Xã hội

Luật sư đề nghị không tuyên ông Thăng tội cố ý làm trái

22/03/2018, 15:40

Các luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng đề nghị VKS, HĐXX tuyên thân chủ không có tội Cố ý làm trái.

nguyen-huy-thiep

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng cơ quan công tố đã không tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Luật

Phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) chiều nay tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các luật sư dành cho các bị cáo. Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng có 5 luật sư bào chữa, và các luật sư của ông Thăng là những người đầu tiên thực hiện quyền bào chữa.

Nguyên nhân chính khiến PVN mất 800 tỷ là gì?

Luật sư Phan Trung Hoài dành hơn 1 tiếng đưa ra các luận cứ minh oan cho thân chủ Đinh La Thăng. Ông nói, một lần nữa, thân chủ của ông phải đối diện với sự phán xét của toà án, với rất nhiều tâm trạng và mong muốn được trình bày, tiếp cận sự thật, bởi có những điểm trong cáo trạng oan ức với thân chủ của ông.

Luật sư Hoài đưa ra hàng loạt quan điểm pháp lý nhằm làm rõ các báo buộc của cơ quan công tố không đủ cơ sở pháp lý.

Nhấn mạnh hiệu quả của việc góp vốn tại Oceanbank, theo luật sư, PVN đã chính thức cung cấp các tài liệu, chứng từ chi trả cổ tức của Oceanbank, theo đó, PVN được chia cổ tức từ năm 2009 đến 2013 là hơn 244,3 tỷ đồng. “Đến thời điểm 2014, việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN tại Oceanbank là có hiệu quả, PVN không bị mất vốn, không bị thiệt hại, thậm chí có thể thu hồi được nếu như kế hoạch thoái vốn được diễn ra bình thường và đã có các đối tác cụ thể nhận chuyển nhượng, hậu quả vụ án đã không thể xảy ra” -  luật sư bào chữa.

Vào năm 2015, tức là sau 4 năm ông Thăng chuyển công tác, Oceanbank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, vì thế, luật sư cho rằng ông Thăng khi đó thân chủ đã hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo, điều hành PVN và trách nhiệm bảo toàn vốn góp của PVN tại Oceanbank.

Luật sư cũng đề nghị đại diện VKS xem xét nguyên nhân của hậu quả thiệt hại có phải do việc dừng thoái vốn và NHNN quyết định mua bắt buộc 0 đồng với Oceanbank hay không.

Theo luật sư Hoài, việc NHNN quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của Oceanbank với giá 0 đồng được tiến hành trong khi vụ án hình sự đã được khởi tố, các cổ đông của Oceanbank chưa kịp xây dựng phương án xử lý và tăng vốn điều lệ cho ngân hàng đã dẫn đến thực tế các cổ đông không có cơ hội để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ông Hoài đề nghị VKS công tâm xem xét lại quyết định truy tố ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái, vì chưa đủ căn cứ chứng minh ông Thăng phạm tội danh này, không có mối liên hệ nhân quả giữa các hành vi bị coi là cố ý làm trái với hậu quả thiệt hại xảy ra. Đồng thời, cần xác định chính xác nguyên nhân PVN bị mất 800 tỷ đồng góp vốn tại Oceanbank.

Đề nghị tuyên ông Đinh La Thăng không có tội Cố ý làm trái

Mở đầu phần bào chữa cho thân chủ Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp băn khoăn: “Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định cụ thể trong bộ luật TTHS, nhưng trong vụ án này, nguyên tắc này không được tôn trọng từ phía cơ quan công tố, bởi vì tất cả những nội dung, quan điểm, tài liệu, chứng cứ, đánh giá đều mang tính buộc tội”.

Luật sư Thiệp viện dẫn Luật quy định rất rõ nghĩa vụ chứng minh, theo đó cần chứng minh cả tình tiết, chứng cứ chứng minh bị can không phạm tội, nhưng trong bản luận tội của VKS, không có bất kỳ chi tiết nào để chứng minh các tình tiết được xem xét theo hướng gỡ tội cho các bị cáo nói chung.

“Đây là những nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, được luật định và phải tôn trọng nhưng sự tôn trọng ở đây chưa phù hợp. Quan điểm của VKS thể hiện cơ bản bởi cáo trạng. Việc thu thập tài liệu cũng như quan điểm đặt ra để xem xét không toàn diện, khách quan, không đầy đủ nên đã vẽ ra một bức tranh không hoàn thiện” - luật sư Thiệp đánh giá, và đề nghị HĐXX xem xét.

Trong vụ án này, thân chủ của ông bị truy tố với vai trò chính trong việc làm thất thoát 800 tỷ PVN góp vốn vào Oceanbank, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh ông Đinh La Thăng không hội tụ đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như VKS đã quy kết.

Le-van-thiep

Luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa cho ông Đinh La Thăng tại toà

Trước khi minh oan cho thân chủ, luật sư thứ ba của ông Đinh La Thăng là Lê Văn Thiệp nói cá nhân ông và các bị cáo đều ủng hộ chủ trương chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, nhưng ngọn lửa chống tham nhũng phải là ngọn lửa của sự thật, của công lý, được thắp lên bởi những giá trị tôn trọng quyền con người cũng như những giá trị nhân bản khác, và đặc biệt là các yếu tố lịch sử, vì nếu không tôn trọng các giá trị đó để xem xét những hành vi đã xảy ra từ rất lâu rồi thì sẽ làm oan những người vô tội.

Đề cập đến việc mua ngân hàng Oceanbank với giá 0 đồng, luật sư Lê Văn Thiệp đánh giá việc này hoàn toàn trái với Hiến pháp, vì nguyên tắc của Hiến pháp là tôn trọng quyền tài sản của cá nhân, tổ chức. Trên thế giới không có quốc gia nào trong lịch sử từ trước tới nay mua 0 đồng cả. Đặc biệt về phần tài sản, tại tòa, nhân chứng Hà Văn Thắm khai, 13 ngày sau khi có kết luận thanh tra, OceanBank đã thu hồi được 8.000 tỷ đồng.

Theo luật sư Thiệp, để định giá cổ phần phải tính theo giá trị vốn chủ sở hữu. Nếu bằng 0 hoặc âm thì tính giá trị cổ phần bằng 0. Nhưng thực tế, đây là cách tính cổ điển, không phù hợp vì hiện nay còn rất nhiều giá trị vô hình của doanh nghiệp như thương hiệu, chi phí cơ hội, đặc biệt là giấy phép... Phần 8.000 tỷ đã thu lại được đương nhiên là tài sản của các cổ đông.

“Đây là quyết định vội vã và vô cùng nghiêm trọng. Làm ảnh hưởng không chỉ đến cổ đông mà còn gây ra những hậu quả vô cùng khủng khiếp cho xã hội. Quyết định mua 0 đồng đó còn chưa làm rõ được thì vụ án này xét xử trên cơ sở đánh giá nào?”- luật sư Thiệp đặt câu hỏi.

Luật sư Thiệp sau đó đề nghị HĐXX tuyên bố ông Đinh La Thăng không phạm tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Căn cứ điều 265 BLTTHS, đề nghị HĐXX kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan tiến hành tố tụng khác xem xét trách nhiệm của NHNN trong việc không thực hiện theo khoản 5 điều 161 Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2011.

Luật sư Thiệp cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm cuả cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật dẫn đến việc vi phạm các quy định về cho vay tín dụng (Việc này đã được xét xử trong một vụ án khác liên quan đến OceanBank).

Ông cũng đề nghị HĐXX kiến nghị hủy Quyết định 663 về mua ngân hàng OceanBank với giá 0 đồng, làm thất thoát và thiệt hại đến tài sản của các cổ đông trong đó có PVN chiếm 20% vốn điều lệ.

Sau khi các luật sư hoàn thành phần bào chữa, chủ toạ hỏi ông Đinh La Thăng có đồng tình với phần bào chữa của các luật sư, ông Thăng đồng tình và không có ý kiến bổ sung.

Ông Thăng gửi lời cảm ơn các luật sư chỉ trong thời gian ngắn đã nghiên cứu hồ sơ để bào chữa. “Bị cáo hết sức xúc động và cảm thấy được an ủi, được thông cảm, chia sẻ về những cáo buộc mà VKS nêu. Dù kết quả cuối cùng có thế nào đi chăng nữa, bị cáo vẫn hết sức ấm lòng và rất biết ơn các luật sư, vì đã dành thời gian, dành tâm huyết để đưa ra HĐXX những sự thật khách quan, phản ánh đúng bản chất sự việc”- ông Thăng chia sẻ tại toà.

Nhưng với thời gian mức án như cáo trạng nêu, ông Thăng lo ngại mình sẽ không đủ thời gian thực hiện, chấp hành hết các bản án của toà. 

Theo Viện KSND TP Hà Nội, với nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện chủ trương góp vốn vào OceanBank khiến PVN thiệt hại 800 tỉ đồng, hành vi của ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT PVN đã phạm vào tội cố ý làm trái.

Cụ thể, theo VKS, ông Thăng ký thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank nhưng không thông qua HĐQT; Quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Ông Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. 

Với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Đinh La Thăng đã không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank trái quy định. Việc này đã tạo điều kiện cho lãnh đạo PVN tiếp tục góp vốn trái pháp luật 100 tỉ đồng (đợt 3) vào OceanBank. Hậu quả, toàn bộ số tiền 800 tỉ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và NHNN phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.