Điều tra

Luật sư: Băn khoăn vụ bắt nữ PV nhận 280 triệu ở Cần Thơ

12/08/2017, 17:30

Vụ nữ PV nhận tiền bị bắt, sau 9 ngày, nếu CQĐT không làm rõ và khởi tố được thì phải thả người.

134140-113352-bat-qua-tang-mot-phong-vien-nhan-han

Luật sư cho rằng nếu xem xét hành vi lừa đảo hay lạm dụng trong việc PV tống tiền DN ở Cần Thơ là không phù hợp.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, vào 20h ngày 6/8, tại quán cà phê Hoa Cau (góc đường Hai Bà Trưng, và Ngô Gia Tự. phường Tân An, quận Ninh Kiều), Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang bà Phạm Lê Hoàng Uyển, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập, đang nhận 280 triệu đồng của hai doanh nghiệp có trụ sở tại Hậu Giang.

Kết quả xác minh bước đầu xác định, từ ngày 31/7 đến 4/8, trên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh có đăng 3 bài viết với các tiêu đề: “Lần theo dấu vết đường dây huy động 600 tỷ đồng cho dự án “ma””; “Ve sầu thoát xác” và “Về khu du lịch 1000 tỷ bằng miệng”. Sau khi các bài báo được đăng, Uyển đã liên hệ và thông báo cho lãnh đạo doanh nghiệp có liên quan nếu muốn gỡ 3 bài viết nêu trên thì phải đưa cho Uyển số tiền 700 triệu đồng. Nếu chậm thì báo tiếp tục đăng thêm 1 bài nữa. Khi đó muốn gỡ xuống thì số tiền phải là 1 tỷ đồng.

Sau khi thống nhất số tiền trên, Uyển từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ nhận tiền thì bị bắt quả tang. Tang vật khi bắt quả tang gồm 280 triệu đồng (tiền doanh nghiệp đưa); 3 điện thoại di động và một số tài liệu khác có liên quan.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông chiều 12/8, ông Nguyễn Ngọc Quyết - Tổng biên tập Tạp chí Hướng nghiệp và Hoà nhập, nơi PV Hoàng Uyển công tác trước khi bị bắt, cho biết vào ngày 7/8, đơn vị này có nhận được thông báo của Công an TP Cần Thơ về việc bắt người phạm tội quả tang đối với bà Phạm Lê Hoàng Uyển.

Tại thông báo này, Cơ quan an ninh điều tra - Công an TP Cần Thơ cho biết bà Uyển hiện đang tạm giữ tại Trại tạm giam Công an TP Cần Thơ vì có hành vi "Lợi dụng lòng tin, hứa hẹn nhưng không có khả năng thực hiện, để gỡ bỏ các bài báo có nội dung bất lợi cho doanh nghiệp, nhằm chiếm đoạt tiền". Theo cơ quan công an, hành vi này vi phạm Điều 139 BLHS quy định về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Phân tích rõ hơn về sự việc này, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cũng nhận định lâu nay có thực tế về "dịch vụ gỡ bài" trên một số trang báo mạng.

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể như vụ việc của PV Hoàng Uyển, luật sư Hưng cho rằng nếu xem xét truy cứu trách nhiệm về hành vi "lạm dụng" hay "lừa đảo" chiếm đoạt tài sản của người khác là không phù hợp với hành vi ý thức chủ quan và hành vi khách quan của người phạm tội.

"Người thực hiện dịch vụ "gỡ bài" là vi phạm pháp luật, cụ thể nhất là Luật Báo chí. Tuy nhiên, nó có xâm hại một quan hệ nào được pháp luật hình sự bảo vệ hay không thì rất khó xác định", ông Hưng nêu quan điểm.

Cũng theo vị luật sư này, trong trường hợp nếu chứng minh được PV Hoàng Uyển có thỏa thuận với tác giả của loạt bài báo liên quan và lãnh đạo tờ báo để thực hiện việc gỡ bài, thì khi ấy mới có cơ sở, căn cứ để xem xét, điều tra hành vi "cưỡng đoạt tài sản".

Về việc tạm giữ PV Hoàng Uyển khi cơ quan công an chưa khẳng định rõ được sai phạm của PV này, ông Hưng cho rằng theo quy định của pháp luật thì khi có dấu hiệu, cơ quan điều tra có thể tiến hành tạm giữ người để điều tra, nhưng sau thời hạn tạm giữ 9 ngày, nếu không làm rõ và khởi tố được hành vi vi phạm thì phải thả người.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.