tại một số dự án đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP để tạo thêm nguồn công việc và góp phần vào sự nghiệp phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước.

Cảm ơn ông!

Các dấu mốc trên chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển

- Ngày 9/12/1982: Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét sông, biển được thành lập, tiền thân của Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP.

- Ngày 9/12/1984: Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quyết định 2856 về việc tăng cường và sắp xếp lại Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét sông, biển; đồng thời chuyển giao Ty Quản lý đường sông phía Bắc và Ty Quản lý đường sông phía Nam thuộc Cục Đường sông sang Liên hiệp. Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét sông, biển được đổi tên thành Liên hiệp các Xí nghiệp giao thông đường thủy I.

- Ngày 2/8/1988: Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quyết định 1843, Liên hiệp các Xí nghiệp giao thông đường thủy I được đổi tên thành Liên hiệp các Xí nghiệp quản lý giao thông đường thủy.

- Ngày 21/12/1991: Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quyết định 2726 thành lập Tổng công ty Xây dựng đường thủy.

- Ngày 6/1/2014: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 21 phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng đường thủy.

- Ngày 30/5/2014 đến nay: Tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.