Thị trường

Luật dân chủ cơ sở có nên áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân?

03/11/2022, 19:01

Theo Tổng liên đoàn lao động VN, việc áp dự thảo luật dân chủ cơ sở ở DN nhà nước tốt hơn tư nhân, góp phần giải quyết việc trốn thuế, hàng giả.

Chưa hợp lý, gây áp lực cho khối tư nhân?

Dự thảo luật dân chủ cơ sở đang được Quốc hội lấy ý kiến, dự định thông qua ở kỳ họp lần này.

Một trong những nội dung được quan tâm là quy định các tổ chức lao động phải công khai thông tin như tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang bảng lương, quỹ khen thưởng, phúc lợi...

Và đề xuất lập Ban thanh tra nhân dân (3-9 người) nhằm kiểm tra, giám sát chấp hành chính sách pháp luật, thực hiện về dân chủ ở cơ sở.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Mạnh Hương (Lào Cai) cho rằng, yêu cầu phải công khai thông tin như tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang bảng lương, quỹ khen thưởng, phúc lợi... là vô lý.

img

Các doanh nghiệp tư nhân hầu hết không muốn công khai thông tin như tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang bảng lương, quỹ khen thưởng, phúc lợi...

Bởi theo ông, họ lập nên HTX bằng chính nguồn vốn của họ, không dùng vốn của nhà nước, nên quyền công khai là ở họ.

Vì lẽ đó, việc lập Ban thanh tra để giám sát cũng không phù hợp.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập bày tỏ, từ trước tới nay, giám sát hoạt động, thực thi chính sách pháp luật ở doanh nghiệp (DN) đã có tổ chức công đoàn.

Việc giám sát đó được quy định rõ trong Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn.

Do đó, theo ông Lâm, việc có thêm Luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với Ban thanh tra nhân dân sẽ làm chồng chéo luật, hoạt động của doanh nghiệp và tăng thêm áp lực cho DN.

Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, DN tư nhân thì họ có quyền quyết định việc quản trị DN của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Chưa kể đến việc, mỗi công ty có cách thức kinh doanh riêng, chiến lược riêng và bí mật kinh doanh hoạt động khác nhau và hầu như họ đều không muốn công khai điều đó.

Mặt khác, theo VASEP, bản thân DN tư nhân cũng đã phải tuân thủ công khai minh bạch theo Luật doanh nghiệp, Bộ luật lao động, Luật công đoàn, trong đó các yếu tố tuân thủ bảo vệ người lao động được ràng buộc bằng văn bản…

Nên áp dụng ở DN nhà nước

Đại diện VASEP cho rằng, luật này có thể quy định ở DN nhà nước vì có phần vốn nhà nước. Còn với tư nhân, Hiệp hội này kiến nghị cần xem xét lại.

Đồng tình quan điểm trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, Hiệp hội cũng đã có ý kiến về vấn đề trên.

Theo bà, dự thảo luật này không thể áp dụng cho DN tư nhân.

Còn nếu áp dụng cho DN tư nhân thì chỉ áp dụng ở mặt bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động như hiện tại Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đã có quy định dựa trên cơ chế giám sát, kiểm tra và thương lượng.

Phía Eurocham cũng cho rằng, dự thảo luật nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài.

Dẫn đến, tạo ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới cũng như có thể làm gián đoạn tiến trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu.

Về những góp ý trên, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng thừa nhận, qua khảo sát cho thấy, tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở tại DN nhà nước tốt hơn so với các DN khu vực còn lại.

Với nhận định sẽ gây chồng chéo trong vận hành DN, theo vị này, Điều 80 dự thảo quy định quyền năng của Ban thanh tra nhân dân rất khác luật hiện hành, không trùng lắp nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở.

Còn đối với việc công khai các thông tin DN và xác lập quyền của Ban thanh tra nhân dân, ông Hiểu cho hay, quy định ở dự thảo luật dân chủ cơ sở sẽ góp phần giải quyết các vụ việc với những vấn đề ngoài quyền và lợi ích của người lao động như DN trốn thuế, kinh doanh hàng giả...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.