Chính trị

Luồng gió mới trong quan hệ Việt-Pháp nhân chuyến thăm của Tổng thống Hollande

07/09/2016, 06:09

Trong dịp này, nhiều văn kiện hợp tác liên quan đến giao thông vận tải giữa Việt Nam và Pháp được ký kết.

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Fr
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande chủ trì họp báo chung sau hội đàm. Ảnh: Hương Mai

Tổng thống Pháp Francois Hollande kỳ vọng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (từ 5 - 7/9) sẽ mang lại “luồng gió mới” cho mối quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt. Trong dịp này, nhiều văn kiện hợp tác liên quan đến giao thông vận tải được ký kết.

Hợp tác toàn diện

Sáng qua (6/9), tại Phủ Chủ tịch, sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi hội kiến riêng, sau đó hội đàm với Tổng thống Francois Hollande.

Tại hội đàm, hai bên thống nhất tăng cường trao đổi tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao, đồng thời phát huy vai trò của các cơ chế điều phối, chỉ đạo hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo. Pháp cam kết sẽ duy trì ODA cho Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo khẳng định, hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột ưu tiên trong quan hệ song phương.

Quan hệ Việt - Pháp đang chuyển sang giai đoạn mới. Chuyến thăm của ngài Hollande đến Việt Nam sẽ “tạo ra xung lực” giúp hợp tác song phương hiệu quả hơn trên các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục…”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp, đồng thời cho rằng quan hệ Việt - Pháp đang chuyển sang một giai đoạn mới kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2013.

Về phần mình, Tổng thống Hollande hy vọng chuyến thăm giúp mang đến "luồng gió mới" cho quan hệ Đối tác chiến lược. Ông Hollande ủng hộ Việt Nam giữ gìn an ninh biển và không phận, kêu gọi các bên liên quan tôn trọng UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển) và giải quyết tranh chấp bằng đối thoại. Ngoài ra, Việt Nam và Pháp nhất trí kêu gọi thượng tôn pháp luật, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực ở các vùng biển tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), ủng hộ sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đối tác hàng không quan trọng

Dịp này, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng, trong đó có: Ghi nhớ xem xét mua 10 máy bay Airbus 350 của Vietnam Airlines; Hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A320 CEO của Jetstar Pacific; Hợp đồng mua 20 máy bay Airbus A321 CEO và NEO của Vietjet. 

“Đội bay mới sẽ được sử dụng để mở rộng mạng bay nội địa và quốc tế của hãng, như là một phần của mạng bay giá rẻ Jetstar toàn cầu và chương trình thương hiệu kép với Vietnam Airlines”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jetstar Pacific nói và cho biết, loạt máy bay dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2017 tới.

Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ kết nối quá khứ và tương lai, tạo đà phát triển cho hai bên và trải qua quá trình đau thương, hai nước giờ đây đã có quan hệ tốt đẹp, hữu nghị, đặc biệt trong giáo dục...

Tôi biết có nhiều giảng viên của Việt Nam được đào tạo ở Pháp đã trở về đóng góp cho quá trình phát triển đất nước và trong những nhân tài của Pháp có cả người Việt, như Giáo sư Ngô Bảo Châu - người đã giành giải thưởng Fields cao quý”.

Ông Francois Hollande phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Trước đó, trả lời PV Báo Giao thông tối 5/9, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Airbus - ông Fabrice Brégier khẳng định: “Không có lý do gì để Airbus không thể đầu tư vào các công ty hoàn toàn sở hữu của VN”. Ông Fabrice Brégier cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp, Airbus công bố chọn Công ty Nikkiso Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội sản xuất bốn gói linh kiện mới cho các bộ phận composite của máy bay thân rộng. Airbus cũng ký kết thỏa thuận với Artus Việt Nam, công ty con của Meggitt PLC (hãng cung cấp thiết bị điện tử và cơ điện cho máy bay Airbus kể từ năm 1996).

Được biết, hiện nay, các chương trình phát triển máy bay của Airbus tạo việc làm toàn thời gian cho 550 công nhân có tay nghề cao ở Việt Nam. Airbus dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi con số này lên ít nhất 1.200 người vào năm 2020.

Tập đoàn Pháp sắp khai thác hai đường cao tốc

Cũng trong ngày hôm qua, trước sự chứng kiến của Tống thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn VINCI Concessions.

Theo đó, hai bên hợp tác nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam phương thức để VEC có thể thực hiện việc nhượng quyền khai thác các dự án đường cao tốc do VEC quản lý. Theo quy định của thông lệ quốc tế và pháp luật Nhà nước Việt Nam, VINCI Concessisons có thể được nhượng quyền khai thác hai dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. VINCI là tập đoàn xây dựng lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, hiện đang vận hành khoảng 6.000km đường cao tốc thuộc 40 dự án tại 12 quốc gia trên thế giới và đứng thứ hai thế giới về chuyển nhượng các dự án.

Chiều 6/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết: “Trước hết, các chuyên gia của Tập đoàn VINCI và VEC sẽ phối hợp nghiên cứu và xây dựng cơ chế nhượng quyền khai thác hai dự án cao tốc. Dự kiến, việc nhượng quyền khai thác hai tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có thể được thực hiện trong năm 2017”.

Ngoài ra, trong tuyên bố chung sau hội đàm, hai bên nhất trí đẩy nhanh việc triển khai những dự án ưu tiên, nhất là Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 tại Hà Nội.

“Xây dựng một sân bay mới là một quyết định đầu tư đúng đắn”

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành, ông Fabrice Brégier, Tổng giám đốc Airbus khẳng định, việc đầu tư, xây dựng một sân bay mới sẽ tốt cho bất kỳ một đất nước nào mặc dù quyết định xây sân bay mới đó sẽ rất khó khăn chứ không hề đơn giản. “Việc xây dựng một sân bay mới là một quyết định đầu tư đúng đắn, giúp ngành Hàng không tăng trưởng, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông Fabrice Brégier nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.