Góc nhìn

Lý do Trung Quốc thúc đẩy số hóa chứng minh thư nhân dân

02/02/2018, 12:09

Trung Quốc - đất nước đông dân nhất thế giới đang hiện thực hóa chiến dịch số hóa CMT.

28

Người dùng Trung Quốc khoe CMT ảo trên điện thoại

Trung Quốc - đất nước đông dân nhất thế giới đang đặt những viên gạch đầu tiên để hiện thực hóa chiến dịch số hóa chứng minh nhân dân nhằm cải thiện sự thuận tiện và tạo điều kiện tối đa việc tiếp cận dịch vụ cho toàn bộ dân chúng.

Tối giản thủ tục giấy tờ

Mỗi người dân Trung Quốc Đại lục đều phải đăng ký chứng minh thư nhân dân (CMT hay còn gọi là ID) khi bước sang tuổi 16. Cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, chứng minh thư là một giấy tờ xác minh nhân thân do Cơ quan Công an Trung Quốc cung cấp. Thẻ ID đang lưu hành hiện nay tại đất nước tỷ dân là phiên bản cải tiến thứ hai, được gắn chip và mã hóa điện tử.

Thẻ bao gồm các thông tin cá nhân như tên đầy đủ, giới tính, ngày sinh, quê quán, số CMT và ảnh chân dung màu. Thẻ ID được sử dụng cho các mục đích như xin giấy phép cư trú, bằng lái xe, mở tài khoản ngân hàng, đặt phòng khách sạn, mua vé tàu cao tốc và máy bay nội địa.

Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược CMT điện tử sau khi được Viện Nghiên cứu của Bộ Công an Trung Quốc và các cơ quan khác, như các ngân hàng lớn tại Trung Quốc ủng hộ.

Hiện nay, Chính phủ đang phối hợp với mạng WeChat của Tập đoàn Tencent để chủ trì việc nghiên cứu thẻ điện tử vì đây là ứng dụng nhắn tin nổi tiếng nhất tại Trung Quốc đại lục với 980 triệu người dùng/tháng (tính đến ngày 30/9/2017). Hầu hết, người dân Trung Quốc có điện thoại thông minh đều sở hữu ít nhất một tài khoản WeChat.

Với CMT điện tử, trong tương lai, người dân không còn phải mang theo CMT giấy mà có thể thực hiện mọi giao dịch, hoạt động cần thiết bằng điện thoại thông minh. Mục đích của chiến lược này là giảm giao dịch trên giấy, loại bỏ công đoạn scan và gửi thẻ CMT giấy, giúp giao dịch trực tuyến thuận tiện hơn.

Chuẩn bị triển khai trên cả nước

CMT điện tử do WeChat phát triển có thể thay thế thẻ căn cước giấy, phục vụ các mục đích như đăng ký phòng khách sạn, mua vé, giao dịch ngân hàng, dịch vụ giao hàng... tất cả các dịch vụ cần phải chứng minh tên thật.

Hiện nay, người dùng WeChat có thể sở hữu hai phiên bản thẻ ID điện tử. Thẻ ID màu yêu cầu người dùng phải chứng thực tại các điểm dịch vụ do Chính phủ chỉ định và được các cơ quan chức năng của Chính phủ chấp thuận thông qua mã QR và lưu giữ trong ứng dụng WeChat. Một khi muốn chứng thực thông tin như tên, số ID chỉ cần quét mã code là hoàn tất.

Người dùng cũng có thể đăng ký thẻ ID trắng đen ngay lập tức trên WeChat, không cần phải chứng thực tại các địa điểm được chỉ định nên tính năng của thẻ khá hạn chế.

Loại thẻ này được sử dụng vào mục đích thông thường nhiều hơn, không được chấp nhận khi muốn chứng minh trong các giao dịch thương mại với các cơ quan Chính phủ, chẳng hạn như việc đăng ký mở công ty tư nhân.

Hiện nay, “viên gạch” đầu tiên mà đất nước 1,4 tỉ dân đã đặt trên chặng đường điện tử hóa CMT điện tử đó là tại ở một quận của tỉnh Quảng Châu từ tháng 12/2017. Tại đây, Trung Quốc đã thử nghiệm phiên bản thẻ CMT ảo nhưng có đầy đủ chức năng và giá trị như CMT giấy.

Từ đây, Chính phủ Trung Quốc dự kiến mở rộng chương trình khắp đất nước từ tháng 1 năm nay. Với hầu hết các dự án thử nghiệm, việc chấp nhận thẻ ID ảo ngay từ đầu vẫn khá hạn chế.

Theo nhân viên làm việc tại cơ quan hành chính cấp quận ở Quảng Châu, thẻ CMT ảo của WeChat bước đầu tạm thời chỉ có hiệu lực tại một số cơ quan dịch vụ hành chính.

Các hoạt động thông thường như đặt phòng khách sạn, khai thác viễn thông và ngân hàng tại quận địa  bàn quận này vẫn chưa có thông báo chính thức về việc sẽ chấp nhận WeChat ID là giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ nhanh chóng thay đổi trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.