Quân sự

Lý do Mỹ 3 lần ngăn cản HĐBA LHQ ra tuyên bố về xung đột Dải Gaza

19/05/2021, 07:33

Mỹ tiếp tục phủ quyết việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết về xung đột Dải Gaza nhưng tích cực vận động Israel qua kênh riêng.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nhiều lần điện đàm với người đồng cấp Israel - ảnh tư liệu minh họa

Trung Quốc thất vọng với Mỹ

Sau cuộc họp thứ 3 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cuối tuần qua và vẫn chưa thể đưa ra được nghị quyết về xung đột giữa Israel-Palestine, Trung Quốc đã cực lực chỉ trích Washington “đổ thêm dầu vào lửa”, theo Sputink ngày 18/5.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: "Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã cân nhắc sẽ đưa ra một tuyên bố chung để tổ chức các cuộc đàm phán giữa Israel-Palestine.

Song, Mỹ, thay vì thực hiện những biện pháp tích cực để ngăn chặn xung đột, lại bắt đầu đổ thêm dầu vào lửa.

Bản thân Mỹ tự nhận thấy mình bị cô lập chưa từng có tại HĐBA, đứng ở phía đối lập với đạo đức và lương tâm con người. Cộng đồng quốc tế vô cùng thất vọng vì những hành động của Mỹ trong xung đột Israel-Palestine”.

Kể từ khi giao tranh trên Dải Gaza bùng nổ mạnh đến nay, phản ứng của Tổng thống Mỹ Joe Biden là khẳng định Israel có quyền bảo vệ mình trước những màn tên lửa tấn công từ phong trào Hồi giáo Hamas đồng thời nhấn mạnh lãnh đạo Israel nên xúc tiến ngừng bắn.

Mỹ cũng 3 lần ngăn cản HĐBA LHQ ra tuyên bố chung về xung đột giữa Israel-Hamas.

Hãng tin Reuters dẫn nhận định từ một số chuyên gia cho rằng, qua những hành động đó, ông Biden đã cho các lực lượng Israel thêm thời gian để tấn công các nhóm vũ trang Palestine trên Dải Gaza.

Song, cách kiên trì ngoại giao hậu trường, dò dẫm, cẩn trọng xử lý khủng hoảng Gaza của chính quyền Mỹ sẽ gặp thách thức lớn nếu trong thời gian đó xung đột không ngừng leo thang và số dân thường thiệt mạng tăng mạnh.

Về phần Mỹ, phát biểu tại cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield khẳng định Hoa Kỳ đang làm việc không ngừng thông qua các kênh ngoại giao để ngăn chặn xung đột. Washington đã thể hiện rõ sẵn sàng hỗ trợ nếu các bên cùng nỗ lực đàm phán để ngừng bắn.

Trong phản ứng khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, Washington không ủng hộ cách thức ngoại giao của HĐBA LHQ nhưng thực chất nước này đang liên tục tìm mọi cách ngoại giao khác để giải quyết xung đột, gần như không ngừng nghỉ.

Lý do Mỹ phủ quyết

Quan điểm của Mỹ khi 3 lần phủ quyết HĐBA LHQ ra nghị quyết về xung đột trên Dải Gaza gần như rõ hơn sau khi tờ New York Times đăng tải bài viết dẫn 2 nguồn giấu tên hé mở thông tin, thực chất khi điện đàm riêng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn nhiều so với những gì ông công khai trước dư luận.

Hai nguồn tin giấu tên cho biết, ông Biden đã cảnh cáo lãnh đạo Israel rằng ông đã phải gạt bỏ áp lực ép Israel thay đổi cách hành xử với Hamas đang ngày càng mạnh từ cộng đồng quốc tế và từ Quốc hội Mỹ trong thời gian rất dài.

Lãnh đạo Mỹ ám chỉ với người đồng cấp Israel rằng, thời gian để ông có thể che đậy hành động của chính phủ Israel, trên phương diện ngoại giao khi căng thẳng giữa Tel Aviv và Hamas tăng nhiệt, là có giới hạn, theo các nguồn tin.

Theo Phát ngôn viên Nhà trắng Jen Psaki, ông Biden đang kiên trì hành động như vậy trong thời gian dài để mọi người hiểu, cách tốt nhất để chấm dứt xung đột quy mô lớn thực chất không phải là tranh luận công khai.

"Đôi khi ngoại giao cần phải diễn ra ở hậu trường, cần sự tĩnh lặng và chúng tôi không công bố tất cả những điều đó", bà Psaki nói.

Cuộc xung đột đang tiếp diễn tại Dải Gaza gần 10 ngày qua đang lên tới đỉnh điểm trong 7 năm trở lại đây, tiếp nối những mâu thuẫn, giao tranh khốc liệt giữa người Israel và người Palestine kéo dài nhiều thập kỷ.

Trong hàng chục năm qua, đã từng có nhiều hoạt động ngoại giao, đưa ra một số giải pháp cho Gaza và bước đầu đạt được một số thành công nhưng đều kết thúc trong mâu thuẫn, giằng xé và máu của dân thường vẫn đổ.

Cuộc giao tranh mới nhất xảy ra từ ngày 10/5 sau xung đột giữa người Ả-rập và người Israel tại Đông Jerusalem. Phong trào Hồi giáo Hamas đã tấn công nhiều thành phố Israel bằng hàng nghìn quả tên lửa trong khi đó Israel không kích dữ dội, khiến hàng trăm người thương vong, nhiều toà nhà, hạ tầng, cơ sở vật chất của người dân trên Dải Gaza bị san phẳng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.