Xã hội

Luật Quy hoạch: ĐBQH "rất lo" vì Bộ trưởng "nói nước đôi"

01/06/2018, 14:19

Sau khi nghe giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói "rất lo" vì Bộ trưởng "nói nước đôi".

luu-binh-nhuong

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng giơ biển xin tranh luận với Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Ngày 1/6, tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, một số ý kiến ĐBQH tranh luận về quy hoạch các văn phòng công chứng.

Không đưa vào quy hoạch đối với quy hoạch các văn phòng công chứng

Các đại biểu cho rằng công chứng là một hoạt động tư pháp, là chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước khi thực hiện xã hội hóa, nhưng vẫn cần phải bảo đảm chất lượng, điều kiện, tiêu chuẩn đối với các công chứng viên cũng như việc thành lập văn phòng công chứng.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng không nên quy hoạch tổng thể trên quy mô quốc gia đối với quy hoạch công chứng, nhưng vẫn cần thiết phải quy hoạch cấp tỉnh. "Hoạt động của văn phòng công chứng không giống như quán mat-xa hay karaoke, có những giấy tờ công chứng hôm nay lập nhưng đến 20-30 năm sau mới có sự tác động. Vậy nếu một phòng công chứng hoạt động sau 5-7 năm rồi đóng cửa thì sẽ như thế nào?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, với phạm vi điều chỉnh như vậy, trong luật này chỉ điều chỉnh những gì liên quan đến nội dung, còn những gì liên quan đến cơ chế, chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và báo cáo Quốc hội sửa đổi sau.

nguyen-chi-dung

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi ban hành Luật Quy hoạch cũng đã xác định đây là luật rất khó, sửa đổi để ban Luật này có liên quan đến 25 luật khác. Và tại lần sửa đổi này có 13 luật phải sửa đổi, trong đó có 2 luật phát sinh là Luật An toàn thực phẩm và Luật Phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Dũng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, tại khoản 5 Điều 59 cũng quy định giao Chính phủ tiếp tục rà soát có những điều khoản nào liên quan cần sửa đổi cho nhất quán.

Bộ trưởng cam kết cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát theo tinh thần những gì trùng lắp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác thì loại bỏ, còn cái gì hợp lý, không trùng lắp thì giữ lại.

Giơ biển xin tranh luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng trong Báo cáo năm 2014 về tổng kết 8 năm thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã xác định hoạt động công chứng được coi là một trong những điểm sáng nhất của cải cách tư pháp.

Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai được việc thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, nâng cao chất lượng của các hoạt động công chứng.

Ông Nhưỡng và nhiều đại biểu khác thống nhất quan điểm không đưa vào quy hoạch đối với quy hoạch các văn phòng công chứng. Nhưng nếu dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các chính sách, điều kiện đối với hoạt động công chứng sẽ dẫn đến sự chồng chéo về mặt chính sách.

“Theo quy định của Luật Công chứng đã giao cho Chính phủ quy định vấn đề này rồi thì Chính phủ cứ thế thực hiện trách nhiệm của mình theo Luật Công chứng do Quốc hội ban hành. Nếu đưa vấn đề đó vào trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là trái với phương châm được chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội, đó là chỉ xem xét những vấn đề liên quan đến quy hoạch, còn những vấn đề về chính sách sẽ không được xem xét tại kỳ họp này”, ĐB Nhưỡng nói khi tranh luận.

Vì thế theo ông không nên đưa nội dung “giao Chính phủ quy định” vì thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

“Những gì Chính phủ đã được giao rồi thì Chính phủ cứ thực hiện, nếu nâng cao điều kiện nào đó thì Chính phủ báo cáo lại Quốc hội. Cho nên ban soạn thảo cần phải hết sức rõ ràng, tôi thấy Bộ trưởng nói nước đôi như thế tôi rất lo”, ĐB Nhưỡng kết thúc tranh luận.

Tránh lợi dụng chính sách để tạo lợi ích nhóm

Góp ý vào Luật này, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bỏ toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng trong dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung luật Xây dựng để tránh trùng lặp, quy hoạch chồng lấn quy hoạch gây lãng phí nguồn lực.

ha-sy-dong

ĐBQH Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị

Ông cũng đề nghị luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị chỉ tập trung quy định quy hoạch chi tiết về đô thị, nông thôn, khu chức năng theo đúng tính chất kỹ thuật chuyên ngành xây dựng, giống như các ngành khác như: kết cấu hạ tầng giao thông, cảng hàng không, sân bay, thủy lợi, phòng chống lũ, đê điều, môi trường...

Ngoài ra, ông Đồng cũng chỉ ra điểm thiếu rõ ràng khi luật Quy hoạch quy định hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc ổn định nhưng Điều 37 luật Xây dựng và Điều 49 luật Quy hoạch đô thị quy định 2 loại điều chỉnh quy hoạch là điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ nhưng lại không quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, mức độ điều chỉnh.

Trong khi đó, trình tự điều chỉnh cục bộ là trình tự rút gọn, đơn giản nhưng không quy định rõ trường hợp được áp dụng điều chỉnh cục bộ mà chỉ quy định chung là "không ảnh hưởng lớn".

“Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng hình thức điều chỉnh cục bộ để điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, thiếu tính ổn định. Ví dụ như tăng mật độ xây dựng, biến khu sản xuất thương mại thành nhà ở cao tầng đông đúc gây quá tải đến hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội....”, ông Đồng băn khoăn.

Vì vậy, ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị để bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm.

“Tôi đề nghị bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch trong luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch quy định tại luật Quy hoạch, tránh gây nhũng nhiễu, khó khăn cho DN và người dân”, ông Đồng góp ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.