Xã hội

Luật sư nói gì về kết luận "công an gạt tay trúng má PV"?

30/09/2016, 16:02

PV báo Tuổi trẻ bị "gạt tay trúng má" không đồng tình với quyết định xử phạt hành chính có thể khiếu nại...

quang-the-2001-1474683218609

Hình ảnh mà Công an HN cho rằng chiến sĩ CSHS "giơ tay trúng má" phóng viên của báo Tuổi trẻ

Khiển trách cảnh sát hình sự gạt trúng má phóng viên

Chiều tối 29/9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thông tin kết luận ban đầu về vụ “xô xát” giữa chiến sĩ Công an thuộc đội hình sự Công an huyện Đông Anh với phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) trên cầu Nhật Tân ngày 23/9.

Theo ông Ngọc, khi lực lượng công an đang bảo vệ hiện trường, có một số phóng viên tới hiện trường để tác nghiệp không xuất trình được thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cần thiết theo yêu cầu nên giữa hai bên xảy ra xô xát.

Chiến sĩ cảnh sát hình sự Ngô Quang Hưng (23 tuổi, công tác tại đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh) có dùng tay gạt trúng vào má phóng viên Quang Thế và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng vào phóng viên Quang Thế. Còn một đồng chí khác là Nguyễn Văn Thuyên gạt tay vào một máy quay.

Kết luận của công an cho hay đã tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với chiến sĩ Công an Ngô Quang Hưng, còn đối với Nguyễn Văn Thuyên do chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể đối với ai đã yêu cầu kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, PV báo Tuổi trẻ phải nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi: Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.

Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng. 

Ngay sau đó, PV Quang Thế cũng cho biết anh không đồng ý với nhiều nội dung trong quyết định xử phạt.

Bị phạt hơn 14 triệu, phóng viên có thể khiếu nại

Trao đổi với báo Giao thông về sự việc sau khi có kết luận của Công an Hà Nội, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái cho rằng, bản thân ông thấy bản kết luận của cơ quan công an còn nhiều điểm chưa thoả đáng.

Theo luật sư Thái, nếu phóng viên Quang Thế thấy quyết định xử phạt hành chính của Công an quận Tây Hồ không hợp lý, và không đồng tình với quyết định đó thì hoàn toàn có thể khiếu nại. Trước mắt là khiếu nại đến chính cơ quan ra quyết định xử phạt, sau đó, nếu cơ quan này không hồi âm, hoặc có hướng xử lý không phù hợp, có thể tiếp tục khiếu nại vượt cấp lên Công an TP Hà Nội, thậm chí là cả Bộ Công an.

Về việc công an xử phạt hành vi đỗ xe trên cầu, Luật sư Thái cho rằng, xử phạt lỗi vi phạm giao thông này thuộc thẩm quyền của lực lượng CSGT, trong khi thời điểm xảy ra vụ việc không thấy có CSGT trên cầu thì cảnh sát hình sự không có thẩm quyền yêu cầu xử phạt lỗi này.

Hơn nữa, nếu nói phóng viên vi phạm vì tác nghiệp, chụp ảnh tại khu vực cấm cũng là không đúng, bởi khu vực cấm phải giăng dây và biển báo, còn hiện trường hôm xảy ra vụ việc cho thấy không có biển báo cấm quay phim, chụp ảnh, và rất nhiều người khác cũng có mặt trong đó.

Bên cạnh đó, hành vi của một cảnh sát khi dùng tay gạt máy ảnh không thể nói là "không có hành động gây tác hại cụ thể" được, vì đó rõ ràng là hành vi huỷ hoại tài sản.

Hiện trường vụ án không phải là bí mật Nhà nước

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn luật sư Tp.HCM phân tích, theo quy định, nếu không có biên bản được lập tại hiện trường về những hành vi mà Công an Hà Nội cho rằng phóng viên Quang Thế đã vi phạm thì đã sai về thủ tục xử phạt.

Với nội dung phạt hành vi đi vào khu vực cấm và chụp ảnh ở khu vực cấm liên quan đến bí mật Nhà nước, luật sư Hưng cho rằng không chính xác, vì đây không thể là “bí mật Nhà nước”.

Mặt khác, quyết định xử phạt cũng chưa xem xét quyền ưu tiên tác nghiệp về giao thông, tiếp cận thông tin của phóng viên báo chí. Luật Báo chí và Nghị định 51/2002 quy định về quyền ưu tiên của nhà báo để tiếp cận thông tin khá rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.