Bất động sản

Louis City Hoàng Mai: Cần thu hồi đất đã giao không qua đấu thầu?

27/06/2020, 19:50

Luật sư cho rằng, dự án bất động sản được giao đất không qua đấu thầu là trái quy định, các văn bản pháp lý liên quan đều vô hiệu...

img
Louis City Hoàng Mai: Cần thu hồi đất đã giao không qua đấu thầu? (Ảnh: Dự án đang xây dựng cơ sở hạ tầng)

Liên quan tới Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ được Hà Nội giao cho doanh nghiệp không qua đấu thầu; Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một dự án bất động sản được giao đất không qua đấu thầu là trái quy định của pháp luật. Theo đó, các văn bản pháp lý liên quan về sau đều vô hiệu và không có giá trị.

"Trường hợp phát hiện quyết định giao đất trái quy định mà dự án đã đầu tư thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu các cơ quan ra văn bản trái thẩm quyền bồi thường giá trị các hạng mục đã đầu tư. Nhưng bản chất, đất được giao trái quy định phải được trả nguyên trạng về Nhà nước. Và nếu ai muốn được sở hữu lô đất đó thì phải thông qua thủ tục đấu thầu theo quy định của pháp luật, lúc đó mới được pháp luật công nhận", luật sư Tuấn Anh nói.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, sau khi đã phát hiện dự án được giao đất không thông qua đấu giá thì việc "hợp thức hoá" là không phù hợp. "Cơ quan chức năng không thể làm ra các quyết định hành chính để hợp thức hoá việc giao đất không đúng được. Dự án phải được đưa ra đấu giá, đấu thầu công khai, để nhà đầu tư quan tâm có quyền tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm lợi cho một doanh nghiệp nào đó và tạo sự công bằng trong lĩnh vực đầu tư", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trước đó (11/2019), Thanh tra Chính phủ kết luận: "TP Hà Nội giao Tổng công ty UDIC làm chủ đầu tư dự án không qua đấu thầu là vi phạm quy định tại Điều 13, Điều 14, Nghị định 90/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành luật nhà ở năm 2006".

Theo kết luận thanh tra, Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Louis City Hoàng Mai) thuộc địa giới hành chính của 3 phường: Hoàng Văn Thụ 11,6ha; Phường Thịnh Liệt 7,6ha và Yên Sở 3,2ha.

Năm 2000, UBND TP Hà Nội giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), tổ chức, nghiên cứu lập dự án.

Trên cơ sở đề xuất của UDIC, Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Hà Nội và đề nghị của các Sở (Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư) UBND TP Hà Nội chấp thuận giao Công ty UDIC và Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Hà Nội làm chủ đầu tư, lập quy hoạch chi tiết KĐT mới Hoàng Văn Thụ, tỷ lệ 1/500.

Đến năm 2007, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Hà Nội không tham gia liên danh nữa nên Hà Nội cho phép UDIC tiếp tục đầu tư dự án. Giai đoạn sau năm 2007 sát nhập Thủ đô.

Đến ngày 11/7/2011, ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định về việc cho phép đầu tư dự án khu đô thị Hoàng Văn Thụ… Trong đó, UDIC làm chủ đầu tư với thời gian hoàn thành toàn bộ dự án là 5 năm (dự kiến quý IV/2015). Bấy giờ, dự án "biến" thành tài sản doanh nghiệp mà không qua đấu thầu.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.