Xã hội

Luật sư của Trịnh Xuân Thanh nói về quyền im lặng của thân chủ

12/01/2018, 11:19

Luật sư dẫn trường hợp hoa hậu Trương Hồ Phương Nga đã áp dụng quyền im lặng trong suốt một quá trình dài.

xet-xu-trinh-xuan-thanh

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cùng các bị cáo khác trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVC

Tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVC, sáng 12/1, trong phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh đặc biệt nhấn mạnh tới kết luận trong cáo trạng về việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh “quanh co chối tội”.

Luật sư Quynh sau đó dẫn nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 Bộ luật TTHS và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh vô tội (Điều 15).

Luật sư cũng nhắc tới “quyền im lặng” của các bị can, bị cáo. Dẫn Điều 61, 62 Bộ luật TTHS quy định bị can, bị cáo có quyền im lặng, Luật sư Quynh cũng dẫn chứng trường hợp hoa hậu Trương Hồ Phương Nga trước đây đã thực hiện quyền im lặng suốt cả một quá trình, ra toà bị cáo mới khai “Bị cáo Nga tự bảo vệ quyền của mình khi tất cả các lời khai khác đều chống lại bị cáo”.

“Nội dung bản luận tội cáo buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội là không phù hợp với các quy định có lợi cho người phạm tội” - luật sư Quynh lập luận.

Theo bản luận tội của VKS được công bố chiều 11/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phạm hai tội đều thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hướng rất lớn trong dư luận. Sau khi phạm tội lại bỏ trốn gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Trong suốt quá trình điều tra và xét xử, bị cáo luôn tỏ thái độ không thành khẩn, quanh co, chối tội. Bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là gia đình đã tự nguyện nộp lại 2 tỷ khắc phục hậu quả, tuy nhiên cần trừng trị nghiêm khắc mới đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. 

Một luật sư khác bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh là luật sư Trần Hồng Phúc đã đề nghị HĐXX xem xét lại việc xử lý tài sản kê biên của vụ án  này.

“Lẽ ra chúng tôi không có quyền nói, vì liên quan đến người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Trịnh Hùng Cường (con bị cáo Trịnh Xuân Thanh). Tuy nhiên, trong phần luận tội, cơ quan truy tố vẫn giữ quan điểm đề xuất với HĐXX giữ nguyên việc kê biên những tài sản đã kê biên trong quá trình điều tra vụ án”- luật sư nói.

Cụ thể, luật sư Phúc đề nghị HĐXX xem xét lại việc kê biên xe ô tô và các căn hộ hiện nay đang mua trả góp của anh Trịnh Hùng Cường. 

Luật sư cho rằng, việc kê biên tài sản trước đây là hoàn toàn đúng pháp luật. Nếu xác định đây là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham ô của bị cáo (nếu có) sau này thì đây là biện pháp để bảo đảm thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước. 

Tuy nhiên, theo lời khai của anh Cường trong hồ sơ vụ án cũng như qua việc thẩm vấn công khai tại phiên tòa, HĐXX đã làm rõ, anh Cường khai những tài sản nói trên là tài sản ông bà nội cho. Anh Cường hoàn toàn không có lời khai nào xác định đây là tiền do bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho con trai.

“Điều này được thể hiện trong hợp đồng tặng cho tiền. Hợp đồng này được ông bà Trịnh Xuân Giới tặng cho số tiền tại 6 sổ tiết kiệm. Anh Cường khai việc anh mua các tài sản (đã bị kê biên) bằng số tiền ở 6 sổ tiết kiệm ông bà cho”- luật sư Phúc nói.

Cũng theo bà Phúc, hợp đồng tặng cho tiền nói trên được lập năm 2011, ở thời điểm chưa xảy ra hành vi tham ô ở PVC (thời điểm xảy ra hành vi tham ô ở PVC diễn ra vào đầu năm 2012 khi các bị cáo lập các hợp đồng khống để chiếm đoạt tiền). 

“Đây không phải là tài sản anh Cường có được từ nguồn tiền tham ô của bố anh ấy (nếu có), đây là tài sản hợp pháp của ông bà nội anh Cường cho. Còn trách nhiệm chứng minh vấn đề này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị HĐXX xem xét xử lý giải quyết việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản”- luật sư Phúc đề nghị.

Trước bản luận tội của VKS, theo luật sư, bị cáo Thanh không có hành vi tham ô tài sản (nếu có chỉ là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Còn hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì còn cần xem xét qua phần đối đáp của đại diện VKS để xác định cá thể  hóa hành vi, cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo trong vụ án này  thì mới xác định được bị cáo Trịnh Xuân Thanh có trách nhiệm đối với khoản thiệt hại (nếu có) gây ra cho PVN ra sao.

Luật sư Phúc cho biết, hôm nay sẽ nộp biên lai của chi cục thi hành án Hà Nội đã thu tiếp 2 tỷ đồng từ gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nâng số tiền khắc phục hậu quả của bị cáo lên 4 tỷ đồng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.