Đời sống

Lưu ý gì khi đi lễ chùa đầu năm Tân Sửu 2021?

12/02/2021, 01:47

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hoá người Việt, khẩn cầu một năm mới bình an, may mắn... Lưu ý gì khi đi lễ chùa đầu năm Tân Sửu 2021?

img

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hoá người Việt, khẩn cầu một năm mới bình an, may mắn...

Ý nghĩa, phong tục lễ chùa đầu năm

Phong tục lễ chùa đầu xuân tuân theo quy luật của tự nhiên: “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa xuân sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa...).

Trong sự chuyển vận tự nhiên của vạn vật, đất trời, thì việc lễ chùa vào mùa xuân vừa là khởi đầu của một năm, vừa là khởi đầu của sự sống.

Trải qua thời gian, ý niệm đó trở thành yếu tố tâm linh gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người Việt, như hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa Việt.

Thời xưa, người ta thường chọn ngày lành đầu tiên trong năm để đến chùa lễ Phật, hoặc đến đình lạy Thánh, với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ. Đó gọi là tục “thí sự”. Ngày nay, người Việt đến lễ chùa ngay trong đêm giao thừa và tất cả những ngày trong Tết. Không câu nệ cứ phải là ngày tốt nhất.

Trong đêm giao thừa, dân chúng đến lễ tạ tại các cửa chùa rất đông. Họ đến lễ tạ như lời tri ân, cảm ơn cho năm cũ đồng thời cầu cho năm mới được may mắn.

Dù đi làm ăn ở đâu xa, tết trở về làng mình, thắp nén nhang trước mộ tổ tiên, viếng thăm ngôi chùa làng nhỏ bé, nhưng gần gũi và thiêng liêng. Chùa làng không phải chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là chỗ để mỗi con người lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành.

Cách bày lễ khi đi lễ chùa đầu năm

Ban to nhất ở cửa chính trong chùa là ban Tam Bảo thờ phật, khi đặt lễ ở ban này để cúng dường chư phật thì đầy đủ nhất phải gòm 5 món: Hương - nến - hoa - quả - nước.

Trong trường hợp không chuẩn bị được hết như vậy thì cũng không sao, cúng dường chư phật bằng tấm lòng thành chân thật. Tuyệt đối không để tiền, vàng, bao gồm cả tiền thật lên ban Tam Bảo.

Tiền thật nên để trực tiếp vào hòm công đức coi như đó là tiền cúng dường. Tuyệt đối không cúng đồ lễ mặn trong chùa, kể cả để ở ban Đức Ông.

Các ban khác trong chùa thì thường còn có ban Mẫu, ban Đức Ông, ban Thánh Hiền, ban vong… tùy mỗi chùa mà có sắp xếp khác nhau, thường có biển ghi đặt ở trước từng ban, bạn có thể quan sát trước khi khấn.

Khi thắp hương thì có thể thắp 3 nén nhưng thường giờ không cho thắp bên trong chùa vì lí do an toàn, nên cứ thắp chung ở lư hương to đặt trước cửa chùa, rồi sau đó đi từng ban khấn.

Cũng không quá quan trọng thắp nhiều hương hay ít hương, nhiều khi kể cả 1 nén cũng không sao cả. Chỉ cần chú ý ban Tam Bảo thờ phật bao giờ cũng là to nhất nên nếu có chuẩn bị nhiều đồ lễ để bày các ban thì nên ưu tiên sắp sửa cho ban Tam Bảo đẹp và trang trọng nhất.

Thậm chí nếu không muốn cầu kỳ chỉ cần sắp một đĩa hương hoa quả để duy nhất ở ban Tam Bảo.

Nội dung cầu khẩn khi đi lễ chùa thường chú trọng sám hối, sau đó nguyện hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ, cho người thân, người mất được siêu sinh Tây phương cực lạc, người sống được mạnh khỏe, an lạc, biết đến phật pháp tăng, tin sâu Phật pháp.

Thứ tự khi lễ chùa đầu năm

Đầu tiên là đặt lễ vật thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư Phật, Bồ tát.

Sau khi đặt lễ ở chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ tổ nhà hậu.

Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.