Xã hội

Luật Bảo vệ môi trường phải hạn chế “nhóm lợi ích”

13/11/2020, 06:49

Người dân mong muốn không để các nhóm lợi ích có thể lợi dụng kẽ hở chính sách để phá rừng, xả thải ô nhiễm biển, sông, suối...

img
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi Hội thảo Tham vấn dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi tổ chức đầu năm 2020

Cứ dự án nào làm nóng nghị trường quốc hội hoặc được phản ánh nhiều trên báo chí, y rằng đều bị truy đánh giá tác động môi trường, từ thủy điện nhỏ, to đến nhà máy nhựa, sắt thép...

Nói vậy để thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) quan trọng thế nào.

Quan điểm của Kính cận tôi là ủng hộ tuyệt đối tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Không đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Nhưng muốn vậy phải dựa vào đâu? - Kính cận hỏi Kính viễn.

Kính viễn: Tất nhiên phải dựa vào Luật. Dư luận kỳ vọng rất nhiều vào Luật Bảo vệ Tài nguyên môi trường sửa đổi được trình Quốc hội thông qua kỳ này sẽ làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và cơ chế giám sát trực tiếp của dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Không để các nhóm lợi ích có thể lợi dụng kẽ hở chính sách để phá rừng, xả thải ô nhiễm biển, sông, suối.

Kính cận: Đúng vậy, quy định có mà chỉ chung chung thì Luật cũng chỉ là văn bản trên bàn giấy. Ví như dự thảo lần thứ bảy này quy định chủ dự án phải có trách nhiệm công khai ĐTM nhưng lúc nào phải công khai lại không nói. Dự án xong vài năm rồi mới đăng thì chủ dự án có sai không? Nếu không công khai thì chịu chế tài thế nào? Chưa rõ.

Kính viễn: Tôi lại cho rằng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng phải có trách nhiệm trong công khai báo cáo ĐTM, giải trình khi có ý kiến phản biện, không nên để tình trạng đến cơ quan báo chí muốn tiếp cận ĐTM cũng khó như vừa qua. Muốn để dân giám sát thì nên công khai cả thành viên hội đồng thẩm định ĐTM. Là chuyên gia - chịu trách nhiệm về phát ngôn và nhận định của mình có gì sai đâu mà cần giấu giếm.

Cũng nên sửa dự thảo, không để cơ quan có quyền quyết định dự án đầu tư lại tham gia thẩm định ĐTM.

Kính cận: Nói vậy để thấy, dư luận mong chờ rất nhiều ở lần sửa Luật Bảo vệ môi trường lần này. Nhiều vấn đề thiết thân trong cuộc sống như xử lý rác thải, hạn chế ô nhiễm không khí, chống phá rừng, xả thải ra sông suối sẽ được giải quyết nếu Luật bám sát thực tế, dễ thực thi, hiệu quả cao. Mong rằng, với Luật mới, muốn lách để bảo vệ lợi ích nhóm cũng khó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.