Bất động sản

Luật Đất đai (sửa đổi): Không để trẻ em phải bốc thăm suất vào trường

15/03/2023, 08:59

TS Trần Xuân Lượng, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ ràng hơn với đất dành cho giáo dục.

Đất xây trường bỏ hoang, trẻ phải bốc thăm suất vào trường

Ngay đầu năm học 2022-2023 đã nóng lên câu chuyện trẻ em phải bốc thăm để được vào học tại Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo đó, phụ huynh học sinh phải trải qua quy trình bốc thăm 2 vòng. Phiếu vòng một là bốc thứ tự và quyền được vào bốc thăm vòng 2.

Ở vòng 2, phụ huynh sẽ dùng số thứ tự này để bốc thăm phiếu tuyển sinh. Nếu bốc được phiếu “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường” thì học sinh được đi học. Nếu phụ huynh bốc phải phiếu không trúng tuyến với nội dung “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường” thì phụ huynh phải chọn phương án khác.

img

Phụ huynh phường Hoàng Liệt bốc thăm để cho con được đi học đúng tuyến

Nguyên nhân của câu chuyện hi hữu này là do trường quá tải. Trả lời báo chí lúc bấy giờ, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, hiện nay điều kiện cơ sở vật chất của các trường không đồng đều. Vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp còn nhiều khó khăn, một số phường thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng vẫn không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh (HS) do dân số trên địa bàn quá đông.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói vậy, nhưng thực tế, hàng loạt ô đất xây trường trong các khu đô thị đang bỏ hoang hoặc quy hoạch vào những khu vực "xương", khó giải phóng mặt bằng.

Thống kê tại phường Hoàng Liệt, nơi học sinh phải bốc thăm đi học, hiện có 33 ô đất quy hoạch có chức năng trường học (mầm non 20, tiểu học 5, THCS 5, THPT 3) trong đó đã đầu tư 15, hiện còn 18 ô chưa được đầu tư xây dựng.

Còn tại quận Hà Đông, có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị: Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, Khu đô thị mới Phú Lương, Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Văn Khê. Tuy nhiên, đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Hiện tượng "bỏ rơi" trường học diễn ra tại nhiều khu đô thị như: Thành phố giao lưu, Bắc Từ Liêm; Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai; Vinaconex 3 Nam Từ Liêm...

img

Đất xây dựng trường học tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai) bỏ hoang

Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội được xây dựng nhiều trường học tư nhân. Nếu học phí trường công lập chỉ khoảng 300 nghìn đồng/tháng thì những trường này đều có mức giá "trên trời". Đơn của như trường Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (Nam Từ Liêm), học phí năm 2023-2024 được quảng cáo 63 - 67 triệu/năm tuỳ bậc. Nếu học hệ song ngữ, học phí 98 triệu/năm với tiểu học, trung học cơ sở là 100 triệu/năm. Đó là chưa tính các khoản khác như tiền ăn tiểu học 14 - 15 triệu/năm; tiền đồng phục, xe đưa đón, phí phát triển trước...

img

Bảng học phí đăng trên website của Trường Hà Nội Toronto

Hay như Trường Hà Nội Toronto, nằm đắc địa tại mặt đường Hoàng Minh Giám. Theo giới thiệu, trường cung cấp chương trình tích hợp và chương trình tích hợp toàn phần từ cấp tiểu học đến hết cấp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục nổi tiếng của bang Ontario, Canada. Học phí từ khoảng 348 triệu - 428 triệu/năm.

Cần đấu giá đất với trường học tư nhân cao cấp?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, TS Trần Xuân Lượng, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện nay xã hội hoá giáo dục là một trong những ngành nghề ưu đãi đầu tư, các chính sách ưu đãi như: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền sử dụng đất, thuế đất..., tất cả quy định khá rõ trong Luật Đầu tư 2020.

Điều 47 Luật Đất đai 2013 cũng quy định đất xây dựng giáo dục là một trong đất xây dựng công trình sự nghiệp. Khoản 5, Điều này cũng quy định: "Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường".

Tuy nhiên, quy định Luật Đất đai 2013 về đất giáo dục còn chung chung, không phân biệt trường công, trường tư, trường học phục vụ lợi ích đại đa số học sinh hay phục vụ thiểu số con em gia đình thu nhập cao. Lợi dụng "khe hở" này, nhiều nhà đầu tư đã tham gia xây dựng các trường cao cấp, thu học phí, lợi nhuận cao, trong khi đó, được ưu đãi nhiều chính sách dẫn đến nguồn thu ngân chưa tương xứng.

Cũng vì thiếu quy định rõ ràng về quy hoạch, quy định về trách nhiệm, tiến độ triển khai nên dẫn đến tình trạng ôm đất trường học rồi bỏ hoang. Những quy định chung chung này tiếp tục được kế thừa trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Do đó, ông Lượng cho rằng, cần có một chương riêng quy định về đất giáo dục, tương xứng với ý nghĩa quốc sách hàng đầu. Ưu tiên quy hoạch đất xây dựng trường học vào những vị trí thuận lợi, dễ giải phóng mặt bằng, không quy hoạch vào những chỗ "xương" như nhà dân, nghĩa trang...

Cần quy định, trong quá trình triển khai dự án, cần phát triển cơ sở hạ tầng, trường học trước một bước. Khi cư dân dọn đến có sẵn hạ tầng để sử dụng. Không để quá tải như hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng quy định giới hạn thời gian xây dựng trường học. Khi giao chủ đầu tư, giao đất, chủ đầu tư không thực hiện cần dứt điểm thu hồi, giao lại cho bên khác có năng lực, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần phân loại đối tượng ưu đãi về giao, cho thuê đất để phát triển trường học. Trường học công lập đầu tư bằng nguồn ngân sách, trường học vùng nông thôn, địa bàn vùng núi, khó khăn, dân tộc thiểu số... thì được ưu đãi. Những trường học tư nhân, phục vụ đối tượng thu nhập cao, thu học phí cao tại các khu vực đô thị thì nên tổ chức đấu giá, đấu thầu đất để có nguồn thu ngân sách tương xứng. Từ nguồn thu đó quay trở lại đầu tư hạ tầng, trường công.

"Ngay như việc phát triển 1 triệu nhà ở xã hội tới đây, trường học, bệnh viện... xây dựng, phát triển, vận hành như thế nào tôi cũng chưa thấy các cơ quan liên quan nhắc tới. Hay sử dụng đất sau khi các trường đại học, cơ sở đào tạo di dời như thế nào, có chuyển đổi mục đích thành nhà ở, chung cư như nền nhà máy, xí nghiệp hay không, hay sử dụng chúng vào mục đích gì...? Tất cả những cái đó cần nhận diện rõ trong Luật Đất đai (sửa đổi)", ông Lượng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.