Thời sự

Lùi thời hạn thông qua “luật đặc khu”

12/06/2018, 06:14

Ngày 11/6, với tỷ lệ 85,63% tổng số ĐB tán thành, Quốc hội thống nhất lùi thời hạn thông qua dự án...

5

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Không để dân hiểu lầm

Theo báo cáo của Uỷ ban TVQH, chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế là vấn đề mới, phức tạp còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các ĐBQH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Ủy ban TVQH cũng đã thận trọng cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định về thời hạn sử dụng đất, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

Cũng liên quan đến dự luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập đến sự việc ở một số ít địa phương đã xảy ra tình trạng một bộ phận nhân dân tụ tập đông người, kéo ra đường gây ách tắc giao thông và có hành động quá khích. Qua sự việc này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc Quốc hội và ĐBQH bàn ở nghị trường đã lan tỏa ra ngoài xã hội, song đáng tiếc vấn đề đó đã làm cho nhân dân không hiểu đúng bản chất, có sự ngộ nhận, hiểu lầm vấn đề. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng, gây ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội. “Quốc hội kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những dự án luật mà Quốc hội đang thảo luận luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, qua sự việc trên, cần lắng nghe hơn nữa ý kiến của người dân, đáp ứng hết nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, tránh xảy ra trường hợp như thời gian qua.

Liên quan đến dự án Luật Biểu tình đang được xây dựng và đến thời điểm này vẫn chưa được trình Quốc hội, theo bà Hải, dự án này là hiện thực hóa quy định Hiến pháp nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng.

ĐB Dương Trung Quốc cũng cho rằng, sự việc vừa qua là bài học lớn, việc lấy ý kiến người dân chưa toàn diện, kịp thời và nhanh chóng nên tạo ra những bức xúc không đáng có. Theo ông Quốc, nếu có Luật Biểu tình thì người dân có thể bày tỏ thái độ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ, đồng thời ngăn chặn được những đối tượng quá khích.

Tranh cãi việc nộp tiền bồi thường mới được xét đặc xá

Cùng ngày, các ĐBQH thảo luận về Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), trong đó các nội dung nhận được nhiều góp ý là thời điểm, tần suất đặc xá và điều kiện để xét đặc xá.

Theo quy định tại Dự thảo, Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá với người đang chấp hành hình phạt tù vào các dịp: Sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) cho rằng, nên bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn bởi chế định này đã được thực hiện thông qua hình thức tha tù có thời hạn. Việc áp dụng song song hai chế định này một cách thường xuyên có thể dẫn tới trùng lặp về chính sách, làm mất ý nghĩa đặc ân, đặc biệt của chính sách đặc xá dẫn tới Chủ tịch nước phải làm thay các công việc lẽ ra thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tư pháp. Nhiều ĐBQH khác cũng góp ý đề nghị làm rõ “thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước”.

Làm rõ hơn sự khác nhau giữa đặc xá và tha tù trước thời hạn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phân tích, thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước, tha tù trước hạn là thẩm quyền của Chánh án các cấp. Tha tù trước thời hạn nếu vi phạm có thể phải quay lại thi hành nốt phần án còn lại, còn đặc xá là tha luôn. Như vậy, tha tù trước hạn có tính nghiêm minh hơn. Từ đó, ông Bình cho rằng, cần lưu ý thời điểm đặc xá “phải là dịp có sự kiện quan trọng, ví dụ như 1.000 năm Thăng Long”.

Về điều kiện để được đặc xá, dự thảo quy định: “Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá”. ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, quy định như vậy là chưa đúng với bản chất của đặc xá, là chính sách khoan hồng, là đặc ân của người đứng đầu Nhà nước. Do đó, ở đây phải là ý thức tự giác của người chấp hành án phạt tù, nỗ lực rèn luyện, lao động và phấn đấu cải tạo tốt. Nếu là điều kiện bắt buộc, chắc rằng chỉ có những phạm nhân, gia đình có điều kiện kinh tế mới thuộc diện được đặc xá, còn những phạm nhân khó khăn dù có lập công, cải tạo tốt không bao giờ được xét đặc xá.

Tuy nhiên, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) lại lo ngại nếu trả tự do những người này lại tạo ra bức xúc cho người bị hại, dư luận xã hội cho rằng, việc thực hiện hình phạt không nghiêm túc, pháp luật không đủ sức răn đe người phạm tội.

Dẫn số liệu của Bộ Tư pháp cho thấy, từ năm 2015 đến tháng 6/2018, tổng số tiền phải thi hành của người đang chấp hành án phạt tù 104.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ thi hành được 8.000 tỷ đồng, tức là chỉ đạt 8%. ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, quy định việc chấp hành nghĩa vụ dân sự thành một điều kiện bắt buộc là cần thiết.

Phát biểu tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo luật về một số các nội dung mà các đại biểu quan tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.