Vận tải

Lý do khiến các bến xe ở Hà Nội dần mất khách

20/10/2020, 06:52

Việc ứng dụng công nghệ chậm chạp, thiếu tính kết nối ở bến xe khách tại Hà Nội khiến xe khách tuyến cố định đang mất đi lợi thế cạnh tranh.

img
Hầu hết các bến xe ở Hà Nội mới triển khai ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ “tại chỗ”, bỏ qua các kênh trực tuyến nên kém thu hút hành khách

Thiếu tính “mở”

Chiều 15/10, có mặt trên đường Giải Phóng (đoạn từ nút giao Nguyễn Hữu Thọ đến nút giao Pháp Vân), PV Báo Giao thông chứng kiến hàng chục hành khách đứng trên vỉa hè chờ bắt xe khách về ngoại tỉnh.

Chia sẻ với PV trong lúc chờ xe về Kim Sơn, Ninh Bình, chị Lê Thị Huyền cho biết chấp nhận đứng bắt xe dọc đường thay vì đến bến xe (BX) Giáp Bát do ngại sự rườm rà, mất thời gian.

“Tôi rất nhiều lần đến bến mua vé theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc hành khách có mua vé, nhà xe không hề biết, vẫn cho lơ xe đi chèo kéo khách ở nhà chờ. Khách có vé nhưng khi lên xe, những chiếc ghế chính đã có người ngồi. Việc mua vé ở BX Giáp Bát cũng khá bất tiện khi phải ra tận nơi để mua, không có phương thức đặt chỗ online. Vì vậy, tôi lựa chọn phương án bắt xe dọc đường, vừa tiết kiệm thời gian, vừa lựa chọn được xe còn ghế ngồi”, chị Huyền nói.

Chị Nguyễn Thanh Thủy (một viên chức đang công tác tại Hà Nội) cho biết, khoảng hai năm trở lại đây, chị không còn đến BX để về quê Hải Phòng mà thay thế bằng việc gọi xe hợp đồng.

“Trước kia, tôi thường có thói quen tra thông tin chuyến xe như: Thời gian, bến xuất phát… để công việc được thuận lợi. Song hiện tại, các BX của Hà Nội gần như không có trang thông tin chính thức để cung cấp cho khách hàng các chuyến xe uy tín. Để lựa chọn được một chuyến xe, tôi phải tìm kiếm qua nhiều trang tin rồi lại xem từng đánh giá để biết nhà xe nào uy tín, không bắt khách dọc đường. Nói chung rất mất thời gian. Trước những bất cập ấy, tôi lựa chọn đi xe hợp đồng, vừa được tư vấn tận tâm, vừa có thể đặt vé online để giữ chỗ và được đưa đón tận nơi”, chị Thủy nói.

Trong khi đó, BX Mỹ Đình và BX Nước Ngầm dù có địa chỉ website riêng, song thông tin liên quan đến các tuyến xe còn nhiều bất cập. Truy cập vào website của BX Mỹ Đình với địa chỉ: http://benxemydinh.com, hiện trên trang chủ là công cụ tìm kiếm chuyến xe theo tỉnh, thành, BX. Nhưng sau khi nhập thông tin theo biểu mẫu có sẵn, thanh công cụ này lại không cho ra bất cứ kết quả nào.

Với BX Nước Ngầm, truy cập vào website: http://benxenuocngam.vn, tính năng hiển thị trên trang này khá đầy đủ, từ đường dây nóng, số điện thoại đặt vé online đến địa chỉ của BX.

Nhưng nhược điểm của chức năng tìm kiếm là thông tin chưa đồng bộ. Các tuyến chạy về một số tỉnh/thành phố có khoảng cách gần như: Bắc Giang, Hải Phòng… bị bỏ trống dữ liệu. Một số hành trình từ BX Nước Ngầm về các BX tại: Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk... không cung cấp được thông tin giá vé cụ thể.

Hoàn thành hệ thống tra cứu thông minh vào cuối năm 2020

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư và Công nghệ, Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, ngay từ năm 2008, đơn vị đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý phương tiện vận tải liên tỉnh.

Hiện tại, BX Mỹ Đình có khoảng 900 lượt xe hoạt động/ngày, BX giáp Bát khoảng 850 lượt xe/ngày và BX Gia Lâm khoảng 600 lượt xe/ngày. Ước tính, ba năm trở lại đây, tổng số lượt xe hoạt động tại 3 bến do Công ty CP Bến xe Hà Nội quản lý giảm khoảng 5%/năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này chỉ có một phần do chất lượng dịch vụ, khả năng đáp ứng thông tin. Một số nguyên nhân khác tồn tại như: Tốc độ gia tăng của phương tiện cá nhân; Sự phát triển, cạnh tranh của loại hình Limousine, ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư và Công nghệ, Công ty CP Bến xe Hà Nội


Đến nay, các bến: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đã được bố trí hệ thống tự động kiểm soát xe ra - vào, barie kết nối điều khiển qua hệ thống máy tính… giúp thủ tục đăng tài xuất bến của hơn 200 nhà xe (khoảng 1.800 phương tiện) được chính xác, rút ngắn thời gian.

Tuy nhiên, ông Hoàng thừa nhận, việc áp dụng CNTT mới chỉ dừng lại ở nội khu bến, còn thiếu tính mở trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ.

“Công ty CP Bến xe Hà Nội đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tính năng tiện ích tra cứu thông minh trên website. Trong đó, các tiện ích hướng tới minh bạch hóa thông tin tối đa, từ lộ trình chuyến đi, chủng loại phương tiện, giá vé, chất lượng phương tiện để hành khách có cơ sở lựa chọn nhà xe phù hợp với nhu cầu. Dự kiến, việc nâng cấp này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay”, ông Hoàng nói.

Riêng vấn đề đặt vé trực tuyến, ông Hoàng cho biết, đang phối hợp với các đơn vị vận tải xây dựng tiện ích này trên website. Hiện, một số đơn vị vận tải lớn đã chủ động xây dựng các website và phần mềm bán vé riêng.

“Tuy nhiên, khó khăn trong triển khai tiện ích này là đơn vị quản lý BX phải phối hợp cùng các đơn vị vận tải đề ra các chế tài ràng buộc giữa chủ thể vận chuyển (nhà xe) và bên hỗ trợ dịch vụ trung gian giữa hành khách và nhà xe (BX)”, ông Hoàng chia sẻ.

Đánh giá về chất lượng các BX Hà Nội hiện nay, Ths. Vũ Anh Tuấn, Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT cho rằng, so với dịch vụ xe limousine đang phát triển rầm rộ hiện nay, thông tin cung cấp cho hành khách trên các hành trình của các bến còn nhiều hạn chế.

Đối với hành khách ít di chuyển, không nắm được lộ trình hoặc hành khách có nhu cầu di chuyển đột xuất trên lộ trình mới, hạn chế này trở thành rào cản, khiến hành khách có tâm lý ức chế, từ chối dịch vụ tại BX.

Sự trì trệ trong ứng dụng công nghệ, phát triển chất lượng dịch vụ BX cũng một phần xuất phát từ mô hình quản lý BX thu tiền dựa trên lốt dịch vụ chứ không dựa trên số lượng hành khách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.