Điều tra

“Luật ngầm" cửa khẩu: Giải tán đội ngũ “tài bo”, mở rộng điều tra vụ án

25/01/2022, 18:37

Đơn vị chức năng giải tán đội ngũ “tài bo”, đồng thời mở rộng điều tra vụ án “làm luật”, mua bán lốt xe xuất hàng qua biên giới Lạng Sơn.

Chiều 25/1, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn tổ chức họp báo thông tin tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa và kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

img

Quang cảnh buổi họp báo.

Giao doanh nghiệp tuyển lái xe chuyên trách

Đại diện Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, trước yêu cầu xuất khẩu hàng hóa với Trung Quốc, từ tháng 4/2020, đơn vị đã thành lập đội ngũ lái xe chuyên trách (“tài bo” – PV) tại các cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh.

Trong đó, số “tài bo” tại cửa khẩu Tân Thanh là 217 người, tại cửa khẩu Hữu Nghị là 94 người (trước đây là hơn 300 người).

Theo đại diện Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng để cấu kết, trục lợi.

Đến nay, đội ngũ “tài bo” tại Cửa khẩu Tân Thanh đã giải thể và Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên được giao tự tuyển dụng, điều hành, bắt đầu từ ngày 25/1.

Còn tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương đang phối hợp để xây dựng phương án, trình UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành quyết định giao đội ngũ này cho Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương quản lý toàn diện trong thời gian sắp tới.

Theo điều tra của Báo Giao thông, “tài bo” là cách gọi lực lượng lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu. Những người này được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ bãi thông quan đến cột mốc giao cho lái xe Trung Quốc.

Họ có thể là lao động tự do, là người địa phương được các ban quản lý cửa khẩu tuyển dụng, cấp thẻ lái xe.

Tuy nhiên, hoạt động của các “tài bo” phụ thuộc hoàn toàn vào các “nhà luật” (một dạng cò thủ tục hành chính) tại cửa khẩu.

Họ có được thuê chở hàng hay không, trả công bao nhiêu là tuỳ thuộc vào các “nhà luật”. Bởi chỉ “nhà luật” mới biết được các xe nào đi/về cửa khẩu, khi nào chuẩn bị được thông quan.

Đáng chú ý, trong số những khoản “nhà luật” yêu cầu lái xe, đơn vị vận tải chở hàng xuất khẩu qua biên giới phải thanh toán, có một khoản gọi là tiền “tài bo”. Khoản này có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nếu các tài xế, nhà xe không chi tiền sẽ bị giữ xe, giữ giấy tờ. Đây là khoản thu khiến các tài xế, chủ xe cực kỳ bức xúc.

img

Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cung cấp thông tin tại buổi họp báo.

Không có “nhà luật” tại cửa khẩu?

Cũng tại buổi họp báo chiều 25/1, khi đề cập đến các “nhà luật”, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, “nhà luật” là cách gọi của các lái xe.

“Trên thực tế họ đều được chủ hàng cử đến thực hiện thủ tục hải quan với danh nghĩa là nhân viên của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, có giấy giới thiệu, giấy ủy quyền.

Theo Luật Lao động, họ có thể làm việc cho bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp nào, có thể có trường hợp 1 người đến, đại diện cho nhiều doanh nghiệp khác nhau để thực hiện thủ tục.

Cơ quan hải quan không có quyền kiểm tra, không có chế tài nào để xử lý những trường hợp này”, ông Vượng nói.

Trong khi đó, theo điều tra của PV Báo Giao thông, theo quy định, tại các cửa khẩu biên giới, các tài xế chở hàng phải ăn, nghỉ trên xe hoặc đến khu cách ly tập trung tại cửa khẩu để phòng, chống dịch.

Chủ xe, chủ hàng cũng không thể đến tận nơi để hoàn thiện thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Vì thế, việc xuất khẩu nhanh hay chậm đều trông chờ vào các “nhà luật”.

Lợi dụng việc thông quan khó khăn hơn so với trước đây, khoản tiền “làm luật” đã bị các “nhà luật” đẩy từ mức 6- 8 triệu đồng (như thường lệ) lên tới vài chục triệu đồng. Các lái xe, chủ xe không còn cách nào khác là buộc phải chấp nhận.

img

Đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cung cấp thông tin tại buổi họp báo

Làm rõ phương thức bán lốt xe

Thông tin về vụ án mua bán lốt xe xuất khẩu nông sản như loạt bài điều tra đã đăng trên Báo Giao thông, đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, phương thức mua bán lốt xe đã được làm rõ.

Theo đó, các đối tượng lợi dụng xe không (không chở hàng hoá- PV), xe quay đầu để thay thế vị trí xếp lốt nhằm được sớm làm thủ tục thông quan, lên cửa khẩu.

“Khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm vụ việc này. Theo đó, đã có 6 bị can bị khởi tố về tội danh “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.

Hiện, Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn đang tiếp tục mở rộng để điều tra, xử lý các đối tượng liên quan. Quan điểm là không có vùng cấm, không bao che, dung túng. Thực tế đã có 3 cán bộ đang công tác tại các cơ quan, lực lượng chức năng tại Lạng Sơn đã bị khởi tố”, đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn nói và cho biết, việc “nhà luật” chèn ép tài xế, nhà xe tại cửa khẩu là vấn đề xảy ra tại khu vực do lực lượng biên phòng, hải quan quản lý.

Công an tỉnh Lạng Sơn chưa nhận được thông tin trình báo hay đơn thư tố giác liên quan về vụ việc này. Đến nay, cũng chưa có lái xe, đơn vị vận tải nào đến Công an tỉnh Lạng Sơn trình báo về việc này.

Tình trạng ùn ứ có thể tiếp diễn

Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, thực tế năng lực thông quan qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn cao nhất chỉ đạt khoảng 1.300-1.500 phương tiện (tương đương khoảng 26.000- 30.000 tấn hàng hóa)/ngày.

Trong đó, hàng hóa là hoa quả, nông sản của Việt Nam xuất khẩu khoảng 400 – 600 xe/ngày.

Tuy nhiên, từ ngày 25/11/2021, phía Trung Quốc siết chặt hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa khiến năng lực thông quan giảm mạnh. Hàng nông sản chỉ xuất được từ 50- 100 xe/ngày.

Tình trạng này đã khiến cửa khẩu bị ùn ứ, ách tắc, cao điểm lên đến 5.000 xe tồn, chờ xuất khẩu.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ còn có Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng đang duy trì hoạt động thông quan bình thường.

Cửa khẩu chính Chi Ma và Cửa khẩu Tân Thanh đã khôi phục trở lại, tuy nhiên năng lực thông quan rất thấp; từ ngày 17/1/2022 đến nay, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chỉ có 90-100 xe/ngày.

Dự báo thời gian tới, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch cùng với việc áp dụng các quy định, chính sách mới liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hoá nhập khẩu.

Sau Tết Nguyên đán các mặt hàng nông sản phía Nam tiếp tục vào vụ thu hoạch nên tình hình xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả sẽ tiếp tục tiếp diễn.

Do vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn sẽ đẩy mạnh triển khai cửa khẩu số để ngăn chặn tiêu cực xảy ra, đồng bộ giải pháp nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu.

Khởi tố, bắt giam 6 đối tượng

Từ ngày 12/1 đến nay, Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra “Chi tiền “luật ngầm” mới được xuất hàng qua cửa khẩu”, phản ánh việc mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn ngoài việc tài xế phải chi hàng chục triệu đồng để “làm luật”, chủ hàng muốn được thông quan nhanh còn phải chi 200 - 300 triệu đồng để mua “lốt” xe.

Sau khi loạt bài được Báo Giao thông đăng tải, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn vào cuộc.

Đến ngày 14/1, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt giam 2 cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc để điều tra về tội “Nhận hối lộ” là Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992); khởi tố, bắt giam Đình Văn Thìn (SN 1979, trú TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về tội “Đưa hối lộ”.

Thìn đã làm giá với các chủ hàng, thu mỗi xe từ 200 - 300 triệu đồng để cho vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu thông quan. Mỗi xe trót lọt như vậy, Thìn phải đưa cho các cán bộ trên 50 triệu đồng. Bước đầu Thìn khai đã đưa cho các cán bộ trên 800 triệu đồng.

Đến ngày 21/1, Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố thêm 2 đối tượng về tội “Đưa hối lộ” gồm: Lê Đức Quỳnh (SN 1978, trú TP Lạng Sơn); Ngô Xuân Trường (SN 1983, cán bộ Hải quan tỉnh Lạng Sơn) và Phạm Văn Hoàn (SN 1969, nguyên là cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn) về tội “Đưa hối lộ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.