Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Làm sao để không thể, không dám bạo lực gia đình

31/05/2022, 17:02

Đó là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chiều nay.

Tại phiên thảo luận chiều nay (31/5), cho ý kiến về Luật phòng chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa nội dung phòng và chống. Trong đó, phòng phải là yếu tố cơ bản, đi trước, còn chống là cương quyết.

Dự án Luật này phần chống đã cơ bản nhưng chưa thỏa mãn các biện pháp, giải pháp để phòng bạo lực gia đình. Nội dung phòng mới chỉ đề cập chủ yếu đến giải pháp thông tin tuyên truyền. Phải làm thế nào để người ta không dám, không thể thì phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình và các đối tượng liên quan.

“Dự án Luật phải có nhiều hơn nữa các giải pháp về phòng và mối quan hệ giữa phòng với chống. Ban hành Luật rồi có tạo được chuyển biến căn bản hay không là vấn đề cần suy nghĩ”, ông Huệ nói.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nhấn mạnh gia đình là tế bào của xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong phòng chống bạo lực gia đình cũng chưa được thể hiện rõ nét.

Cho biết tình hình bạo lực gia đình hiện đang diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc nghiêm trọng mà phát hiện ra chủ yếu do các cơ quan thông tấn báo chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, bản thân các thiết chế trong hệ thống chính trị nhiều nhưng vai trò ra sao, nhất là cơ quan chủ trì trong từng lĩnh vực? Đây cũng là vấn đề lớn cần làm rõ trong dự án Luật.

Cũng theo ông Huệ, đối với Luật này, việc nhận diện hành vi bạo lực gia đình so với bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thay đổi rất nhiều. Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Kim Sơn mặc dù không phải là thành phần chính dự nhưng đã trực tiếp đến chia sẻ về tình trạng nhức nhối của vấn đề bố mẹ, thành viên gia đình ép buộc con, cháu mình học hành quá mức, như hành vi bạo lực gia đình dẫn đến trầm cảm, có phản ứng tiêu cực như tự tử, tự sát. Đây là những nội dung đã được tiếp thu trong dự thảo Luật.

"Hay vấn đề ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi có phải là vấn đề bạo lực gia đình hay không? Luật có áp dụng trong gia đình sẽ có vợ hoặc chồng là người nước ngoài hay cả gia đình là người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam hay không?", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Có nguy cơ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Chiều nay (31/5), Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, không có luật dân chủ nào có thể “quét” (ghi nhận – PV) hết dân chủ của dân.

"Để 3 thành tố: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ, thì cả hệ thống pháp luật đều điều chỉnh 3 nội dung này, chứ không thể chỉ một luật nói về dân chủ được đâu. Quốc hội cũng là thiết chế đảm bảo quyền làm chủ của dân, cùng với đó là Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị", Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nói "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng", thì phải hiểu thanh tra ở đây là dân đi thanh tra chứ không phải người ta thanh tra dân. Thanh tra nhân dân là thanh tra của dân, có thiết chế này thì mới đảm bảo dân có thể đi giám sát, kiểm tra lại các cơ quan nhà nước, và cán bộ nhà nước.

"Nên chăng phải quy định trong điều luật, mỗi một cơ quan trên cơ sở quy định pháp luật này thì phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở, trong quy chế đó thì cần phải nói rõ cái gì dân phải biết, cái gì phải công khai, cái gì dân được bàn", ông Huệ nói.

img

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, phải đánh giá, tổng kết và nghiên cứu thêm về vấn đề dân chủ ở doanh nghiệp.

"Dân chủ là khái niệm người dân với chính quyền. Dân làm chủ, cán bộ, công chức là "đầy tớ của dân" - như Bác Hồ nói. Cán bộ, công chức được dân nộp thuế và trả lương. Như vậy dân chủ cơ sở áp dụng ở cấp xã phường thì hoàn toàn xác đáng", ông Lâm nói.

Nhưng đối với doanh nghiệp, ông Lâm cho rằng là quan hệ khác. Ở đây chủ doanh nghiệp bỏ tiền thuê người lao động.

"Khái niệm dân chủ ở doanh nghiệp đã không phù hợp. Tôi mất tiền trả lương thuê anh, thế bây giờ anh đòi làm chủ tôi. Cho nên mối quan hệ đặt ra như vậy mà chúng ta áp nó vào dân chủ ở cơ sở thì rất khiên cưỡng", ông Lâm nói.

Theo đại biểu Hà Quốc Trị (đoàn Khánh Hoà), cần phân biệt làm rõ ranh giới giữa mệnh lệnh trong quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm trước pháp luật, và xin ý kiến nhân dân tại cơ sở.

"Nếu lẫn lộn không giải quyết được mà vướng. Cho nên cần làm rõ ranh giới. Vì có việc phải chấp hành chứ không phải lấy ý kiến nhân dân cho dân chủ. Ví dụ giờ quy hoạch đường xá. Nếu dân không đồng ý thì có làm được không?", ông Trị nêu câu hỏi.

Từ thực tiễn từng làm Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Trị đề nghị cần có chế tài xử lý việc lợi dụng dân chủ cơ sở để xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân tổ chức.

"Như vừa qua đi tiếp xúc cử tri, có một số cử tri nói lãnh đạo huyện tham nhũng. Khi hỏi bằng chứng thì không có, nói cho vui. Nhưng điều đó khiến cán bộ lãnh đạo huyện rất bức xúc. Vì vậy cần nghiêm cấm và có chế tài việc lợi dụng dân chủ cơ sở để xúc phạm danh dự người khác", ông Trị nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.