Quản lý

Luật hóa hành vi vừa lái xe vừa nghe điện thoại để xử lý

27/11/2019, 06:44

Phương án sửa đổi Luật GTĐB tới đây đã đề xuất đưa hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô vào luật cấm khi tham gia giao thông.

img
Hình ảnh tài xế Vũ Ngọc Long, lái xe buýt tuyến Bắc Giang - Sơn Động sử dụng điện thoại khi đang lái xe ngày 29/9/2018 khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: B.G

Hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô bị cấm theo Công ước quốc tế về Giao thông đường bộ, nhưng tại Việt Nam hành vi này vẫn chưa bị cấm.

Dùng điện thoại, tai nạn xảy ra cao gấp 4 lần

Luật GTĐB 2008 không cấm người điều khiển ô tô sử dụng điện thoại mà chỉ cấm người đi xe máy. Trong khi đó, tình trạng vừa lái xe vừa nhắn tin hay gọi điện, lướt web… đã trở thành thói quen của không ít lái xe và đây chính là một trong những thói quen “chết người”.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Đại học Việt Đức cho biết, kết quả nghiên cứu khảo sát trên 210.000 người điều khiển phương tiện có sử dụng điện thoại tại 9 điểm thuộc TP HCM và Bình Dương cho thấy, nhóm sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cao nhất là lái xe tải chiếm 50%, lái xe con chiếm 39%, lái xe khách/xe buýt chiếm 37%, thấp nhất là người lái xe máy chiếm 8%.

“Nghiên cứu thực nghiệm trên sa hình ô tô cho thấy, việc sử dụng điện thoại khi lái xe xác suất xảy ra TNGT tăng gấp 4 lần so với trường hợp không sử dụng điện thoại. Việc sử dụng điện thoại sẽ gây ra những khó khăn tương tự như một người có nồng độ cồn 0,08% trong máu. Ngoài ra, người dùng điện thoại còn có nhiều khả năng gặp sự cố trên đường, đơn cử như đạp thắng chậm hơn 9%. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải nâng cao mức xử phạt hành chính, tăng tính răn đe”, TS. Vũ Anh Tuấn nhận định.

Theo GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT Hà Nội, dùng điện thoại khi lái xe sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, việc bị “mất” một tay do đang cầm điện thoại khiến người điều khiển phương tiện mất tập trung, khả năng xử lý khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng và dễ gây ra tai nạn.

Trong hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật GTĐB vừa được trình Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá, mặc dù khung pháp lý về quy tắc giao thông được quy định trong Luật tương đối đầy đủ và tiệm cận được với các quy tắc giao thông quốc tế. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, thực tế một số quy tắc như lùi xe, vượt xe, chuyển hướng hay các quy tắc liên quan đến ATGT như: Sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô, thắt dây an toàn đối với người lái xe, người ngồi trên xe ô tô, quy tắc giao thông trên đường cao tốc và trong hầm đường bộ đã tạo nên những tranh cãi pháp lý trong việc xác định chủ thể và hành vi vi phạm.

Bộ GTVT cho rằng, các tồn tại trên nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến hậu quả khó xác định được hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, gây lúng túng cho các cơ quan thực thi pháp luật, ảnh hưởng đến quá trình tố tụng cũng như quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế phòng ngừa rủi ro cho người tham gia giao thông.

Luật hóa nhiều quy tắc giao thông

Khi những quy tắc tham gia giao thông được luật hóa sẽ là căn cứ quan trọng để vừa tuyên truyền, giáo dục và xử lý vi phạm, đặc biệt cũng là căn cứ để xác định tỷ lệ lỗi, xác định chủ thể vi phạm là nguyên nhân gây ra các vụ TNGT để xử lý trách nhiệm phù hợp. Việc luật hóa những quy tắc này sẽ tạo bước đột phá trong đảm bảo ATGT. Những giải pháp về hạ tầng thường rất đắt đỏ nhưng những giải pháp tác động vào hành vi tham giao thông thực tế cho thấy rất hiệu quả. Thế giới đã tổng kết, nếu thực hiện tốt cả 7 giải pháp liên quan đến những hành vi nguy hiểm nhất của người tham gia giao thông chắc chắn sẽ giảm được 30 - 40% số người chết vì TNGT.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT Hà Nội


Với mục tiêu xác định rõ các hành vi vi phạm quy tắc giao thông và tạo cơ chế phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người tham gia giao thông, trong dự thảo sửa đổi Luật GTĐB 2008 trình Chính phủ mới đây, Bộ GTVT đề xuất 3 phương án.

Phương án 1, giữ nguyên các quy tắc giao thông về lùi xe, vượt xe, chuyển hướng, quy tắc giao thông dành cho phương tiện ưu tiên khi thực hiện nhiệm vụ, người lái xe, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn, quy tắc giao thông trên đường cao tốc và trong hầm đường bộ như quy định hiện hành.

Phương án 2, được Bộ GTVT đề xuất là sửa đổi các quy tắc giao thông như: Lùi xe, vượt xe, chuyển hướng quy tắc giao thông dành cho phương tiện ưu tiên khi thực hiện nhiệm vụ, quy tắc giao thông trên đường cao tốc và trong hầm đường bộ; bổ sung quy định về việc không sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô, thắt dây an toàn đối với người lái xe, người ngồi trên xe ô tô có trang bị dây an toàn.

Phương án 3, được đề xuất là quy định rõ trách nhiệm thực thi, giám sát các quy tắc giao thông, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc tổ chức, điều hành, giám sát, phòng ngừa vi phạm pháp luật về GTĐB.

Đánh giá từng phương án, Bộ GTVT cho rằng, nếu theo phương án 1 sẽ bị lúng túng khi xác định chủ thể, hành vi vi phạm quy tắc giao thông đối với các hành vi nêu trên. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro khi tham gia giao thông.

Đối với phương án 2, Bộ GTVT đánh giá cơ quan quản lý sẽ có công cụ điều chỉnh thống nhất, rõ ràng đối với các hành vi tham gia giao thông như lùi xe, vượt xe, chuyển hướng xe, các quy tắc giao thông trên đường cao tốc, hầm đường bộ, các quy tắc giao thông cho xe được quyền ưu tiên, quy tắc không sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô, quy tắc thắt dây an toàn đối với người lái xe, người ngồi trên xe ô tô có trang bị dây an toàn.

“Phương án này sẽ góp phần đảm bảo ATGT, giảm thiểu TNGT. Đồng thời, tuân thủ Công ước Viên 1968 về GTĐB và biển báo, tín hiệu đường bộ. Người dân tham gia giao thông an toàn, thuận lợi hơn khi các quy tắc giao thông được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tế”, Bộ GTVT cho biết.

Với phương án 3, Bộ GTVT đánh giá sẽ có cơ chế để thực thi, giám sát các quy tắc giao thông tốt hơn. Việc tổ chức, điều hành, giám sát, phòng ngừa vi phạm giao thông hiệu quả hơn, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Người dân được an toàn, doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cung cấp giải pháp công nghệ cho điều hành, giám sát, phòng ngừa vi phạm quy tắc giao thông.

Từ những phân tích, so sánh tác động của từng giải pháp, Bộ GTVT cho rằng, giải pháp tối ưu là lựa chọn đồng thời phương án 2 và phương án 3 do những tác động tích cực của các giải pháp đem lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.