Xã hội

Lũ quét Kỳ Sơn: Quả đồi đổ sập, nước lũ ào xuống, ai nấy bỏ chạy thoát thân

03/10/2022, 08:00

Theo người dân bản 8, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), mưa lũ đã khiến cả quả đồi sập xuống, chỉ kịp chạy lấy người còn nhà cửa bị vùi lấp hết.

Trắng đêm "chiến đấu" với tử thần

“Mọi đồ đạc có giá trị trong nhà đều bị cuốn trôi hết rồi, thứ còn sót lại thì bị vùi lấp dưới đất đá sâu hơn 1m.

Cả buổi chiều 2 vợ chồng mới chỉ đào lên được ít, chưa đem đi sửa chữa nên không biết thiệt hại đến mức nào nữa. May mắn là người còn sống…”, chị Lương Thị Dung (49 tuổi, ở khối 1, thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn, Nghệ An) vừa nhặt nhạnh một số thứ trong đống đổ nát vừa kể trong sợ hãi.

img

Nước lũ kéo đổ sập cánh cổng của một đơn vị ở thị trấn Mường Xén chìm xuống đất

Chị Dung kể: Tối hôm 1/10, trời chỉ mưa nhỏ, đến 23h đêm nước vẫn chưa lên. Thế nhưng đến khoảng 0h30 sáng ngày 2/10, cả gia đình chìm trong giấc ngủ thì nghe nước tràn vào trước cửa.

Cả 2 vợ chồng bật dậy, chạy ra cửa đã thấy nước đang chảy xuống, cứ an tâm nghĩ giống như trận lũ ngày 4/9 vừa rồi. Tranh thủ nước đang xuống, vợ chồng đẩy rửa bùn đất ra ngoài.

Công việc xong xuôi nhưng nước vẫn không ngớt đổ về, chúng tôi bắt đầu thấy sợ, không dám lên ngủ tiếp mà chong đèn ngồi chờ.

Đến khoảng 2h sáng thì trận lũ quét ập về. Từng cuộn nước từ trên núi ầm ầm chảy vào nhà, vợ chồng vẫn cố gắng vớt được một số đồ đạc ở gần cầu thang đi lên tầng 2.

Từ đó cho đến khoảng 7h sáng, tiếp tục có 2 đợt lũ quét nữa, trong đó đợt quét lúc đầu giờ sáng mạnh nhất. Nước chảy như thác, cuốn theo đất, đá, và nhà cửa, xe ô tô… người dân trên dọc đường đi.

img

Chị Lương Thị Dung chưa hết kinh hoàng kể lại đêm lũ

“Cứ tưởng tượng, những chiếc ghế gỗ thịt chắc nịch nhà tôi để bên ngoài mà nước cuốn trôi vào tận trong nhà.

Chiếc cổng sắt bị bùn đất lấp, chỉ hé ra được một chút mà nước cuốn cả 1 cái cây to đùng, dài khoảng 2m chui qua, lọt vào trong nhà là biết sức nước khủng khiếp cỡ nào”, chị Dung chưa hết sợ hãi nhớ lại.

Lúc nước lũ đang ầm ầm đổ từ ngoài vào thì 2 vợ chồng bị kẹt ngay cánh cửa phía sau nhà. Đúng lúc đó, chiếc máy lọc nước bị cuốn trôi đến, đè vào người chị.

“Một bên cửa chèn, một bên máy lọc nước đè vào, cả 2 vợ chồng dùng hết sức cũng không làm sao thoát được vì lực nước chảy quá mạnh. Tôi cứ nghĩ mình chết chắc. May sao lúc đó đứa cháu ở trên tầng, gọi xuống tiếp sức mới thoát ra được.

Cánh cửa bị đóng khiến con nước bị chặn lại, nó như con thuỷ quái bị nhốt gầm xé ầm ầm phía ngoài.

Chồng tôi phải dùng một cái cây, gắng sức phá phần kính để nước thoát ra ngoài. Đã 49 năm chúng tôi sinh sống tại đây nhưng đợt lũ quét này kinh hoàng nhất từ trước tới nay", chị Dung kể tiếp.

img

Anh Nguyễn Văn Thắng không dám về nhà em trai ngủ mà ra thềm trụ sở hội trường huyện nằm.

Ngồi trên thềm nhà hội trường của huyện với đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi vì trắng đêm chạy lũ, anh Nguyễn Văn Thắng (47 tuổi) kể: Tôi ở Thái Hoà lên nhà em trai (ở khối 1, thị trấn Mường Xén) chơi từ lúc 18h tối 1/10.

Đến khoảng 2h sáng nay thì thấy lũ từ trên núi kéo theo đất đá đổ xuống ầm ầm. Ngôi nhà của gia đình em trai nhanh chóng bị đất đá tràn vào vùi lấp đến hơn 1m.

Ngay trong đêm mưa lũ, cả gia đình chạy sang nhà văn hoá khối để trú ẩn. “Chạy sang được nhà văn hoá thì không dám ngủ nữa. Nhìn dòng nước cuộn lên như thác đổ chỉ biết cầu trời bình an. Đến giờ nghĩ lại vẫn còn sợ”, anh Thắng kể lại ấn tượng kinh hoàng khi lần đầu trong đời chạy lũ.

Đến tối nay, nhà em trai anh Thắng vẫn đang bị vùi lấp, không có chỗ ngủ, trong khi trời vẫn mưa nặng hạt.

Sợ lũ lại quét về nên cả gia đình không dám tá túc ở nhà văn hoá khối nữa mà lấy chiếu, đệm lên thềm nhà hội trường huyện ngủ.

img

Ông Hồ Mạnh Tiến cho biết: Cả quả đồi ập xuống, nhà cửa bị vùi lấp hết rồi, đường chưa thông chưa về kiểm tra được.

Nhà bị vùi lấp hết vẫn chưa về được

Là người miền xuôi, lên thuê ki ốt để kinh doanh ăn uống đã 3 - 4 năm nay, mỗi tháng gia đình anh Nguyễn Văn Thuỷ (42 tuổi) phải mất hơn 3 triệu tiền thuê mặt bằng.

Ở huyện biên giới, việc kinh doanh vốn đã không khấm khá thì nay, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn. Trong ki ốt nhỏ, mọi tài sản có giá trị cũng như đồ nghề mưu sinh đều “theo sông về với biển”.

Anh Thuỷ tự động viên, trận lũ này mà người không sao là may mắn rồi, "còn người là còn của".

Anh kể, gia đình anh có 2 con nhỏ, ngay trong rạng sáng ngày 2/10, phải bồng bế nhau chạy xuống khu vực khối 5 để gửi người thân. Lũ quét qua, nhà cửa hư hỏng, đất bùn vùi lấp tất cả, đêm nay 2 vợ chồng cũng không dám ngủ ở nhà vì trời còn mưa, không an toàn.

img

Anh Nguyễn Văn Thuỷ ôm cái máy bơm còn sót lại trong quán để đi nơi khác ngủ

Chếch lên phía tây, tại bản Cầu 8, xã Tà Cạ, hiện tại một nửa quả đồi đã tràn xuống vùi lấp khoảng hơn 300m QL7A và những hộ dân ở phía bờ sông.

Ông Hồ Mạnh Tiến (68 tuổi) thất thần kể: Từ khoảng 8h sáng, đất đá trên quả đồi phía trước nhà bắt đầu sụt trượt dần dần. Thấy vậy, gia đình liền sơ tán người và chuyển được một ít đồ đạc đến nhà văn hoá bản.

Khoảng hơn 30 phút sau, toàn bộ đất, đá, cây cối từ trên núi ầm ầm sạt xuống vùi lấp các nhà dân ở phía dưới.

Đã một ngày dài trôi qua, lực lượng chức năng đã huy động tối đa phương tiện nhưng khối lượng đất đá quá lớn nên vẫn chưa thể tiếp cận đến khu vực gia đình ông Tiến.

img

Hiện tại khu vực lũ quét qua vẫn đang rất ngổn ngang, người dân chưa dám trở về nhà.

Trong lúc chạy lũ, vấp phải mảnh sành, chân bị cứa chảy máu, rồi ngồi cả ngày trời chờ đợi trong mệt mỏi đến tận 23h khuya, ông Tiến vẫn chưa thể về nhà xem đồ đạc, tài sản như thế nào.

“Vẫn còn một đoạn xa nữa mới đến nhà tôi, phải chờ thôi, chưa về được đâu. Các lực lượng chức năng cũng rất nỗ lực rồi, cả một quả đồi to đùng sạt xuống thì làm sao cho nhanh được.

Trời vẫn đang mưa, đêm nay người dân Kỳ Sơn lại một đêm không ngủ”, ông Tiến nói.

Sau khi trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả lũ quét, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu huyện Kỳ Sơn phải huy động tối đa lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn. Tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói và gia tăng thiệt hại về người và tài sản...

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh huy động khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ có mặt gấp tại Kỳ Sơn để hỗ trợ địa phương sơ tán người dân và dọn dẹp sau lũ. Đồng thời đề nghị các ban, ngành cấp tỉnh cũng có những hỗ trợ cần thiết một cách kịp thời để hỗ trợ cho chính quyền và người dân Kỳ Sơn khắc phục hậu quả, giải quyết những khó khăn trước mắt. Nhất là huy động máy móc, nhân lực để khắc phục hậu quả trước mắt...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.