Chuyện dọc đường

Luận bàn nhận hối lộ tiền tỷ thoát án tử

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ Việt Á, đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Trong số này, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 51 tỷ đồng) từ Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á. Nhiều cán bộ khác cũng sẽ phải đứng trước bục bị cáo về cùng tội danh này.

Trước đó, họ đều là những người giữ những cương vị quan trọng tại nhiều cơ quan, đơn vị có vai trò cốt yếu trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 đầy cam go.

Luận bàn nhận hối lộ tiền tỷ thoát án tử - Ảnh 1.

Liên quan vụ thổi giá kit test Việt Á, đến nay cơ quan điều tra đã hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó có Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, với hành vi nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Sở dĩ pháp luật đưa ra chế tài nghiêm khắc đối với hành vi nhận hối lộ vì chủ thể của tội này là những người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hành vi phạm tội không những thể hiện sự suy thoái phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên, tiếp tay cho tiêu cực mà còn làm giảm sút niềm tin của người dân đối với bộ máy công quyền.

Việc đưa ra khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội hối lộ nhằm tạo ra sự răn đe đủ mạnh, có tác dụng phòng ngừa, hạn chế những hành vi tương tự tái diễn.

Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người đó.

Đã có không ít cựu quan chức, cán bộ thoát án tử vào phút chót nhờ khắc phục số tiền đã tham ô hoặc nhận hối lộ. Mới đây nhất là trường hợp bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế. Khi bị đề nghị án tử hình, bị cáo mới cuống cuồng thúc giục gia đình nộp lại hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả để được tuyên án chung thân.

Cũng trong vụ chuyến bay giải cứu, ngoài 2 bị cáo lĩnh án chung thân (sau khi đã nộp khắc phục hậu quả), có nhiều bị cáo khác nhận hối lộ từ 4-21 tỷ đồng nhận mức án từ 7-16 năm tù.

Tất cả các bị cáo nhận hối lộ tiền tỷ đều thoát án tử nhờ việc thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp cơ quan điều tra, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và nộp tiền khắc phục hậu quả.

Việc định tội, lượng hình trước khi đưa ra mức án cụ thể, chắc chắn cơ quan xét xử đã cân nhắc rất kỹ về nhiều mặt. Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải thấy rằng, vụ chuyến bay giải cứu hay vụ Việt Á là chưa từng có tiền lệ.

Các bị cáo phạm tội trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch, cả xã hội nói chung và hàng vạn chiến binh áo trắng trên tuyến đầu hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với biết bao rủi ro, nguy hiểm, thậm chí là đói ăn khát uống. Vậy nhưng chính những người có trách nhiệm lại sẵn sàng bán rẻ lương tâm, cố tình vi phạm pháp luật để nhận lại những đồng tiền bất chính.

Bởi thế, hành vi nhận hối lộ ở những vụ án này dường như không thể coi giống như nhận hối lộ trong những vụ án kinh tế, lợi dụng chức vụ đơn thuần. Bởi ngoài vấn đề vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nó còn vượt khỏi ranh giới của đạo đức, lương tâm con người.

Việc nộp lại tiền tham ô, nhận hối lộ thì không bị tử hình thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, liệu điều này có khiến người nào đó có chức vụ quyền hạn sẵn sàng đánh đổi?

Bởi nếu không may bị phát hiện, điều tra, khi ra tòa, họ chỉ cần nộp lại chính những gì đã tham ô, nhận hối lộ là có thể thoát án tử. 

Thực tế, không ít bị cáo là cựu quan chức cũng chỉ phải nhận mức án vài năm tù sau khi nộp lại hàng tỷ đồng đã nhận hối lộ. Vậy thì tính răn đe ở đây nên được nhìn nhận thế nào?

Trong bối cảnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng được đẩy mạnh, niềm tin của nhân dân ngày càng được củng cố, nên chăng với những vụ án chưa từng có tiền lệ, việc lượng hình cần xem xét đến cả hoàn cảnh phạm tội, chứ không chỉ căn cứ vào số tiền nhận hối lộ mà họ đã nộp lại.

Khi đó sẽ không một ai còn dám có ý định tham nhũng, nhận hối lộ nữa? Bởi chỉ nghĩ đến thôi họ cũng đã sợ rồi!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.