Quản lý

Lý giải phương án ưu tiên xử lý BOT Cai Lậy

18/04/2018, 07:30

Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư làm rõ vấn đề này.

3

Ông Nguyễn Viết Huy

Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) làm rõ vấn đề này.

Phương án tối ưu đảm bảo lợi ích ba bên

Bộ GTVT vừa công bố 5 phương án xử lý Trạm BOT Cai Lậy, cơ sở nào để Bộ GTVT lựa chọn đưa ra các phương án này, thưa ông?

Để nghiên cứu và xây dựng 5 phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy, trước tiên phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và hợp đồng dự án nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, các phương án đưa ra phải tính đến bối cảnh nguồn lực của Nhà nước hạn hẹp, đặc biệt là hiệu ứng lan rộng tới các dự án tương tự. Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp thu các kết luận thanh tra, kiểm toán trong quá trình thực hiện dự án.

"Chủ trương đầu tư dự án phù hợp với lĩnh vực khuyến khích đầu tư quy định tại Nghị định 108/2009, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, địa phương có ý kiến đồng thuận bằng văn bản và vị trí đặt trạm thu giá đúng quy định pháp luật, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và nhận được sự đồng thuận của các cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương”.

Ông Nguyễn Viết Huy

Về cách thức triển khai, ngay khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 12/2017, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN, Ban QLDA8 và nhà đầu tư tổ chức khảo sát lưu lượng giao thông trên tuyến. Kết quả khảo sát cho thấy, lưu lượng trung bình qua dự án khoảng 26.213 lượt xe/ngày đêm, trong đó trên tuyến QL1 khoảng 16.779 lượt/ngày đêm và trên tuyến tránh khoảng 9.435 lượt/ngày đêm.

Đồng thời, các cơ quan liên quan đã tiến hành rà soát lại toàn bộ chi phí đầu tư dự án, có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán. Cụ thể, tổng chi phí đầu tư dự án là hơn 1.380 tỷ đồng, gồm: Tuyến tránh hơn 680 tỷ đồng, tuyến tăng cường mặt đường QL1 hơn 379 tỷ đồng, trạm thu phí hơn 100 tỷ đồng và chi phí GPMB hơn 219 tỷ đồng. Cùng đó, Bộ GTVT đã cập nhật lại các thông số đầu vào, đàm phán sơ bộ với nhà đầu tư và tổ chức họp lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương về các phương án đề xuất.

Theo kiến nghị của Bộ GTVT, phương án ưu tiên là giữ lại Trạm Cai Lậy tại vị trí hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện và mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, phải chuyển trạm về tuyến tránh hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua lại mới thỏa đáng nguyện vọng của người dân. Ý kiến của ông thế nào?

Như tôi đã nói, phương án ưu tiên lựa chọn phải đảm bảo hài hòa lợi của cả 3 bên: Người dân, Nhà nước và nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Nếu ưu tiên lựa chọn phương án đặt trạm BOT trên tuyến tránh, không thu trên QL1, các xe sẽ đi vào trung tâm TX Cai Lậy trên tuyến QL1 để trốn trạm, gây ùn tắc, gia tăng TNGT và ô nhiễm môi trường cho nội đô TX Cai Lậy khiến dự án không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, khi thực hiện phân luồng cũng gây nên phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé, nhất là các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh gạo có trụ sở, giao dịch trong TX Cai Lậy. Hơn nữa, theo tính toán của đơn vị tư vấn, khi đặt trạm trên tuyến tránh, chỉ có khoảng 3.800 lượt xe lưu thông/ngày đêm, dẫn tới ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ cho cả vòng đời dự án khoảng 1.250 tỷ đồng để đảm bảo phương án tài chính khả thi.

Trao đổi với Báo Giao thông, GS.TS. Vũ Đình Phụng, chuyên gia giao thông khẳng định, phương án 1 (giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay và tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện, đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm) là phương án khả thi. Bây giờ, Bộ GTVT đề xuất giảm 30% mức phí chung cho các phương tiện và miễn giảm thêm cho các hộ dân các xã gần trạm thu giá; các phương tiện xe buýt công cộng cũng không phải mất phí khi đi qua trạm, tôi nghĩ phương án như vậy là khả thi.

Đối với phương án xóa bỏ Trạm BOT Cai Lậy dùng ngân sách Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư sẽ giải quyết triệt để phản ứng của một phận người dân, nhưng chúng ta phải xét đến bối cảnh nguồn lực của Nhà nước hiện nay đang rất khó khăn, nếu lựa chọn phương án này sẽ dẫn tới hệ lụy cho các dự án khác. Khi đó, ngân sách Nhà nước có thể phải hỗ trợ 5 dự án khác có đầu tư tuyến tránh, thu giá trên tuyến chính tương tự Cai Lậy và 6 trạm thu cả trên tuyến quốc lộ và cao tốc của 4 dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc, kết hợp cải tạo quốc lộ song hành khoảng trên 30.000 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, rõ ràng phương án chỉ đặt trạm trên tuyến tránh, không thu QL1 và xóa bỏ trạm BOT là khó khả thi.

Hiện nay, phương án giữ lại trạm và tiếp tục giảm giá cho tất cả phương tiện, mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho khu vực lân cận được Bộ GTVT đánh giá là tối ưu. Bởi so với phương án tài chính ban đầu, mức giá cho tất cả phương tiện đã giảm tới 60%, giá vé này là thấp nhất trên toàn tuyến QL1. Khi thực hiện phương án này, Nhà nước sẽ không phải bố trí ngân sách hỗ trợ dự án, đồng thời, người dân được lợi khi giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại và dự án cũng đảm bảo mục tiêu là phân luồng, giảm ùn tắc, TNGT, ô nhiễm môi trường trong trung tâm TX Cai Lậy.

Tôi cũng nói thêm, cả 5 phương án xử lý Trạm Cai Lậy đều đã được đưa ra thảo luận hai lần tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong hai cuộc họp này, đa số các bộ, ngành đều đánh giá phương án giữ lại trạm BOT Cai Lậy và tiếp tục giảm giá, mở rộng phạm vi miễn giảm là khả thi nhất.

4

Trạm thu giá BOT Cai Lậy - Ảnh: Hải Đường

Vị trí đặt trạm tuân thủ đúng quy định pháp luật

Vừa qua, trong dư luận có không ít ý kiến cho rằng, họ không quan tâm đến việc miễn giảm giá vé mà vị trí trạm BOT bị đặt sai. Ông giải thích thế nào?

Trong các kết luận của thanh tra, kiểm toán đã đánh giá dự án BOT Cai Lậy triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy định của pháp luật. Về vị trí đặt trạm, Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính đã nêu rõ, Bộ GTVT quyết định đặt trạm thu phí khi đảm bảo cự ly 70km, trường hợp không đảm bảo cự ly này, Bộ GTVT thỏa thuận với chính quyền địa phương và Bộ Tài chính quyết định.

Đối với trạm Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, trạm đặt tại Km1999+300, trong khi phạm vi dự án từ Km1987+560 đến Km2014+000, cách trạm An Sương – An Lạc và trạm Cần Thơ – Phụng Hiệp >70km là thuộc quyền quyết định của Bộ GTVT. Hơn nữa, để tăng thêm tính công khai, minh bạch, Bộ GTVT đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính; UBND, HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.

Về chủ trương đầu tư dự án, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đường, các cầu yếu trên đoạn tuyến phù hợp với lĩnh vực khuyến khích đầu tư bằng hình thức BOT theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 108/2009 của Chính phủ nêu rõ: “Chính phủ khuyến khích thực hiện các dự án xây dựng và vận hành quản lý công trình kết cấu hạ tầng mới hoặc dự án cải tạo, mở rộng, hiện đại hóa và vận hành, quản lý các công trình hiện có theo hình thức BOT, BTO, BT”. Đồng thời, chủ trương đầu tư dự án BOT QL1 qua TX Cai Lậy đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản và được các cơ quan đại diện cho nhân dân ở địa phương đồng thuận.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.