Thế giới

Luật an ninh Hồng Kông sẽ phá hủy quan hệ Trung - Nhật?

06/07/2020, 06:46

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục bế tắc vì đại dịch Covid-19 và sự kiện Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia với Hồng Kông.

img
Hai lãnh đạo Trung - Nhật không hề có bất cứ cuộc trao đổi nào từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ đến nay

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc mới ấm nóng trở lại sau thời gian dài nguội lạnh, thậm chí đến mức thù địch vì lịch sử chiến tranh và tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông, nay tiếp tục rơi vào bế tắc vì đại dịch Covid-19 và sự kiện Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia với Hồng Kông.

Chưa kịp “ấm” đã “bị dội nước lạnh”

Ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, mối quan hệ giữa Tokyo - Bắc Kinh rất khác. Một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại TP Thành Đô, phía Tây Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến Bắc Kinh trước, tham gia cuộc họp dài 45 phút, dự tiệc tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là cuộc gặp thứ 4 kể từ chuyến thăm chính thức của ông Abe tới Bắc Kinh vào tháng 10/2018. Ở đó, ông Tập khẳng định hai quốc gia cần phải “thúc đẩy phát triển quan hệ song phương theo đúng tinh thần “biến cạnh tranh thành hợp tác”, tạm thời gạt sang một bên những bất đồng về lãnh thổ.

Thời điểm đó, 2 bên đã phối hợp rất sát để tổ chức chuyến thăm nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản vào tháng 4/2020. Nếu được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Trung Quốc tới Tokyo từ năm 2008. Dự kiến có rất nhiều văn kiện chính trị quan trọng được công bố, đặt nền tảng cho quan hệ giữa hai quốc gia trong tương lai.

Song, chuyến thăm tháng 4 vừa qua lại bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19 và đến hiện tại, gần như chắc chắn sẽ không thể thực hiện trong năm nay.

Nhật Bản đang chọn lập trường cứng rắn bất thường về việc Bắc Kinh siết quản lý xã hội Hồng Kông. Khi được hỏi về lập trường này tại buổi họp báo thường kỳ, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga chỉ trích luật an ninh Hồng Kông là “rất đáng tiếc” - cụm từ mang ý nghĩa mạnh thứ 2 trong từ vựng về ngoại giao của Tokyo, chỉ sau từ “lên án” thường được dùng để chỉ trích những hoạt động phóng tên lửa từ Triều Tiên.

Tiếp đó, đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, người được kỳ vọng trở thành lãnh đạo tương lai của Nhật cảnh báo luật an ninh quốc gia gây tranh cãi của Trung Quốc với Hồng Kông sẽ “ảnh hưởng đáng kể” tới kế hoạch tổ chức chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo News.

Đã có rất nhiều Nghị sĩ, quan chức Nhật Bản, trong đó có các nhà làm luật Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Abe kêu gọi Tokyo hủy chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc. Lý do chính họ đưa ra là vì tình hình tại Hồng Kông. Trong một động thái khác kích thích ban lãnh đạo Trung Quốc thêm tức giận, Nhật Bản đã cùng nhóm 7 quốc gia ký vào tuyên bố chung hôm 17/6 bày tỏ “vô cùng quan ngại” về luật mới tại Hồng Kông.

Thái độ của Nhật đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh trong đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố: “Về những bình luận tiêu cực từ Nhật Bản liên quan tới vấn đề Hồng Kông, Trung Quốc đã trao công hàm phản đối với Nhật”.

“Một số người tại Nhật Bản đã quá quen kiểu bình luận vô trách nhiệm về quan hệ nội bộ của các nước khác và thổi phồng chính trị. Những “vở kịch” về chủ đề chống Trung Quốc của họ không có ý nghĩa gì với Bắc Kinh và chúng tôi không có thời gian cũng như quan tâm để xem”, nhà ngoại giao phản pháo.

Nguyên nhân là mất niềm tin

Giới quan sát chính trị cho rằng, những bình luận gần đây từ giới chức Nhật Bản nhấn mạnh thực tế rằng, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Nhật - Trung đã ăn sâu vào hai siêu cường trong khu vực Đông Á này.

“Dù có nhiều hy vọng, hoạt động hợp tác chống đại dịch sẽ giúp hai bên cải thiện quan hệ song phương nhưng thực tế trong lòng quan hệ Nhật - Trung vẫn có những dòng chảy mạnh, ngầm và âm ỉ”, ông Liu Jiangyong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh nhận định. Thậm chí, ông cảnh báo: “Một số khía cạnh trong lĩnh vực này đã trượt dài tới điểm nguy hiểm”.

Đại dịch Covid-19 khiến Nhật Bản phải hủy kế hoạch tổ chức Thế Vận Hội Tokyo 2020 sau 7 năm chuẩn bị và hàng tỷ USD tiền đầu tư. Đây là cú giáng mạnh đối với nền kinh tế đang khó khăn của nước này, chưa kể chính phủ ông Abe đang đối mặt tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.

Nhiều nhà phê bình trong nước đổ lỗi cho Thủ tướng Abe vì trì hoãn cấm khách du lịch Trung Quốc ngay từ hồi cuối tháng 1 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ ở giai đoạn đầu khiến Nhật Bản phải chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Ông Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia các vấn đề ngoại giao tại Đại học Temple, Tokyo, Nhật Bản cho biết, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc có lẽ vẫn tiếp tục trong vài tháng tới “ở mức tối thiểu”. “Đó là bởi cách Nhật - Trung tiếp cận để xây dựng quan hệ thời gian gần đây là dựa trên những cân nhắc thực dụng chứ chưa thực sự hội tụ quan điểm chung giữa hai nước, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông chưa bao giờ hạ nhiệt”, chuyên gia Hardy-Chartrand nói thêm.

Một dấu hiệu căng thẳng được nhắc đến là từ đại dịch Covid-19 đến nay lãnh đạo Trung - Nhật chưa có bất cứ cuộc điện đàm nào dù Nhật Bản có động thái hỗ trợ hào phóng bao gồm khẩu trang cùng các mặt hàng thiết yếu và nhận được những lời khen ngợi có cánh từ truyền thông Trung Quốc.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập lại thực hiện tới 3 cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và 2 cuộc gọi với Tổng thống Mỹ Donald Trump dù chủ yếu liên quan tới chiến thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.