Hàng hải

Lương “đánh thuê” cao ngất, chủ tàu nội mỏi mắt tìm thuyền viên

14/10/2021, 08:08

Chủ tàu nước ngoài có những điều kiện vô cùng hấp dẫn để thu hút thuyền viên khiến doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam lao đao tìm kiếm nhân lực.

Chủ tàu nước ngoài có những điều kiện vô cùng hấp dẫn để thu hút thuyền viên khiến doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam lao đao tìm kiếm nhân lực để duy trì hoạt động sau khi nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách.

Chủ tàu ngoại “khoán trắng” cho đơn vị cung ứng

Ông Võ Hồng Khánh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư vận tải biển Tân Đại Dương cho biết, gần đây, cơ hội việc làm với mức lương lý tưởng trên các tàu hoạt động tuyến quốc tế, đặc biệt là thị trường “đánh thuê” Trung Quốc vẫn rộng mở với thuyền viên Việt Nam.

Điển hình như chức danh thủy thủ có kinh nghiệm (AB), nếu thời điểm đầu năm, mức lương chủ tàu Trung Quốc chỉ từ 1.000 - 1.200 USD/tháng hiện lên từ 1.200 - 1.500 USD. Chức danh thuyền trưởng từ 3.800 - 4.000 USD lên đến 5.500 - 6.400 USD/tháng.

img

Điều kiện tuyển dụng hấp dẫn của chủ tàu nước ngoài đang khiến chủ tàu Việt Nam gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân lực đi biển (Ảnh minh họa)

“Không chỉ mức lương cao, quy trình tuyển dụng của chủ tàu Trung Quốc cũng rất dễ dàng. Nếu trước đây, thuyền viên muốn đi “đánh thuê” phải trải qua quá trình phỏng vấn bằng tiếng Anh ngặt nghèo thì hiện nay, những chức danh thấp chỉ cần có đầy đủ hồ sơ, chứng chỉ chuyên môn là có thể trúng tuyển. Thậm chí, việc phỏng vấn chủ tàu nước ngoài cũng “khoán trắng” cho đơn vị cung ứng tại Việt Nam chứ không trực tiếp thực hiện”, ông Khánh nói.

Theo ông Trần Hữu Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải và Đầu tư Thương mại An Thái (Ataco), đơn vị chuyên cung ứng một số lượng lớn thuyền viên cho thị trường Trung Quốc thừa nhận, thời gian gần đây, nhu cầu tuyển thuyền viên của chủ tàu Trung Quốc tăng mạnh với mức lương rất “hời”.

Đối với khối tàu nhỏ (5.300 tấn) chạy tuyến Bắc Á, lương của các chức danh tăng đến 20 - 30% so với đầu năm 2021. Đơn cử, chức danh quản lý hiện đã ở mức hơn 2.000 USD/tháng.

Có những chủ tàu cần thuyền viên gấp hoặc đề nghị thuyền viên quay vòng, mức lương có thể cao hơn nữa. Như mới đây, có tàu hơn 80.000 tấn, lương thủy thủ lên đến 1.800 USD/tháng trong khi trước đây chỉ dao động từ 1.000 - 1.200 USD/tháng.

“9 tháng đầu năm 2021, số lượng thuyền viên Ataco đưa đi “đánh thuê” cho chủ tàu nước ngoài tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Số lượng tăng chủ yếu lấy từ khối tàu nội, được Ataco tuyển dụng, bổ túc thêm tay nghề”, ông Vinh thông tin.

Chủ tàu Việt tăng lương vẫn “mỏi mắt” chờ người

Theo ông Võ Hồng Khánh, để có được người làm, hiện, nhiều chủ tàu nội địa đã tăng mạnh tăng lương cho thủy thủ từ 15 - 16 triệu đồng lên 20 - 23 triệu đồng/tháng; chức danh Phó 2 từ 28 - 32 triệu đồng lên 38 triệu đồng/tháng, Phó 3 từ 21 - 22 triệu đồng lên 20 - 25 triệu đồng/tháng.

Thậm chí, có công ty trả lương cho chức danh Phó 2 lên đến hơn 40 triệu đồng, thuyền trưởng từ 48 - 50 triệu đồng lên 58 - 70 triệu đồng/tháng nhưng vẫn “mỏi mắt” mới tìm được thuyền viên.

Việc “sốt” thuyền viên hiện nay sẽ không kéo dài nhưng thời điểm kết thúc phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19 tại các quốc gia, đặc biệt là ở các nước xuất khẩu thuyền viên. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các thị trường xuất khẩu thuyền viên lớn bình ổn, chủ tàu ngoại sẽ vẫn lấy thuyền viên Việt Nam nhưng không ồ ạt như hiện nay.
Ông Trần Hữu Vinh, PGĐ Công ty CP Vận tải và Đầu tư Thương mại An Thái


Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Lê Anh Dũng, Trưởng phòng thuyền viên tàu hàng Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế (Inlaco Sài Gòn) cho biết, bên cạnh dịch vụ cung ứng thuyền viên cho tàu nước ngoài, đơn vị này cũng đang trực tiếp khai thác 6 tàu chạy quốc tế với khoảng 130 thuyền viên.

Tuy nhiên, việc gia tăng nhu cầu nhân lực của thị trường “đánh thuê” với mức lương cao gấp 2 - 3 lần thị trường trong nước khiến Inlaco Sài Gòn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đội thuyền viên chạy tàu, số thuyền viên công ty phải tuyển mới đến 40% để bù đắp sự thiếu hụt khi một lượng lớn người lao động dịch chuyển sang “đánh thuê” cho chủ tàu nước ngoài.

“Hiện mức lương các chức danh trên tàu đều được tăng gần 30% so với năm 2020. Riêng khối thủy thủy thợ máy đang có sự biến động mạnh, lương đã điều chỉnh tăng đến 35% nhưng vẫn rất khó tìm người”, ông Dũng nói.

Đại diện phòng Tổ chức nhân sự và Thuyền viên, Công ty CP Vận tải biển Vinaship cho biết, có khoảng 30% thuyền viên chấm dứt hợp đồng.

Nguyên nhân một phần do có nhiều người ở trong vùng giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 quá lâu, không đi tàu được nên chuyển đổi công việc duy trì cuộc sống, song, một phần không nhỏ bỏ đi đánh thuê để lấy lương cao.

Đơn vị này phải cấp tập tính đủ đường để bảo đảm số lượng thuyền viên (150 người) vận hành khai thác 7 con tàu.

Cũng theo đại diện Vinaship, từ đầu năm đến nay, Vinaship đã hai lần tăng lương cho thuyền viên với chức danh thủy thủ mới (OS) từ 12 - 13 triệu đồng lên 14 - 15 triệu đồng/tháng.

Sỹ quan vận hành từ 16 - 17 triệu đồng tăng lên 23 - 24 triệu/tháng (Phó 3). Để tạo động lực cho người lao động gắn bó, công ty cũng kèm theo chế độ thưởng quý. Tổng thu nhập mỗi thủy thủ cũng gần 20 triệu/tháng.

“Một cơ quan có thể thiếu một trưởng phòng, nhân viên nhưng một tàu không thể thiếu một sỹ quan để đảm bảo định biên an toàn tối thiểu và được cấp phép rời cảng hoạt động.

Bên cạnh sự nỗ lực cải thiện chính sách thu hút nguồn lao động của doanh nghiệp, chúng tôi cũng mong muốn các địa phương có cơ chế tạo điều kiện cho nguồn thuyền viên dự trữ di chuyển thuận lợi giữa các tỉnh, thành, giúp chủ tàu có được lực lượng bổ sung kịp thời khi có trường hợp bỏ việc đi làm cho chủ tàu nước ngoài”, đại diện Vinaship đề xuất.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, việc thu hút và duy trì nguồn nhân lực phục vụ là trách nhiệm của chủ tàu, doanh nghiệp khai thác.

“Muốn có nhiều thuyền viên, phải trả lương thật tốt và cải thiện môi trường làm việc. Lương thấp, điều kiện làm việc kém rất khó giữ chân thuyền viên. Giống như các công việc trên bờ, ông chủ đối xử kém thì ắt người lao động sẽ chuyển sang một môi trường làm việc khác tốt hơn, lương cao hơn”, ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, sẽ không có biện pháp hành chính gì để kiểm soát được vấn đề này. Hàng rào kỹ thuật chỉ áp dụng với hàng hóa, thao tác thương mại, khó có thể áp dụng với nhân lực, con người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.