Thị trường

Lựa chọn nhà đầu tư điện gió ngoài khơi: Kiến nghị UBND tỉnh được tham gia

10/08/2022, 08:29

Để lựa chọn đơn vị khảo sát điện gió ngoài khơi các nhà đầu tư kiến nghị, UBND tỉnh được tham gia phê duyệt dự án...

Vướng mắc cho cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đề ra mục tiêu phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) đến năm 2030, trong đó 4 GW ở phía Bắc và 3 GW ở phía Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi để Việt Nam phát triển ĐGNK như có vùng biển rộng, nhiều khu vực biển có tiềm năng phát triển điện gió cao với tốc độ gió tốt và đáy biển nông, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cho cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư.

img

Việc xin cấp phép khảo sát ngoài khơi cho dự án điện gió còn gặp nhiều trở ngại

Chẳng hạn như, khả năng (và thời gian) để nâng cấp hệ thống lưới điện, khung pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc cấp phép khảo sát ĐGNK hầu như chưa có;

Bên cạnh đó, quy định về cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án nguồn điện vẫn chưa được hoàn thiện; Hay các hợp đồng mua bán điện (PPA) vẫn thiếu khả năng vay vốn quốc tế và nhiều yếu tố khác...

“Đây là các yếu tố kìm hãm các nguồn đầu tư cần thiết vào thời điểm hiện nay, để đạt được các mục tiêu trong QHĐ 8 và đóng góp cho cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050”, ông Stuart Livesey, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Dự án Điện gió La Gan, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam bày tỏ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Stuart Livesey cho rằng, ngay từ bước khởi đầu, trong việc xin cấp phép khảo sát ngoài khơi cho dự án cũng đã gặp nhiều trở ngại, trong đó, phần lớn do các quy định hiện tại chưa phù hợp để đáp ứng ngành công nghiệp mới này.

Theo ông Stuart Livesey, ở hoạt động khảo sát, việc “giao thoa, chồng lấn” liên quan đến đặc quyền khảo sát cần làm rõ hơn.

Bởi lẽ, nhiều tín hiệu cho thấy, có khả năng cho phép nhiều đơn vị phát triển dự án cùng thực hiện khảo sát ĐGNK trên cùng một khu vực biển, theo dự thảo sửa đổi Nghị định 11, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9/2022.

Theo kinh nghiệm quốc tế, hầu hết Chính phủ các nước đã phát triển thành công ngành ĐGNK chỉ cho phép một nhà đầu tư thực hiện các hoạt động khảo sát ngoài khơi tại một khu vực nhất định và trong một khoảng thời gian cụ thể.

“Điều này để đảm bảo những cam kết dài hạn, nghiêm túc từ phía các nhà đầu tư dự án có năng lực”, ông Stuart Livesey nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ các nhà đầu tư cho thấy, việc khảo sát ĐGNK phải mất 2- 3 năm, sau đó là khâu thiết kế, lựa chọn nhà thầu, chế tạo; lắp đặt mất khoảng 4-5 năm...trước khi dự án được đưa vào vận hành. Một dự án ĐGNK mất trung bình khoảng 8 năm, trong điều kiện có cơ chế ổn định, rõ ràng và sự phát triển của thị trường ở quốc gia đó, ví dụ: Các nhà cung cấp và đơn vị xây dựng có kinh nghiệm, các cảng và cơ sở hạ tầng khác phù hợp,...

Do đó, để đạt được mục tiêu phát triển ĐGNK vào năm 2030, thì khung pháp lý cần thiết phải được ban hành trong vòng 1 năm tới. Nếu không thì các mục tiêu về ĐGNK có thể sẽ không thực hiện được.

Kiến nghị UBND các tỉnh được tham gia phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư

Để lựa chọn nhà đầu tư khảo sát ĐGNK, ông Stuart Livesey kiến nghị, các công văn của UBND tỉnh đề xuất đưa dự án ĐGNK vào QHĐ 8, nên được coi là một cấu phần của hồ sơ xin chấp thuận thực hiện khảo sát ĐGNK.

“Sự ủng hộ của chính quyền tỉnh cho thấy khả năng và cam kết của nhà đầu tư sau giai đoạn xin ý kiến và đánh giá của các cơ quan chức năng tại địa phương và trung ương về những đặc điểm tại khu vực khảo sát dự án”, theo ông Stuart Livesey.

img

Ông Stuart Livesey, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Dự án Điện gió La Gan, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam

Được biết, giai đoạn xin ý kiến ban đầu bao gồm, việc thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất phương án đấu nối lưới điện phù hợp.

Tương tự, ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Orsted cũng kiến nghị, UBND các tỉnh cần được tham gia vào quá trình phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, thư chấp thuận cho nhà đầu tư phát triển dự án của UBND tỉnh cần là một tiêu chí sơ tuyển.

“Các địa phương đóng vai trò tuyển chọn ban đầu và rất hiệu quả trong công tác tránh chồng lấn khảo sát khai thác trên cùng một khu vực”, đại diện Orsted nêu quan điểm.

Về vấn đề này, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, ở đa số quốc gia phát triển, chính phủ các nước bố trí nguồn lực để thực hiện khảo sát, bên cạnh đó còn tổ chức đấu thầu khu vực biển để nhà phát triển dự án tổ chức nghiên cứu, khảo sát ĐGNK.

“Cách tiếp cận này cũng cần được quan tâm nghiên cứu khả năng áp dụng ở Việt Nam”, ông Hùng bày tỏ.

Song, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho rằng, để có cơ sở tổ chức khảo sát ĐGNK một cách hiệu quả và bài bản, cần có căn cứ như quy hoạch không gian biển, trong đó có phân vùng khu vực biển cho phát triển điện gió, đặc biệt là ĐGNK...

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phòng hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, tại khu vực Bắc Bộ (Quảng Ninh tới Quảng Trị) có 22 dự án được nhà đầu tư đăng ký, tổng công suất đặt khoảng 51,65 GW.

Còn tại khu vực miền Trung và Nam Bộ, cũng có 74 dự án điện gió ngoài khơi "xếp gạch", tổng công suất đặt 104,6 GW.

Như vậy, tổng công suất đặt của ĐGNK đã đăng ký vào QHĐ 8 là hơn 156 GW, gấp nhiều lần so với mục tiêu 7 GW đến năm 2030.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.