Xã hội

Lũ quét gây sạt lở nghiêm trọng ở Bình Định, tính phương án di dời dân

07/11/2020, 18:33

Sạt lở ở huyện Vĩnh Thạnh tuy không có thiệt hại về người nhưng về lâu dài phải tính đến phương án di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm...

img
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tính đến phương án di dời dân ở những vùng sạt lở về lâu dài

Ngày 7/11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra các vị trí sạt lở do ảnh hưởng của mưa bão, lũ quét thời gian vừa qua tại địa bàn huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt, ách tắc giao thông.

Có mặt trên tuyến đường độc đạo lên xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh, PV ghi nhận hàng chục điểm sạt lở, đất đá đổ xuống mặt đường với khối lượng rất lớn, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đoạn bị sạt hàm ếch vào sâu cả mét, rất nguy hiểm.

Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, nguyên tuyến đường xã Vĩnh Kim có 13 điểm sạt lở. Tuyến đường từ trung tâm huyện lên Vĩnh Sơn có 15 điểm sạt lở. Khối lượng đất đá sạt lở rất lớn, khoảng 5 - 6 ngàn khối. Hiện tại giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, người dân di chuyển chủ yếu bằng xe máy.

“Với các tuyến đường trên địa bàn các huyện Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn bị tắc do sạt lở, huyện đã chỉ đạo khắc phục để đảm bảo giao thông cho người dân đi lại trước mắt. Đồng thời điều động máy móc hiện đại lên để xử lý, giải phóng khối lượng đất đá tồn tại ở mặt đường về lâu dài”, ông Thành chia sẻ.

img
Xuất hiện rất nhiều điểm sạt lở ở tuyến đường từ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh lên các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim

Theo ông Thành, trước khi vào mùa mưa bão, địa phương cũng đã có những phương án, kế hoạch ứng phó. Sau khi có tình huống xảy ra, địa phương đã chủ động theo phương án từ trước nên cũng giảm thiểu được những thiệt hại về tài sản của người dân, đặc biệt là không có thiệt hại về người.

“Vĩnh Kim có khoảng trên 1.000 hộ dân, trong đó có khoảng 30 hộ nằm trong diện nguy cơ trong vùng sạt lở. Khi mưa lớn xảy ra, địa phương đã cảnh báo người dân và chủ động di dời những hộ nằm trong diện nguy cơ nên thiệt hại về người là không có”, ông Thành cho biết.

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ngày 6/11, tại công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 5, đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) cũng đã xảy ra hiện tượng sạt lở. Mưa lũ cũng đã gây tắc nghẽn một số vị trí cục bộ trên kênh dẫn nước vào nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 do đất đá, cây cối phía bờ phải kênh dẫn nước sạt xuống vùi lấp.

Hiện, Thủy điện Vĩnh Sơn 5 đã mở cống xả cát để xả lượng cát trong kênh; cửa đập dâng đã mở cửa van, hiện mực nước thủy điện đang ở cao trình 152m (mực nước trung bình là 155m). Ngoài ra, hệ thống đường vận hành, đường bê tông từ nhà làm việc đến đập Vĩnh Sơn 5 đang bị tắc nghẽn giao thông; khu vực nhà máy bị sạt lở nhẹ, bùn cát phía trên chảy vào trạm biến áp nâng áp 110kV và một số nơi tại nhà máy. Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 cũng đã ngừng hoạt động phát điện. Các công nhân của công ty thủy điện này đang huy động phương tiện thiết bị, máy móc để khắc phục các sự cố.

Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường sạt lở, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở Vĩnh Thạnh nhưng bây giờ lại xuất hiện. Cùng với việc liên tiếp sạt lở ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... có thể thấy, hiện tượng sạt lở ở miền Trung đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Do đó cần có sự nghiên cứu, đánh giá tổng về hiện tượng này, nguyên nhân tại sao trước đây không xảy ra, mà thời gian này lại xuất hiện liên tục như thế. Để từ đó đưa ra những phương án ứng phó cho phù hợp.

"Sạt lở ở huyện Vĩnh Thạnh tuy không có thiệt hại về người nhưng về lâu dài phải tính đến phương án di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm ven núi. Bởi đã xảy ra sạt lở như thế này thì sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Địa phương phải có một chính sách để di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Trước mắt là phải thông đường cho người dân đi lại an toàn. UBND tỉnh giao Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ngay lực lượng, máy móc khắc phục khẩn cấp để đảm bảo giao thông. Khẩn trương thực hiện, bảo đảm trong vòng 3 ngày là phải làm xong”, ông Dũng đề nghị.

Cũng theo ông Dũng cho biết, tuyến đường từ huyện lên xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn là tuyến đường huyết mạch, tuy nhiên, thực tế tuyến đường đã xuống cấp, rất nguy hiểm. Tỉnh cũng đã đề xuất với Chính phủ và Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường, sẽ được triển khai trong năm 2021.

Một số hình ảnh về các đoạn bị sạt lở ở huyện Vĩnh Thạnh:

img
Lũ quét gây nên sạt lở, đất đá tràn xuống mặt đường đoạn qua xã Vĩnh Kim
​​​​​​
img
img
Sạt lở khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, giao thông bị ách tắc nhiều đoạn
img
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các lực lượng nhanh chóng khắc phục sạt lở, trong vòng 3 ngày tiến hành xong để đảm bảo cho người dân đi lại an toàn
img
img
Nhiều vị trí bị sạt lở nghiêm trọng
img
Sạt lở đe dọa khu nhà của Thủy điện Vĩnh Sơn 5

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.