Quản lý

Luật hóa xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải

09/10/2017, 06:42

Nguồn kinh phí chuẩn bị đầu tư, giám sát dự án XH hóa nạo vét luồng hàng hải là vấn đề được đặt ra...

4

Nguồn kinh phí chuẩn bị đầu tư và giám sát dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải là vấn đề được đặt ra (Trong ảnh: Nạo vét luồng hàng hải trên một tuyến sông phía Nam)

Hàng loạt dự án bị dừng, chấm dứt hợp đồng

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án nạo vét luồng trên sông Soài Rạp tại phía Nam, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư tạm dừng dự án để rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy mô, phạm vi thực hiện dự án và khối lượng vật liệu nạo vét. Nguyên nhân do dự án có biểu hiện thi công không đúng phạm vi dự án và phương án được chấp thuận, số lượng phương tiện thi công nạo vét, vận chuyển thực tế nhiều hơn đăng ký.

Trong khi đó, dự án khác trên sông Đồng Nai bị Thanh tra Bộ GTVT phát hiện có biểu hiện chỉ tập trung thi công ở những chỗ sâu, còn dải cạn trên luồng lại “để đó” cho thấy, nhà đầu tư đặt mục tiêu tận thu cát thay vì phải ưu tiên khơi thông luồng. Một thành viên của Đoàn kiểm tra cho biết, một số nhà đầu tư cam kết một đằng nhưng khi thực hiện lại một nẻo nên luôn tiềm ẩn những vi phạm. “Khi thị trường suôn sẻ, họ thi công rồi bán cát ngay tại dự án, còn khi không có người mua, họ nêu đủ lý do để thi công chậm trễ”, vị này nói.

Cục Hàng hải VN cho biết, các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải bắt đầu được triển khai từ năm 2014 theo cơ chế thí điểm được quy định tại Quyết định 73 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên tắc thí điểm là đấu thầu rộng rãi theo hợp đồng trọn gói hoặc hình thức phù hợp khác để bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư; nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về nguồn vốn và hiệu quả đầu tư.

Từ khi triển khai đến nay, toàn quốc chỉ có 5 dự án đang thi công, nhưng có đến 6 dự án phải tạm dừng để hoàn thiện các thủ tục và 1 dự án phải thanh lý hợp đồng, 1 dự án bị chấm dứt do có nhiều vi phạm. Theo Cục Hàng hải VN, có trường hợp nhà đầu tư sau khi bị dừng dự án do có nhiều vi phạm về nghĩa vụ, chậm tiến độ... liên tục gửi đơn khiếu nại, yêu cầu tiếp tục được thực hiện dự án. Ngoài ra, còn hơn chục dự án đã hoàn thành hồ sơ đề xuất và chờ ý kiến của các bộ ngành, địa phương liên quan.

Chặn nhà đầu tư tự “vẽ” dự án

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hình thức xã hội hóa đầu tư, nạo vét luồng hàng hải, Cục Hàng hải VN hiện đang xây dựng dự thảo nghị định quản lý hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước thủy nội địa. Dự thảo quy định 3 hình thức đầu tư nạo vét, duy tu luồng hàng hải gồm: từ vốn ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa và từ các nguồn vốn khác. Trong đó, việc luật hóa để áp dụng vào thực tiễn đối với hình thức xã hội hóa đầu tư đặt ra nhiều khó khăn, trở ngại nhất.

Cụ thể, dự thảo quy định tất cả các dự án xã hội hóa sẽ do cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải lập danh sách dự án, kêu gọi đầu tư và tổ chức đấu thầu rộng rãi. Điều này nhằm ngăn chuyện nhà đầu tư tự “vẽ” dự án để khai thác cát hoặc hợp thức hóa nguồn cát, vật liệu được khai thác trái phép từ khu vực khác. Bên cạnh đó, khâu giám sát thực hiện được cụ thể hóa bằng quy định giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với dự án, bằng thiết bị giám sát tự động (giám sát hành trình, camera)...

Cục Hàng hải VN và Đường thủy nội địa VN đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý hoạt động nạo vét, duy tu trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa để tránh việc chồng chéo trong quản lý. Cùng đó, Cục Hàng hải VN cũng xây dựng quy trình nạo vét, quản lý giám sát các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách, trong đó có các điều kiện cụ thể về phương tiện, nhân lực, bảo đảm môi trường...

Những quy định trên sẽ giúp minh bạch hóa quy trình lựa chọn nhà đầu tư, giám sát dự án, tuy vậy thực tiễn cũng sẽ nảy sinh một số vấn đề có thể gây khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn. Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT), việc giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được quy định tại Điều 47 Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, tuy nhiên lại không đề cập đến nguồn kinh phí ở đâu.

“Việc giám sát dự án được thực hiện theo 2 phương án là nhà đầu tư tự giám sát và cơ quan Nhà nước giám sát, nhưng khó khăn là tiền ở đâu để thực hiện giám sát”, ông Trần Văn Trường, Phó chánh thanh tra Bộ GTVT nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, giám sát từ xa được thực hiện bằng hệ thống giám sát tự động AIS trên phương tiện thi công, vận chuyển sẽ mang lại hiệu quả, nhưng khó khăn thực tế là nhiều khu vực luồng tuyến hàng hải chưa có trạm AIS nên không thể thu, phát tín hiệu đến phương tiện.

Liên quan đến đấu thầu, một số ý kiến cho rằng, việc xác định các tiêu chí trúng thầu cũng là vấn đề được đặt ra. Bởi lẽ, chỉ riêng việc lấy tiêu chí nộp tiền nhiều nhất cho ngân sách nhà nước cũng không đơn giản. Lý do các dự án khi được kêu gọi đầu tư mới chỉ khảo sát sơ bộ, khó định lượng được tỷ lệ vật liệu nạo vét là cát hoặc bùn, đất để lên phương án tài chính.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thịnh cho rằng: “Việc đấu thầu các dự án sẽ tạo được minh bạch, nhưng nhà đầu tư chỉ dám tham gia nếu có đầy đủ thông tin về dự án. Trường hợp chỉ có thông tin sơ bộ, không rõ khả năng có lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ nghi ngại”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.