Góc nhìn

Lý do không ngờ khiến phụ nữ Trung Quốc ít học tiến sĩ

15/08/2018, 15:26

Phụ nữ Trung Quốc đạt tỷ lệ tương đương với nam giới ở các cấp giáo dục như tiểu học, trung học, phổ thông...

25

Các nhà khoa học nữ chịu áp lực lớn từ việc kết hôn và sinh con

Phụ nữ Trung Quốc đạt tỷ lệ tương đương với nam giới ở các cấp giáo dục như tiểu học, trung học, phổ thông, đại học và sau đại học. Tuy nhiên, nữ giới lại chỉ chiếm 1/3 tổng số sinh viên nghiên cứu sinh.

Khó cân bằng sự nghiệp và gia đình

Sự chênh lệch này được đổ lỗi do áp lực xã hội đối với việc cân bằng sự nghiệp học hành với việc kết hôn và sinh con, tờ SCMP ngày 14/8 dẫn lời các chuyên gia nhận định.

Bà Xiao Hui, giáo sư về văn hóa đương đại Trung Quốc tại Đại học Kansas (Mỹ) cho rằng, nhiều người có tư tưởng bảo thủ lập luận rằng nữ nhi học vấn cao, độc thân không phải nam, cũng chẳng phải nữ. Chính sự kỳ thị xã hội này đã gây ra nỗi sợ hãi khi phải trở thành những người “phụ nữ thừa”, lạc lõng trong xã hội.

Bà Xiao cũng cho rằng, các gia đình truyền thống ở Trung Quốc coi hôn nhân và sinh con là ưu tiên hàng đầu đối với một người phụ nữ. Do vậy, nữ giới sẽ phải gánh vác thêm công việc gia đình và làm việc chăm chỉ hơn nếu họ muốn theo đuổi con đường học tập trong xã hội hiện đại.

Là người trong cuộc, một nữ nghiên cứu sinh họ Giang ở Trung Quốc nói rằng, gia đình và hôn nhân có thể là vấn đề phân tâm đối với các nữ học giả, đặc biệt, trong các ngành học đòi hỏi nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, đối với những người phụ nữ thực sự yêu khoa học, bản thân họ lại không hề thấy phiền về các vấn đề nêu trên, Giang nói thêm.

Không chỉ riêng Trung Quốc, phần đông phụ nữ trên khắp thế giới đều thấy khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc, học tập và các mục tiêu gia đình, Angharad Fletcher, nghiên cứu sinh về giới tính trong lao động tại trường King’s College London chia sẻ.

Theo Fletcher, thời gian những người phụ nữ dành cho sự nghiệp học tập khoảng từ 25 - 35 tuổi. Đây cũng là thời gian nhiều gia đình mong đợi họ tìm kiếm một người phù hợp để kết hôn.

Một chuyên gia xã hội khác được SCMP dẫn lời lại chỉ ra rằng, ngay cả cách để phụ nữ trì hoãn việc làm mẹ hiện cũng không dễ thực hiện. Các lệnh cấm “đóng băng trứng” của Trung Quốc đối với phụ nữ chưa lập gia đình đã buộc những cô gái độc thân ở đại lục phải đi xa hơn để làm các thủ tục này.

Yếu tố khác chi phối

Trên một góc độ phân tích khác, cấu trúc các chương trình nghiên cứu tiến sĩ cũng là vấn đề khiến tỷ lệ nữ giới ở Trung Quốc tham gia nghiên cứu sinh ít hơn phái mạnh.

Theo GS. Xu Duoduo, chuyên gia xã hội học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, hạn ngạch chính phủ phê duyệt cho các chương trình tiến sĩ chủ yếu được trao cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Trong khi đó, phần ít phụ nữ nghiên cứu những chủ đề này ở Trung Quốc, cũng như ở nhiều nước phương Tây.

Các môn khoa học và kỹ thuật chiếm khoảng 60% tổng các đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở Trung Quốc, nhưng phụ nữ chiếm tương ứng 40% và 29% tỷ lệ tham gia các lĩnh vực này (theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc).

Hai giáo sư tâm lý gồm Ivy Wong Wang (Đại học Hong Kong) và Sylvia Beyer (Đại học Wisconsin-Parkside) đều cho rằng, sự khác biệt về tâm lý giữa các giới có thể ngăn cản phụ nữ nghiên cứu tiến sỹ ở các môn STEM. Cụ thể, phụ nữ có xu hướng đánh giá thấp bản thân và thường lo lắng cao hơn về môn toán và khoa học, mặc dù điểm số tổng thể của họ tương đương với nam giới.

Bà Beyer nhấn mạnh, tình hình tương tự ở Mỹ, nơi phụ nữ chiếm đa số sinh viên đại học từ năm 1979. Nhưng vào năm 2017, nữ giới chỉ chiếm khoảng 30% số người theo học STEM (theo số liệu từ Bộ Giáo dục Mỹ).

Bà Wong còn cho rằng, sự ảnh hưởng lâu dài của văn hóa Nho giáo, trong đó vợ thường được coi là người phụ thuộc vào chồng, cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.

Phụ nữ ở Trung Quốc kết hôn trung bình ở tuổi 23,9, trẻ hơn nhiều so với ở Nhật Bản (28,8), Hàn Quốc (28,9) và đảo Đài Loan (29,2), theo một nghiên cứu năm 2010.

Một khía cạnh nữa cũng phải kể tới là vấn đề quấy rối tình dục đang ngày càng gia tăng trong giới học giả cấp cao tại các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.

“Tôi đã quyết định bỏ sự nghiệp học hành vì các hành vi quấy rối tình dục của vị giáo sư hướng dẫn”, cô Zhang, 25 tuổi, người đang theo đuổi nghiên cứu sinh ngành sinh vật học nói với SCMP.

Tuy nhiên, “nhiều bạn nữ khác bị quấy rối tình dục mà không dám nói ra vì giáo sư hướng dẫn là người quyết định chúng tôi có thể tốt nghiệp và lấy bằng tiến sĩ hay không”, Zhang tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.