Kinh tế

Luật sư Trương Thanh Đức: Thu thuế kinh doanh trên facebook không quá khó

18/12/2017, 08:36

Thu thuế kinh doanh trên facebook bằng cách nào, những người kinh doanh qua mạng cần lưu ý những gì?

18

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, thu thuế kinh doanh trên facebook không quá khó như nhiều người lo ngại và đối tượng kinh doanh qua facebook phải chịu đầy đủ các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và hiện có trường hợp được dồn thành gói khoán theo doanh thu.

KINH DOANH QUA MẠNG PHẢI CHỊU ĐẦY ĐỦ CÁC LOẠI THUẾ

Một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua facebook vừa bị ngành thuế truy thu 9,1 tỷ đồng do chênh lệch tới 400 tỷ đồng giữa thu nhập kê khai và thu nhập thực tế khiến dư luận xôn xao. Theo ông, có cách nào để cơ quan thuế quản lý dòng tiền của những đối tượng kinh doanh qua mạng?

"Việc thu thuế những người kinh doanh qua mạng hoàn toàn khả thi. Trên thế giới nhiều nước cũng đã thực hiện. Để triển khai, chúng ta cần có cơ chế phù hợp để nhận diện thu những đối tượng nào, người nào sẽ đứng ra nộp. Ngân hàng chỉ là người đứng ra thu hộ ngành thuế nên cần chính sách cụ thể. Còn hệ tầng các ngân hàng, vì Việt Nam là nước đi sau nên tận dụng được các cơ hội, đi tắt đón đầu”.

Ông Lê Đức Thọ
Thành viên HĐQT,
Tổng giám đốc VietinBank

Đầu tiên, cơ quan thuế phải quản lý được việc đăng ký kinh doanh. Quy định pháp luật của ta hiện cho 7 trạng thái kinh doanh không phải đăng ký. Trong số 5 triệu hộ kinh doanh, chỉ một nửa số này đăng ký, nửa còn lại thì không, như đánh giày, buôn bán lặt vặt và đối tượng có thu nhập thấp... Trường hợp đối tượng kinh doanh ở TP HCM bị phát hiện, truy thu thuế cũng là do họ đã đăng ký kinh doanh.

Sau khi quản lý được việc đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế phải quản lý được tài khoản ngân hàng. Cơ quan thuế TP HCM phát hiện ra chênh lệch giữa kê khai và số thực tế của đối tượng hơn 400 tỷ đồng là do người kinh doanh dùng tài khoản ngân hàng giao dịch. Trên thực tế, con số có thể còn lớn hơn.

Như vậy, trường hợp nào có đăng ký kinh doanh thì ngành thuế có thể quản lý, bằng không thì đành chịu?

Trường hợp không đăng ký kinh doanh thì có phương pháp kê khai. Tức là anh kinh doanh, có khoản thu nhập nào thì kê khai ra. Nếu không, thông qua báo chí, qua nguồn tin mạng xã hội, đối thủ hay qua cơ quan công an mà bị phát hiện thì phải nộp khắc phục hoặc phải đi tù nếu số gian lận từ 100 triệu đồng trở lên.

Liệu có thể quy ước ngay từ đầu rằng, những người kinh doanh trên mạng được coi là kinh doanh thường xuyên và phải chịu thuế khoán như hộ kinh doanh có đăng ký?

Cái này không thể vì hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh cũng còn tùy thuộc vào quy mô. Phải ở một mức doanh thu nào đó mới phải đăng ký kinh doanh và có quy mô doanh thu ở mức nào đó theo đúng quy định mới phải nộp thuế. Thực tế, nhiều trường hợp có đăng ký kinh doanh nhưng quy mô, doanh thu nhỏ nên chỉ phải nộp tượng trưng một khoản thuế môn bài 50 nghìn đồng/tháng chẳng hạn.

Để quản lý dòng tiền, theo ông cơ quan thuế có nên yêu cầu tất cả những người kinh doanh qua mạng phải đăng ký tài khoản ngân hàng không?

Cái này không yêu cầu được, không có cơ sở pháp lý vì luật của ta còn tương đối “xông xênh”. Hiện, doanh nghiệp giao dịch 20 triệu đồng trở lên mới phải qua tài khoản, bằng không thanh toán tiền mặt vẫn hợp pháp, có chăng chỉ là doanh nghiệp không được tính chi phí hợp lệ để khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đáng ra ta phải khuyến khích các giao dịch của người dân thực hiện qua ngân hàng và áp bằng biện pháp hành chính. Không thể nói tự nguyện được mà cơ quan quản lý phải rắn. Tuy nhiên, ở ta chính sách thuế lại liên tục thay đổi, doanh nghiệp khó nhớ và dễ “chết”.

Không có nước nào yêu cầu doanh nghiệp thanh toán 20 triệu đồng phải qua ngân hàng còn cá nhân thanh toán 1 tỷ đồng, thậm chí nghìn tỷ đồng tiền mặt mà vẫn hợp pháp; hay rút tiền mặt hết kho của ngân hàng cũng vẫn được.

“THUẾ CỦA VIỆT NAM CAO VÀ PHỨC TẠP QUÁ”

Theo ông, việc kết nối mạng có nên dùng mệnh lệnh hành chính?

Về nguyên tắc, thanh toán phải qua tài khoản ngân hàng, trừ ngoại lệ ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo thì có giới hạn. Hai là, nguyên tắc đã kinh doanh phải kết nối mạng với cơ quan thuế và phải dùng mệnh lệnh hành chính, kết hợp với lợi ích. Như việc quy định thanh toán 20 triệu đồng trở lên phải qua ngân hàng mới được tính vào chi phí hợp lệ và được khấu trừ thuế. Nếu doanh nghiệp lỗ thì có thể thanh toán cả 200 triệu đồng ngoài cũng được vì kiểu gì cũng không phải nộp thuế, còn nếu doanh nghiệp có lãi thì buộc phải tính từng đồng để lấy hoá đơn.

Lộ trình quản lý thuế kinh doanh qua mạng sẽ mất bao lâu?

Qua rà soát, Cục Thuế TP Hà Nội xác định 13.422 địa chỉ thực hiện kinh doanh, quảng cáo trên mạng. Sau khi Cục Thuế gửi thông báo, nhắn tin, đã có hơn 1.000 chủ tài khoản phản hồi, hơn 50% số đó đã chủ động đến cơ quan thuế để đăng ký thuế và kê khai thuế. Cơ quan thuế cho biết, sẽ đề xuất phương án kết nối, trao đổi thông tin điện tử với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các công ty viễn thông, công ty CNTT, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng, các công ty bưu chính, chuyển phát, để nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động thương mại điện tử.

Đầu tiên phải đơn giản hoá chính sách thuế. Hai là, cưỡng chế bắt buộc. Ba là, chế tài xử lý. Ngành thuế phải minh bạch, nghiêm khắc rõ ràng và kịp thời nâng cao trình độ. Nếu thực hiện quyết liệt thì chắc số người phải đi tù rất đông vì theo luật là cứ gian lận 100 triệu đồng là đi tù rồi.

Còn phía ngân hàng cũng phải tự nâng mình lên. Nếu yêu cầu thanh toán qua ngân hàng, họ sẽ có thêm khách hàng và nguồn thu. Hiện nay, hộ gia đình không quan tâm tới ngân hàng và ngân hàng cũng không quan tâm đến họ. Nhưng nếu có cơ chế thì lập tức ngân hàng sẽ trang bị phần mềm quản lý, có sản phẩm này sản phẩm kia phục vụ đối tượng này.

Thời gian thực hiện, tùy theo quan điểm và trình độ, nhanh thì 2-3 năm, nếu không có khi chục năm.

Vậy mấu chốt là bây giờ phải cải cách hệ thống thuế?

Không phải mỗi hệ thống thuế đâu mà còn đăng ký kinh doanh, báo cáo. Thuế là trọng tâm, trọng điểm, chiếm 80-90%. Nhưng thuế hiện cao quá. Ở Việt Nam, thuế doanh nghiệp đang là 20% nhưng thực chất phải 30% vì tiêu cực, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ… Nếu cơ chế thuế thoáng ra thì còn thu được nhiều vì sẽ mở rộng được đối tượng thu. Các sắc thuế cũng không nên quá phức tạp, nhiều mức mà nên đơn giản, càng ít mức càng tốt. Thuế giá trị gia tăng đang được trình sửa tăng từ 10% lên 12% các mặt hàng phổ thông, còn lại một số mặt hàng 5%, 6%... là sai lầm cơ bản vì hàng hóa là chuỗi và ảnh hưởng đến nhau, cái này là đầu ra nhưng lại là đầu vào của cái khác và thuế GTGT chỉ là doanh nghiệp nộp hộ người tiêu dùng. Do đó, phải đơn giản, không nên chi li quá mới quản lý được và phải quản lý bằng hóa đơn thật. Ngành thuế cũng phải nâng cấp hệ thống máy tính mạng, đảm bảo kết nối.

Ngoài ra, theo tôi nên bỏ đối tượng hộ kinh doanh đi, vì đây là khu vực khó quản lý nhất. Trường hợp cá nhân kinh doanh qua mạng ở TP HCM theo tôi biết cũng là bỏ từ doanh nghiệp xuống hộ kinh doanh.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.