Showbiz

Lương Bổng trong "Người phán xử" bật mí chuyện nghề khó tin

20/05/2018, 07:00

Hơn 30 năm theo nghề của nghệ sĩ Trung Anh khá thầm lặng nhưng vẫn có những dấu ấn riêng của sự rèn giũa...

19

Nghệ sĩ Trung Anh

Hơn 30 năm theo nghề của nghệ sĩ Trung Anh khá thầm lặng nhưng vẫn có những dấu ấn riêng của sự rèn giũa nghiêm túc. Anh tâm sự, những điều đó do tính cách khá khác biệt của anh so với bạn bè giới nghệ sĩ: Ngại tiếp xúc, sống khép kín.

Cách sống khép kín phù hợp với tôi

Nhìn lại hơn 30 làm nghệ thuật, mọi thứ đến với anh là tự nhiên hay do những biến cố trong cuộc sống tạo thành?

Tôi nghĩ do cá tính, tính cách khép kín của mình. Một phần cũng có thể do cuộc sống thay đổi, tạo nên tính cách và con người mình như thế. Ngay việc tiếp xúc với truyền thông, trước đây tôi cũng ít khi nhận lời phỏng vấn. Khi làm phim Người phán xử, tôi thấy việc trả lời phỏng vấn là trách nhiệm của mình với VFC. Qua đó, có thể phần nào đưa hình ảnh phim đến với công chúng.

Cuộc trò chuyện đã có lúc bị ngắt quãng bởi một đôi nam nữ xin chụp ảnh cùng “chú Lương Bổng”. Nghệ sĩ Trung Anh cười: “Khán giả ở đây còn lịch sự đấy, nhiều nơi còn kinh khủng lắm. Gọi là bị làm phiền cũng không phải, nhưng có lúc cũng thấy phiền. Dù vậy, đó là niềm vui của nghệ sĩ khi được khán giả yêu mến. Nhưng với cá tính của tôi thì… cũng thấy hơi ngại”(cười).

Tôi thấy cách sống khép kín phù hợp với mình. Mang tiếng là diễn viên nhưng tôi rất ngại xuất hiện nơi đông người. Nhiều người bảo tôi cứ lỳ lỳ, nhưng là tính cách tôi thế rồi.

Có biến cố nào khiến anh muốn buông tay khỏi nghề chưa?

Hồi bé, cuộc sống của tôi khó khăn, nhiều chuyện buồn trong gia đình. Tôi cũng lông bông, tính cách chưa định hình. Khi bắt đầu học nghệ thuật, tôi mới dần thay đổi. Có lẽ vì sự đam mê và các bạn bè học cũng rất nghiêm túc, tập trung học hành.

Học 4 năm ra trường, tôi đi bộ đội luôn. 2 năm trong môi trường quân ngũ khắc nghiệt giúp tôi rèn luyện được tính cách khá quyết liệt với công việc. Tôi đã nghĩ, được trở lại môi trường làm việc thì tốt biết mấy. Nhưng khi ra trường, tôi rất thất vọng. 2 năm “trên rừng” khiến tôi thấy mình lạc hậu, hụt bước so với bạn bè. Đó cũng là giai đoạn duy nhất tôi muốn bỏ nghề, định đi xuất khẩu lao động. Lúc đó, tôi chưa có gì trong tay cả. Suy đi tính lại, tôi nghĩ được làm việc mình yêu thích là một may mắn rồi, nên mới theo nghề tới tận bây giờ.

Anh có định hướng xây dựng thương hiệu của bản thân hay mọi thứ thuận tự nhiên?

Thế hệ chúng tôi hồi đó không có khái niệm xây dựng thương hiệu cá nhân. Chỉ làm theo đam mê và cũng không nghĩ mình sẽ được gì. Quan trọng là khi quyết định không bỏ nghề, tôi lao vào như con thiêu thân, để xem có khẳng định được mình hay không. Càng hiểu về diễn bao nhiêu, càng thấy mình kém bấy nhiêu.

Hồi đó, tôi chỉ phấn đấu có vai diễn, đi từ vai nhỏ tới vai lớn. Trong vài năm, tôi đã cố gắng được. Mong muốn của tôi là được đóng nhiều loại vai nhưng có thể qua hình dáng của mình, các đạo diễn thường ấn định tôi vào các loại vai khắc khổ. Thực ra, nhiều lúc đi làm phim chỉ để kiếm tiền, lấy ngắn nuôi dài thôi, chứ tôi vẫn yêu sân khấu hơn.

Không vì áp lực kinh tế mà làm bừa

Làm nghề ở tuổi này, chuyện kiếm tiền gây áp lực gì cho anh?

Áp lực về kinh tế, tôi nghĩ ai cũng có. Có người nghĩ đó là áp lực, cũng có người nghĩ đó là động lực. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, có đầy đủ cho con cái thì phải có kinh tế. Nhưng áp lực đó không có nghĩa là mình có thể làm bừa. Tôi không bao giờ nhận những vai diễn lố bịch, thiếu nghiêm túc, dù những vai đó thường trả rất nhiều tiền. Không phải vì tôi giữ hình ảnh mà chỉ đơn giản là không thích. Nếu cứ làm thì dần dần, mình sẽ không nhận ra chính mình nữa.

Gia đình anh tiếc những dự án béo bở ấy?

Vợ tôi là người có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Có những kịch bản tôi đọc xong và nói chuyện, vợ tôi cũng bảo nếu không hợp thì đừng làm. Dù cô ấy là người trực tiếp lo lắng cho con cái trong gia đình, nhưng cô ấy vẫn luôn suy nghĩ rất nhiều cho công việc và hình ảnh của tôi.

Còn các con tôi thì chỉ biết học. Các cháu cũng không có ý định theo nghề của bố. Tôi cũng không bao giờ ép buộc chúng. Vợ chồng tôi có cách dạy con là chỉ định hướng, không ép con bất cứ thứ gì.

Nghề này, người ta hay huyễn hoặc bản thân

Có nghệ sĩ từng nói, cuộc sống có hào quang, nghệ thuật cũng có hào quang, cuộc sống có những điều bỉ ổi thì nghệ thuật cũng như vậy. Anh đã trải qua những bỉ ổi trong nghệ thuật bao giờ chưa?

Tôi gặp nhiều là đằng khác, “trong chăn mới biết chăn có rận” mà. Ở cơ quan tôi - Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có người… (ngập ngừng). Nghề này, đôi khi hay khiến người ta huyễn hoặc bản thân mình. Nó lại hay rơi vào những người kém chuyên môn. Có người đóng 1, 2 phim nghĩ mình là ngôi sao nên cách ứng xử thay đổi theo chiều hướng đôi lúc lố bịch.

Đôi khi, tôi không hiểu nổi những con người đó. Tôi cứ nghĩ điều đó không ảnh hưởng tới mình nhưng vẫn có lúc công việc của mình bị ảnh hưởng. Nhiều lúc, tôi không muốn đến cơ quan nữa dù từng có giai đoạn, tôi không đi đóng phim mà chỉ tập trung vào sân khấu. Rồi tôi nhận ra, mình hình như đang hy sinh quá nhiều. Thậm chí có giai đoạn, tôi muốn chuyển cơ quan sang chỗ anh NSND Hoàng Dũng. Nhưng tôi cũng day dứt vì mình đã gắn bó với nhà hát từ thuở ban đầu nên không chuyển nữa.

Những lúc chông chênh nhất, điều gì giữ anh thăng bằng trở lại?

Trừ giai đoạn muốn bỏ nghề thì tôi không bị chông chênh về nghệ thuật bao giờ. Tôi chỉ mệt mỏi với những người mang danh làm nghệ thuật nhưng thực tế lại phản nghệ thuật. Còn trong cuộc sống, có những vấn đề làm mình thấy hụt hẫng, mất niềm tin thì gia đình giúp tôi tĩnh tâm hơn. Về tới nhà có vợ con quây quần, tôi có thể gạt bỏ những bức xúc, bớt đi những ức chế, căng thẳng.

Khi có chuyện, tôi hay chia sẻ và bàn bạc với vợ. Trong cuộc sống gia đình, sự chia sẻ là cần thiết. Dù công việc ấy không ảnh hưởng hay liên quan gì tới vợ nhưng cũng có thể cô ấy sẽ cho những ý kiến hay.

Đối với anh, danh xưng có quan trọng?

Nếu nói không thì cũng không đúng. Mục đích ban đầu làm nghề chỉ là sự yêu nghề nhưng đến một lúc nào đó, danh hiệu là sự khẳng định phần nào việc cống hiến của mình được Nhà nước công nhận, người dân thừa nhận. Tôi là NSƯT hơn 10 năm rồi, đợt trước cũng định làm nhưng vì một số điều không hay nên tôi không muốn làm nữa. Đợt này, có nhiều tác động nên tôi mới làm hồ sơ xin xét duyệt NSND.

Nhiều nghệ sĩ hay chán nản vì danh hiệu lại phải đi xin. Còn anh thì nghĩ sao?

Không xưng danh thì ai biết là ai? Trong hội đồng duyệt, không phải tất cả những người trong nghề. Nghệ sĩ mảng múa thì họ biết người trong mảng múa, xiếc chỉ biết xiếc thôi. Tôi nghĩ đó không phải là làm đơn xin mà chỉ là mình trình hồ sơ, để hội đồng xét duyệt nhìn vào đó biết mình đã làm những gì, cống hiến ra sao.

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.