Tài chính

Luật PPP có giải tỏa hết vướng mắc của nhà đầu tư BOT giao thông?

25/08/2020, 15:23

Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu là một nội dung mới được quy định trong Luật PPP được các nhà đầu tư mong đợi.

img
Luật PPP ra đời được kỳ vọng sẽ giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư BOT giao thông nói riêng và hạ tầng nói chung

Lần đầu tiên đưa cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu vào luật

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) khẳng định: "Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa ra đời sẽ là đòn bẩy, gây dựng lại niềm tin để kéo các nhà đầu tư quay trở lại các dự án BOT giao thông".

Cụ thể, phân tích những điểm nổi bật của Luật PPP trong việc tạo môi trường hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, vị Cục trưởng cho biết, tính ổn định của chính sách thu hút đầu tư đã được quy định tại cấp Luật.

“Hợp đồng PPP thường kéo dài 20-30 năm, do vậy nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Trong khi đó, quy định chi tiết cho hoạt động PPP ở giai đoạn trước chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật. Sau khi Luật PPP ra đời, các quy định có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật. Đây chính là một trong các nội dung được các nhà đầu tư mong đợi”, ông Trương phân tích.

Bên cạnh đó, ông Chương cũng khẳng định: Luật PPP đã hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ tổng thể từ phía Nhà nước bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

“Đặc biệt, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu lần đầu được đưa vào hệ thống pháp luật về PPP. Cơ chế này biểu hiện sự chuyển biến trong chính sách về PPP tại Việt Nam khi khẳng định sự công bằng, bình đẳng giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân. Từ thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian qua, đây chính là một trong các điểm then chốt được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi quyết định có rót vốn đầu tư hay không”, ông Trương nói.

Gấp rút hoàn thiện 3 nghị định quy định chi tiết

Mặc dù Luật PPP đã được Quốc hội thông qua từ tháng 5, tuy nhiên, tới nay hiện vẫn còn một số vấn đề mà nhà đầu tư trong và ngoài nước băn khoăn như: Cơ chế bảo lãnh dự án; cơ chế chia sẻ lợi ích trong trường hợp không thực hiện đúng như dự toán và các điều kiện liên quan; Cơ chế đấu thầu các dự án theo phương thức PPP...

Trước những vấn đề trên, ông Trương cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật, kịp thời ban hành tại thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành vào 1/1/2021.

Trong đó, Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng 2 nghị định gồm Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PPP và Nghị định quy định về lựa chọn nhà đầu tư. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định hướng dẫn về cơ chế tài chính trong dự án PPP.

“Tổ hợp 3 Nghị định này được xây dựng với định hướng chi tiết tối đa các nội dung được Luật giao và được các cơ quan nhà nước cũng như các nhà đầu tư quan tâm.

Đặc biệt, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu là một nội dung mới được quy định trong Luật PPP. Đây vừa là nội dung mới, cũng là nội dung khó nên ở cấp Nghị định cần có quy định chi tiết ở từng khâu để cơ chế này thực sự có thể được áp dụng. Trình tự thủ tục dự kiến sẽ được quy định tại Nghị định quy định chung do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, còn cơ chế cụ thể, công cụ kiểm soát rủi ro và thủ tục thanh toán sẽ được quy định tại Nghị định về cơ chế tài chính do Bộ Tài chính chủ trì”, ông Trương thông tin.

Liên quan đến quy trình lựa chọn nhà đầu tư, vị Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho hay, lần đầu tiên nội dung này được tích hợp tại một văn bản quy phạm pháp luật, nhằm mục tiêu bảo đảm tính thống nhất, chỉnh thể và tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP.

“Tại cấp Nghị định, toàn bộ các khâu của quy trình này sẽ được chi tiết hóa, bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể khi triển khai. Đồng thời, các điểm mới trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng sẽ được quy định rõ hơn. Ví dụ: Tích hợp bước phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đồng thời với phê duyệt dự án; bổ sung quy định về đàm phán cạnh tranh hướng tới các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới…”, ông Trương nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.