Trong nước

Luật sư lên tiếng về scandal đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP

17/11/2014, 10:45

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao chuyện Sơn Tùng M-TP đạo beat (phần nhịp, phách) ca khúc Chắc ai đó sẽ về khiến bộ phim Chàng trai năm ấy phải lùi thời điểm ra mắt.

Poster phim
Poster phim "Chàng trai năm ấy"

Chưa vội kết luận Sơn Tùng đạo nhạc

Theo luật sư Kim Thoa, trong Quyết định 4036/QĐ-BVHTT&DL quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Cục Bản quyền tác giả không có thẩm quyền xử phạt.

Ngay trong giới nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, các nhà chuyên môn cũng có nhiều quan điểm khác nhau về ca khúc này. Vì thế, chưa có kết luận chính thức khẳng định ca khúc của Sơn Tùng M-TP có vi phạm quyền tác giả hay không. Khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền, thì chưa thể khẳng định ca sĩ Sơn Tùng M-TP có vi phạm dân sự hay không.

Khâu kiểm duyệt quá kém

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: "Quy trình mà Cục Bản quyền đang tiến hành khi xem xét trường hợp này là hợp lý. Về nguyên tắc, phải có kiện cáo người ta mới phân xử. Và nếu phía Hàn Quốc có kiện chắc chắn Sơn Tùng sẽ phải bồi thường về kinh tế. Nếu họ không kiện thì Sơn Tùng cũng phải chịu xử phạt. Sai đến đâu phải xử lý đến đó. Tuy nhiên, theo tôi lỗi lớn nhất là khâu biên tập, kiểm duyệt của chúng ta quá kém nên đã phát tán và để lọt lưới ca khúc này".

Ngoài ra, ở thời điểm dư luận trong nước xôn xao về ca khúc được cho là đạo nhạc- vi phạm quyền tác giả quốc tế nhưng chưa có một đơn từ nào của tác giả phía Hàn Quốc.

Luật sư Thoa phân tích, chưa nên vội vã kết luận ca khúc của ca sĩ Sơn Tùng đạo nhạc, vì theo Khoản 8, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006), tác giả ca khúc có quyền phóng tác, cải biên: "Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn".

Theo Khoản 2, Điều 14, Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại Khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Cũng theo Khoản 7, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền tác giả là: “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh”.

Nên xin phép tác giả Hàn Quốc

Luật sư Kim Thoa cho biết,  nếu có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền về việc ca sĩ Sơn Tùng M-TP đạo nhạc thì ca sĩ này cần phải chính thức xin phép và được sự đồng ý của Jung Yong Hwa, trưởng nhóm CN Blue. Cho dù Jung Yong Hwa không khởi kiện, ca sĩ Sơn Tùng vẫn cần phải xin phép và được sự đồng ý của Jung Yong Hwa thì ca khúc Chắc ai đó sẽ về mới được công nhận.

Trong trường hợp không được sự đồng ý của chủ sở hữu, khi kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền về việc ca sĩ Sơn Tùng đạo nhạc, ca sĩ này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt được quy định tại Nghị định số 131.  Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Cụ thể, Điều 12 quy định, hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Điều 18 quy định, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng. Biện pháp khắc phục là cá nhân vi phạm buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số.

Và theo Điều 38 về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL có quyền phạt tiền đến 250 triệu đồng.

Phạm Lý

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.