Giáo dục

Lưu ý các lỗi đáng tiếc gây mất điểm trong bài thi môn Tiếng Anh vào lớp 10

08/07/2020, 10:33

Thầy giáo tiếng Anh Nguyễn Trung Nguyên, Hệ thống giáo dục Hocmai bật mí bí quyết tránh sai sót đáng tiếc để đạt điểm cao trong kỳ thi vào 10.

img
Thầy giáo tiếng Anh Nguyễn Trung Nguyên, Hệ thống giáo dục Hocmai bật mí bí quyết tránh sai sót đáng tiếc để đạt điểm cao trong kỳ thi vào 10.

Đang là giai đoạn nước rút của các sĩ tử Hà thành thi lớp 10 đầy cam go, thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên môn Tiếng Anh - Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra các lưu ý chi tiết trước và trong ngày thi nhằm giúp các thí sinh ghi điểm tốt nhất.

Hệ thống lại kiến thức

Theo thầy Nguyên, thời gian còn lại trước ngày thi, học sinh nên rà soát lại các kiến thức đã học và ôn luyện kết hợp với việc làm đề theo cấu trúc.

Cụ thể, kiến thức ngữ pháp về từ loại học sinh cần: Hiểu và vận dụng được về dấu hiệu, cách dùng của tính từ, danh từ, trạng từ; Với danh từ cần nắm vững về danh từ đếm được, danh từ không đếm được, danh từ số ít, số nhiều…; Cách dùng của many, much, some, a little, a few và a lot of...

Kiến thức về thì động từ: Nhớ cấu trúc, cách dùng và dấu hiệu nhận biết của 12 thì động từ. Chú trọng vào các thì thường gặp trong đề thi: Thì hiện tại đơn, quá khứ đơn, tương lai đơn, thì hiện tại tiếp diễn và hiện tại hoàn thành.

Kiến thức về trợ động từ khuyết thiếu: Nhớ nghĩa và cách dùng của các trợ động từ khuyết thiếu: Can, could, should, may, might, must, have to, will, would, used to; Đặc điểm của trợ động từ khuyết thiếu: Những động từ theo sau chúng đều phải ở dạng động từ nguyên thể. Lưu ý: Ôn kỹ cách dùng của used to vì thường xuất hiện trong đề thi.

Kiến thức về so sánh tính từ và trạng từ: Ghi nhớ cấu trúc của các dạng so sánh. Chú trọng dạng bài chuyển đổi từ so sánh ngang bằng sang so sánh hơn; hoặc từ so sánh hơn nhất sang so sánh hơn. Bên cạnh đó, cần chú ý tới những từ nhấn mạnh trong so sánh hơn: Much, even, still, far.

Kiến thức về liên từ: Hiểu nghĩa và cách dùng của các liên từ đẳng lập: And – But – Or – So; Liên từ phụ thuộc: Because – Although – So that – Such that – When – While – Before – After; So sánh cách dùng của Because với Because of; Although với In Spite of; So that với In order to.

Kiến thức về hình thức giả định: Nắm vững cấu trúc và cách dùng của từ WISH; Cấu trúc và cách dùng của 3 loại câu điều kiện cơ bản trong tiếng Anh.

Những kiến thức quan trọng khác học sinh cần rà soát lại: Giới từ, cách sử dụng của In/On/At hay các giới từ trong cụm động từ; Các câu hỏi của How: How often - How long - How about …; Câu bị động, câu tường thuật; Phát âm và trọng âm, tiếng Anh giao tiếp.

Bên cạnh đó, thời gian còn lại học sinh cũng cần trau dồi và tích lũy vốn thêm từ vựng. Có thể học từ vựng theo cụm từ, theo các từ loại của từ đó, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa.

Tránh các lỗi, các “bẫy” trong đề thi

Theo thầy Nguyên, đề thi tiếng Anh đôi khi sẽ có những chỗ “bẫy” mà học sinh cần lưu ý, tất nhiên để tránh những bẫy này, học sinh phải nắm chắc kiến thức và làm nhiều để có kinh nghiệm.

Ví dụ: Trong câu hỏi về thì động từ, người ra đề rất hay “bẫy” vào dạng thì Hiện tại hoàn thành và quá khứ đơn. Trong dạng phát âm, học sinh có thể bị mất điểm với các “trường hợp ngoại lệ”, đặc biệt là các trường hợp ngoại lệ với âm /ed/ và /s/.

Đối với dạng bài về cụm động từ, học sinh hay làm bằng cách dịch và sau đó chọn giới từ phù hợp với nghĩa nhất, nhưng đó là cách làm sai, vì các cụm từ chứa giới từ đều cố định (tức là mỗi một từ phải dùng một giới từ cụ thể chứ không phải phù hợp với nghĩa: “Important to - quan trọng với” chúng ta không thể dùng “with”.

Bên cạnh đó học sinh thường mắc các lỗi như hiểu sai yêu cầu của đề bài, bỏ sót câu hỏi (không tô đáp án), dùng bút bi tô đáp án trắc nghiệm,... để tránh các lỗi này học sinh cần luyện đề nhiều và tự rèn cho mình tính cẩn thận.

Lưu ý phân bổ thời gian làm bài thi môn Tiếng Anh

Thầy Nguyên lưu ý, khi vào phòng thi, nhiều học sinh nhận đề và làm luôn mà không dành ra 1-2 phút để xem kỹ đề, điều này vô tình dẫn đến việc bị thiếu thời gian.

Đề thi môn Tiếng Anh thường gồm cả trắc nghiệm và tự luận, học sinh có thể phân bổ thời gian như sau (đề 60 phút):

15 phút đầu: Hoàn thành phần tự luận (cố gắng hoàn thành trong 15 phút)

20 phút tiếp theo: Hoàn thành phần đọc (đọc điền từ và đọc hiểu)

20 phút tiếp: Hoàn thành các câu trắc nghiệm. Làm 1 lượt trước các câu chắc chắn làm được, sau đó xem lại các câu còn phân vân. Tuyệt đối không bỏ sót câu trắc nghiệm nào.

5 phút cuối: Rà soát lại bài làm của mình.

“Thời gian gần ngày thi, học sinh nên giữ sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái và tự tin. Không nên cố gắng “nhồi nhét” kiến thức sát ngày thi. Các em có thể lựa chọn cách ôn luyện nhẹ nhàng như nghe nhạc, xem phim phụ đề Tiếng Anh để thư giãn và trau dồi từ vựng. Đồng thời, trước ngày thi 1 ngày cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, vật dụng và đến sớm 15-20 phút để thoải mái khi làm bài”, thầy Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.