An ninh hình sự

"Luật ngầm" cửa khẩu: Nhà xe điêu đứng vì sập bẫy chủ hàng và “nhà luật”?

19/07/2022, 11:38

Đang có khoảng 200 nhà xe bị giữ xe tại Trung Quốc để đòi tiền chuộc. Nhà xe nghi ngờ đây là "bẫy" được chủ hàng và "nhà luật" giăng ra.

Không chỉ bị giữ giấy tờ xe để ép đưa tiền luật cao, ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn còn thường xuyên xảy ra tình trạng chủ hàng và “nhà luật” lấy lý do hàng thối, hỏng để giữ xe đòi tiền chuộc.

Tình trạng này khiến nhiều đơn vị vận tải điêu đứng.

img

Tin nhắn khẳng định giữ xe, yêu cầu đưa tiền phạt hàng hỏng mới trả xe được cho là của bà Triệu Thị Hương gửi cho chị Cao Thị Như Ý

Điêu đứng vì bị giữ xe, ép trả tiền chuộc

Phản ánh với PV Báo Giao thông, chị Cao Thị Như Ý, trú tại xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Ngày 13/4, chị cho tài xế là Huỳnh Thái Lộc ký hợp đồng với bà Triệu Thị Hương, trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Hai bên thỏa thuận vận chuyển xoài từ Đồng Nai đến cửa khẩu quốc Hữu Nghị. Hai bên đã thỏa thuận không phải đưa hàng sang Trung Quốc, giá cước 80 triệu đồng. Người nhận hàng tại cửa khẩu Hữu Nghị là bà Nguyễn Thị Hoa, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên”.

Theo chị Như Ý, sau 3 ngày vận chuyển, xe đến cửa khẩu Hữu Nghị đúng hẹn nhưng lấy lý do không còn xe vận chuyển sang Trung Quốc, những người trên yêu cầu “xếp lốt” vận chuyển sang biên giới và hứa trả thêm 33 triệu đồng tiền cước, cho ứng trước 10 triệu đồng.

Chủ xe không phải chịu chi phí phát sinh mà còn được hưởng 2 triệu đồng tiền lưu ca/ngày khi xe ở Trung Quốc.

Đến ngày 30/4, sau khoảng 20 ngày bốc xếp, vận chuyển, chờ xuất hàng, khi xe vừa qua Trung Quốc, 2 người trên đã thông báo xoài trên xe bị thối, hỏng và nói sẽ không trả số tiền cước còn lại và yêu cầu phải chuyển 125 triệu đồng tiền phạt thì mới trả moóc xe về Việt Nam.

img

Các xe chờ thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn

Chị Cao Thị Như Ý khẳng định: “Ngay từ đầu, bà Hoa và bà Hương đã có ý định đưa tôi vào thế khó để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, 2 người này đến Đồng Nai mua xoài xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thời điểm này là xoài cuối vụ, có nhiều nguy cơ bị ruồi vàng châm, dễ thối, hỏng nên giá rẻ, rất ít người đóng hàng xuất khẩu. Họ đã vận động tôi vận chuyển với cam kết nhận hàng tại Lạng Sơn, không phải qua Trung Quốc nên tôi đã đồng ý”.

Một điều nữa, khi xe đến cửa khẩu Hữu Nghị, bà Hoa lại nói với chị Ý là đã mua “lốt xe” số 1.734 để xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng do lái xe của chị Ý cho xe ra muộn giờ nên không đi được khiến bà ta lỗ 90 triệu vì mua “lốt” xe này.

Để thuyết phục chị Ý qua Trung Quốc trả hàng, bà Hoa khẳng định: “Cứ xếp tài cho xe đi Trung Quốc, chỉ cần chạy đúng độ lạnh yêu cầu, vấn đề hàng thối, hỏng thì chủ hàng sẽ chịu hết. Hỏng hàng thì chủ hàng chịu và mất tiền chứ bên vận tải không phải lo”.

Lời khẳng định trên đã được chị Ý ghi âm trong cuộc điện thoại thỏa thuận trước khi xuất khẩu. Tuy vậy, sau đó những người trên vẫn phủ nhận, cho rằng hàng thối, hỏng là lỗi của người vận chuyển nên yêu cầu phải trả tiền phạt để chuộc xe.

“Ngay sau sự việc trên, tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của những người trên đến Công an huyện Cao Lộc, Công an tỉnh Lạng Sơn và lực lượng biên phòng, đề nghị xử lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, gần 3 tháng nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Những ngày gần đây, tôi nhận được điện thoại của người phụ nữ tên Mai, xưng là người làm luật cho xe qua Trung Quốc và nói: Lúc đầu xe hàng này được chủ hàng Việt Nam yêu cầu giữ lại để phạt tiền vì hàng hỏng.

Đến nay, đã gần 3 tháng mà không thấy xử lý gì, riêng tiền đỗ tại bến bãi đã hơn 30 triệu đồng rồi. Người này thông báo, sau 3 tháng, chủ bãi Trung Quốc sẽ tháo, bán moóc xe này khiến tôi rất lo lắng”, chị Cao Thị Như Ý nói.

Hơn 200 xe bị giữ đòi tiền chuộc

img

Hình ảnh chị Cao Thị Như Ý cho rằng xe xoài chạy đủ độ lạnh trước khi xuất hàng sang Trung Quốc

Để rộng đường dư luận, PV Báo Giao thông đã liên hệ với bà Triệu Thị Hương và Nguyễn Thị Hoa để làm rõ.

Qua điện thoại, những người này cho biết, ban đầu do hàng hỏng nên chủ hàng Trung Quốc yêu cầu giữ xe để giải quyết; việc giữ xe không liên quan gì đến họ.

“Nếu chúng tôi giữ chiếc xe này thì công an đã bắt chúng tôi rồi”, những người trên quả quyết.

Hai người này khẳng định: “Đến nay, việc hỏng hàng họ sẽ tự giải quyết với chủ hàng Trung Quốc, không bắt đền nhà xe nữa. Tuy nhiên, nhà xe sẽ không được nhận 83 triệu đồng tiền cước còn lại và phải tự trả tiền luật, bến bãi khi xe đỗ tại Trung Quốc”.

Tuy nhiên, thỏa thuận trên đã bị chị Cao Thị Như Ý bác bỏ và đề nghị Công an tỉnh Lạng Sơn điều tra, xử lý theo quy định.

Không chỉ trường hợp trên, thời gian qua cũng có hàng chục trường hợp nhà xe bị chủ hàng và “nhà luật” giữ xe tại Trung Quốc để ép chuyển tiền chuộc.

Cuối tháng 6 vừa qua, anh Nguyễn Tuấn V., quê TP Quy Nhơn, Bình Định vận chuyển hàng từ Thanh Hà, Hải Dương đi cửa khẩu Tân Thanh để xuất sang Trung Quốc. Hợp đồng chỉ giao hàng tại Tân Thanh với giá cước 27 triệu đồng, chủ hàng tự chịu tiền luật. Tuy nhiên, ngay khi xe sang Trung Quốc đã bị “nhà luật” và chủ hàng giữ lại moóc để chiếm hết tiền cước và yêu cầu phải đền thêm 160 triệu đồng mới trả moóc xe về Việt Nam.

Sau vài tuần thương lượng, anh V. đã chấp nhận trả 16 triệu đồng để “nhà luật” đưa xe về và chịu mất trắng tiền cước. “Tôi khẳng định vải thiều đóng xốp, có lót đá, chạy trong xe container lạnh thì sau vài ngày vận chuyển không thể bị hư hỏng được.

Đây là chủ hàng quen, đã hợp tác 5 - 7 năm nay, việc đóng gói vải thiều cũng được xem như nghề gia truyền của tôi. Vậy mà, không ngờ vẫn bị chủ hàng và “nhà luật” móc nối để ăn không tiền cước và ép đưa tiền chuộc xe như vậy”, anh Nguyễn Tuấn V. nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của bà Cao Thị Như Ý. Hiện, cơ quan công an đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn cũng nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc này. Qua nắm bắt, hiện nay tại Trung Quốc đang có khoảng 200 xe bị giữ lại để đòi tiền chuộc.

Công an Lạng Sơn đã cùng với các lực lượng biên phòng, hải quan hỗ trợ đưa nhiều phương tiện về nước, nhiều trường hợp đã tự thỏa thuận lấy xe về.

Hiện nay, dù Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định hỗ trợ tư pháp, Cơ quan CSĐT và cơ quan chức năng Lạng Sơn cũng nhiều lần gửi văn bản, công hàm đề nghị lực lượng chức năng phía bạn hỗ trợ nhưng việc hỗ trợ, trả lời còn hạn chế.

Lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo, để hạn chế những vụ việc tranh chấp như trên, khi xây dựng hợp đồng vận chuyển, các đơn vị vận tải cần ghi rõ phương thức vận chuyển, địa điểm giao hàng, kiểm tra hàng trước khi giao...

Đồng thời, cử người quản lý chặt chẽ phương tiện, hàng hóa trong quá trình vận chuyển; xuất, nhập khẩu, không nên phó mặc cho lái xe và người làm thủ tục hải quan (“nhà luật” – PV) tại cửa khẩu như hiện nay.

Yêu cầu làm rõ nội dung Báo Giao thông phản ánh

Ngày 15/7, Báo Giao thông đăng tải đăng bài viết: “Tái diễn “luật ngầm” nơi cửa khẩu Tân Thanh”, phản ánh nhiều lái xe, đơn vị vận tải tiếp tục bị các “nhà luật” (người nhận làm thủ tục hành chính tại cửa khẩu) giữ giấy tờ xe, yêu cầu đưa từ 25 - 30 triệu đồng, cao gấp gần 2 lần thời điểm trước.

Ngày 17/7, ông Dương Văn Chiều, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký văn bản về việc kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của Báo Giao thông.

Văn bản nêu: “Để làm rõ nội dung phản ánh của Báo, kịp thời chỉ đạo, xử lý các nội dung liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyện chỉ đạo: Giao Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung thông tin phản ánh. Báo cáo kết quả xác minh, đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề liên quan trước ngày 22/7”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.