Vận tải

Lương phi công ngoại cao hơn phi công nội, Vietnam Airlines nói gì?

05/06/2018, 17:19

Nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu là một trong những lý do Vietnam Airlines buộc phải thuê phi công ngoại.

phi cong

Một số phi công Vietnam Airlines xin thôi việc vì cho rằng mức lương thưởng chưa tương xứng, chế độ đãi ngộ có sự phân biệt đối xử giữa phi công nội và phi công ngoại

Lương, chế độ có sự “phân biệt, đối xử” nội, ngoại

Cho rằng đang nhận mức lương, thưởng thấp, chế độ đãi ngộ có sự phân biệt đối xử giữa phi công nội và phi công ngoại, một số phi công Vietnam Airlines đã đồng loạt xin thôi việc.

Cụ thể, theo những phi công này, mức lương mà họ nhận được thấp hơn rất nhiều so với các hãng khác ở trong nước và chỉ bằng 60 - 70% phi công nước ngoài trong cùng đoàn bay. Sự bức xúc của phi công càng đẩy lên cao trào khi theo họ, chế độ đãi ngộ cũng thiếu công bằng khi phi công ngoại thì làm 6 tuần được nghỉ 2 tuần, trong khi đó, phi công nội làm 9 tuần chỉ được nghỉ 1 tuần.

Về vấn đề này, một phi công Việt Nam kỳ cựu chia sẻ với Báo Giao thông:Đúng là có tình trạng cùng làm việc cho Vietnam Airlines nhưng lương của phi công ngoại đang áp dụng cao hơn phi công nội. Vietnam Airlines tìm kiếm và thuê phi công nước ngoài căn cứ theo kinh nghiệm (giờ bay nhiều hay ít) và nguồn gốc phi công. Cụ thể, họ sẽ đánh giá xem phi công đào tạo ở nước nào, khu vực thường xuyên bay của phi công có mắc nhiều lỗi, có tai nạn không. Các yếu tố này sẽ làm cơ sở để xác định mức lương đề xuất cho phi công nước ngoài. Ngoài ra, trong lương của phi công nước ngoài còn bao gồm cả các khoản bù đắp chi phí khác như tiền lưu trú, ăn, về phép trong khi lương phi công Việt Nam không gồm khoản này”.

Hơn nữa, theo phi công này, để chào thuê phi công nước ngoài, các hãng cũng phải căn cứ theo mặt bằng lương phi công các nước trong khu vực. Nếu anh trả thấp hơn ai bay cho anh? Thực tế, có không ít phi công người Việt đang bay cho hãng nước ngoài cũng đang nhận theo mức phi công nước ngoài bởi khi đó họ đang tham gia thị trường lao động quốc tế.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết từ 1/6/2018, Hãng đã bắt đầu áp dụng các chế độ mới cho toàn tổng công ty. Trong đó, như thường lệ, phần tăng cao nhất là dành cho phi công. “Lương của hơn một nghìn phi công Vietnam Airlines đang chiếm đến gần một nửa quỹ lương toàn tổng công ty (khoảng 6.700 người)”, ông Thành thông tin.

“Việc điều chỉnh tăng này là theo kế hoạch, lộ trình từ trước, thông qua Đại hội cổ đông, không phải cứ thích tăng là tăng. Phần tăng cho phi công nhiều hơn cũng là trong kế hoạch chứ không phải vì có người nghỉ, có người xin thôi việc mà chúng tôi phải điều chỉnh”, ông Thành nói và cho biết thêm: Đợt điều chỉnh lương lần này đã được nghiên cứu từ năm 2017, căn cứ vào nguồn thu cũng như kế hoạch đầu tư phát triển của TCT.

20180605_170005

Mức lương trung bình và tối đa (trước thuế) của phi công Vietnam Airlines theo chính sách lương mới áp dụng từ 1/6/2018 do Vietnam Airlines cung cấp

CEO Vietnam Airlines chia sẻ thêm: “Có người khác còn hỏi là họ đi thế có ảnh hưởng gì đến an toàn khai thác không (vì thiếu người), câu trả lời của Vietnam Airlines là hãng không không đánh đổi cái gì cho an toàn. Nếu mà thiếu người, các anh đi thì chúng tôi phải thuê bổ sung. Còn nếu thuê bổ sung không được, chúng tôi không thể tăng nhanh như mong muốn, chúng tôi có thể bớt máy bay đi. Ở đâu đó còn những người không có đầy đủ thông tin, có góc nhìn và cách tiếp cận cực đoan, mình phải có trách nhiệm giải thích để cho họ hiểu”.

Về chế độ đãi ngộ, ông Thành cho hay điều kiện làm việc mà Vietnam Airlines đang áp dụng với phi công nước ngoài là căn cứ trên mặt bằng chung của thị trường lao động quốc tế. Hợp đồng lao động của phi công ngoại cũng ghi rõ điều này.

“Với phi công nội, chúng tôi cũng đang cố gắng điều chỉnh chế độ làm việc theo hướng tốt hơn. Thực tế, trước đây, phi công người Việt của Vietnam Airlines là làm 11 tuần mới được nghỉ 1 tuần. Tuy nhiên, từ năm 2016, chúng tôi đã điều chỉnh giảm xuống còn 9 tuần nghỉ một tuần.

Có buộc phải thuê phi công ngoại?

Câu hỏi đặt ra là vì sao Vietnam Airlines phải thuê phi công ngoại trong khi chi phí cho những phi công này đang ở mức rất cao so với phi công Việt Nam?

Về vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines cho biết đã là doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh luôn là vấn đề phải xét tới. Chất lượng phi công người Việt đang tốt lên rất nhiều. Hiện trong đội bay của TCT, những phi công người Việt đang đảm nhận những vị trí hết sức quan trọng. Nhưng cung không đủ cầu, “cực chẳng đã” chúng tôi mới phải thuê phi công ngoại.

Số liệu từ Cục Hàng không VN cho thấy hiện cả nước có 175 tàu bay đang khai thác mang quốc tịch Việt Nam. Dự kiến đến năm 2020, số lượng tàu bay khai thác đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc. Cũng theo cơ quan này, từ nay đến năm 2030, ngành hàng không dân dụng Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Thực tế, năm 2017, 3 hãng nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jeststar Pacific Airlines nhận thêm tổng cộng 24 tàu bay (Vietnam Airlines 5 tàu, Vietjet 17 tàu và Jetstar 7 tàu). Dễ dàng nhận thấy, nhu cầu phi công tăng thêm của năm 2017 là khoảng 232 người (mỗi tàu cần ít nhất 4 tổ bay để khai thác, mỗi tổ 2 người).

Trong khi đó, nhìn lại nguồn cung trong nước, đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện có 3 nguồn chính là các học viên của trường đào tạo phi công Bay Việt, Trung huấn luyện bay FTC (chi nhánh Vietnam Airlines) và nguồn lao động tự do (cá nhân tự bỏ tiền đi đào tạo cơ bản ở nước ngoài theo các chương trình xã hội hoá đào tạo phi công). Tổng cộng mỗi năm, cả 3 nguồn này mới chỉ đáp ứng khoảng 100 - 120 phi công. “Đây chính là lý do chúng tôi buộc phải thuê phi công ngoại”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Theo một chuyên gia hàng không, nhu cầu phi công nói riêng và nhân lực kỹ thuật cao trong ngành hàng không nói chung sẽ tiếp tục cao khi tới đây, nhiều khả năng sẽ có các hãng bay mới tiếp tục gia nhập thị trường. “Các hãng đều muốn phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị nguồn lực thì việc khủng hoảng thiếu cũng là điều dễ hiểu”, vị này nói.

Tất nhiên, chênh lệch cung cầu sẽ dần được thu hẹp khi các hãng hàng không đều đang triển khai áp dụng chính sách xã hội hóa về đào tạo phi công cơ bản. Lực lượng này được đào tạo tại các cơ sở đào tạo phi công của nước ngoài được Cục Hàng không VN phê chuẩn theo hình thức xã hội hóa - cá nhân tự túc kinh phí, người sử dụng lao động cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp và đạt các tiêu chuẩn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.