ĐB Trần Ngọc Vinh phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 24/3 |
Đó là quan điểm được ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đưa ra trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo luật Tiếp cận thông tin.
Điều 6 trong Dự thảo luật quy định về những thông tin không được tiếp cận, nhưng ĐB Vinh bày tỏ quan điểm không đồng ý với những quy định tại điều này, vì các quy định không cụ thể, không rõ ràng.
Theo ông Vinh, ngoài những thông tin thuộc bí mật Nhà nước được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 còn nhiều thông tin công dân không được tiếp cận quy định trong các luật chuyên ngành, đó sẽ là khó khăn lớn cho công dân xác định đâu là thông tin mình không được tiếp cận vì có quá nhiều văn bản pháp luật quy định mà người dân thì không thể nào nắm rõ được.
Trong một vấn đề khác, ĐB Vinh cũng cho rằng luật phải quy định rõ ràng, không thể như cái bẫy cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân, là cơ sở để các cơ quan tổ chức lợi dụng tạo rào cản trong cung cấp thông tin cho công dân.
“Quy phạm pháp luật phải cụ thể, rõ ràng, để người dân biết phải đi thế nào, đi chỗ nào và đâu là vùng cấm. Không nên quy định mập mờ khiến người dân không xác định được hướng phải đi thì vô hình chung luật trở thành cái bẫy với công dân” – ông Vinh nói và đề nghị ban soạn thảo cần xem xét thấu đáo quy định theo hướng quy định cụ thể thông tin không được tiếp cận.
Cùng quan điểm, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cũng nhấn mạnh về thực trạng thông tin nói là mật nhưng lại rất nhiều người biết.
Bên cạnh đó, có những thông tin không mật nhưng cơ quan có thông tin không công bố, ví dụ như thông tin quy hoạch ở Hà Nội và TP.HCM hay Đà Nẵng.
Theo bà An, với những thông tin này, ai cũng biết chỉ cần biết trước thông tin quy hoạch mở đường, dự án thì sau một đêm, một ngày hay một tuần giàu lên rất nhanh. “Người ta nói bí mật không nói nhưng rất nhiều người vẫn biết được. Nên cái nào mật liệt kê luôn thì tốt nhất để người dân biết thông tin nào được lấy, thông tin nào không, tránh trường hợp không mật thành mật, không mật cũng đóng dấu mật để phục vụ lợi ích nhóm” – bà An nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận